Bài 11:

Gần 30 doanh nghiệp kêu cứu giữa thủ đô: Trên quyết liệt dưới thì thư thả?

(Dân trí) - Đến nay, hàng chục doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, di dời thì chẳng biết đi đâu, lộ trình di dời thế nào, thanh toán, hỗ trợ di dời ra sao? Còn ở lại thì cũng thiếu thốn trăm bề, không thể đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng…

Như báo điện tử Dân trí đã đưa tin, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ xây dựng lộ trình, kế hoạch di dời Cụm công nghiệp Phú Minh cho Công ty Việt Hà (đơn vị thực hiện) và Sở Tài Nguyên và Môi trường (cơ quan hướng dẫn) từ năm 2010, đến nay UBND thành phố đã liên tiếp có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc 02 đơn vị, cơ quan này trong việc đề xuất, xây dựng lộ trình, địa điểm, phương án di dời các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Minh ra ngoài nội đô.

Nhưng hơn 08 năm trôi qua, một mặt, các doanh nghiệp cho rằng Công ty Việt Hà đẩy trách nhiệm xây dựng lộ trình, địa điểm di dời, phương án thanh toán, hỗ trợ di dời cho các doanh nghiệp; mặt khác, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hướng dẫn việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô thì Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội lại chưa thể sắp xếp, tổ chức đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho hàng chục doanh nghiệp đang tiến thoái lưỡng nan trong Cụm công nghiệp Phú Minh.


Văn phòng Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh.

Liên quan đến nội dung trên, Luật sư Nguyễn Đức Tùng - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: “Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại Cụm Công nghiệp Phú Minh đã được UBND TP Hà Nội ban hành từ hơn 08 năm trước, trong suốt quá trình thực hiện, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, cơ quan chức năng thực hiện, các doanh nghiệp khi được biết chủ trương thì hoàn toàn ủng hộ - đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để chủ trương được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, đến nay hàng chục doanh nghiệp vẫn chưa biết đi đâu về đâu, lộ trình, phương án thanh toán, hỗ trợ di dời thế nào. Sự chậm chễ này không khỏi đặt ra trách nhiệm của đơn vị được giao thực hiện là Công ty Việt Hà và cơ quan được giao hướng dẫn kế hoạch di dời là Sở Tài Nguyên và Môi trường” cụ thể như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội.

Từ năm 2010 đến nay, UBND TP Hà Nội đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tổng hợp, giám sát, trả lời kiến nghị liên quan đến việc thực hiện di dời cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Minh báo cáo UBND Thành phố như: văn bản số 2593/UBND-KH&ĐT ngày 15/4/2010, văn bản số 606/UBND – ĐT ngày 16/02/2017, văn bản số 1118/VP-ĐT ngày 08/02/2018, văn bản số 3108/UBND ngày 03/5/2018, văn bản số 3328/VP-ĐT ngày 10/5/2018 và gần đây nhất là văn bản chỉ đạo số 3535/VP-ĐT ngày 17/05/2018.

Trách nhiệm nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến quản lý đất đai, môi trường, quản lý doanh nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác được UBND thành phố giao theo quy định tại khoản 5, khoản 8, khoản 18, khoản 23 Điều 2 Quyết định 32/2016/QĐ-UBND ngày 08/09/2016 của UBND TP Hà Nội.


Lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng kiến nghị giãn lộ trình di dời cũng như các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện di dời của các doanh nghiệp đang thuê đất và nhà xưởng tại CCN Phú Minh là chính đáng.

Lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng kiến nghị giãn lộ trình di dời cũng như các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện di dời của các doanh nghiệp đang thuê đất và nhà xưởng tại CCN Phú Minh là chính đáng.

Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Minh vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về địa điểm, lộ trình di dời và phương án thanh toán, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thậm chí, khi các doanh nghiệp đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức và chủ trì buổi đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc di dời (văn bản đề nghị ngày 28/5/2018), nhưng đến nay các doanh nghiệp phản ánh: đã gần 01 tháng trôi qua, buổi đối thoại vẫn chưa được diễn ra, các doanh nghiệp vẫn đang mòn mỏi, đợi chờ từng ngày, từng giờ trước sự “thư thả” của Sở Tài nguyên và Môi trường hơn 08 năm qua.

Thứ hai, về trách nhiệm của Công ty Việt Hà

Việc xây dựng lộ trình, địa điểm di dời, phương án thanh toán, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh thuộc trách nhiệm của Công ty Việt Hà, điều này không chỉ được thể hiện tại các văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội: văn bản số số 2593/UBND-KH&ĐT ngày 15/4/2010, văn bản số 606/UBND-ĐT ngày 16/2/2017 và các ý kiến, chỉ đạo của các Sở ngành như Sở Công thương tại cuộc đối thoại ngày 06/4/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Biên bản họp tiếp công dân ngày 09/5/2018 mà quan trọng hơn cả đó là sự tôn trọng pháp luật, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa Công ty Việt Hà và các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh được ghi nhận tại Hợp đồng thuê nhà xưởng và Điều 477 Bộ luật dân sự 2015, theo đó: Công ty Việt Hà có trách nhiệm thỏa thuận về việc bồi thường, hỗ trợ di dời, hỗ trợ chi phí vận chuyển máy móc thiết bị, thanh toán các khoản chi phí đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp...


Các doanh nghiệp cho rằng Công ty Việt Hà đẩy trách nhiệm xây dựng lộ trình, địa điểm di dời, phương án thanh toán, hỗ trợ di dời cho các doanh nghiệp là không thể chấp nhận.

Các doanh nghiệp cho rằng Công ty Việt Hà đẩy trách nhiệm xây dựng lộ trình, địa điểm di dời, phương án thanh toán, hỗ trợ di dời cho các doanh nghiệp là không thể chấp nhận.

Tuy nhiên đến nay, Công ty Việt Hà vẫn chưa xây dựng lộ trình, địa điểm di dời và phương án thanh toán, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thậm chí theo phản ánh của các doanh nghiệp: Công ty Việt Hà còn liên tiếp ban hành các văn bản đề nghị chấm dứt Hợp đồng, đề nghị di dời nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp ra khỏi Cụm công nghiệp Phú Minh khi chưa xây dựng kế hoạch di dời phù hợp theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và các Sở ban ngành, đồng thời tại các Biên bản làm việc với các doanh nghiệp, Công ty Việt Hà còn đẩy trách nhiệm xây dựng lộ trình, địa điểm di dời và phương án thanh toán, hỗ trợ cho các doanh nghiệp là điều hết sức vô lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp.”

Như vậy, từ những năm 1990, theo lời kêu gọi, mời chào của Công ty Việt Hà và chủ trương của UBND thành phố về việc hình thành Cụm công nghiệp Phú Minh, hàng chục doanh nghiệp đã đến đây đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng (cầu, cống, đường xá, trạm điện,…) và nhà xưởng, máy móc để hình thành nên Cụm công nghiệp Phú Minh phát triển, khang trang như ngày nay. Nhưng đến nay, cũng từ đề xuất thực hiện Dự án Khu đô thị của Công ty Việt Hà và chủ trương của thành phố trong việc di dời các cơ sở sản xuất, xây dựng Khu đô thị Việt Hà, các doanh nghiệp một lần nữa ủng hộ chủ trương của UBND thành phố.

Thế nhưng, đến nay hàng chục doanh nghiệp lại bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: di dời thì chẳng biết đi đâu, lộ trình di dời thế nào, thanh toán, hỗ trợ di dời ra sao? Còn ở lại thì cũng thiếu thốn trăm bề: không thể đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng, gặp hàng loạt những rắc rối liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, giấy phép sản xuất kinh doanh,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp, đến tâm lý, việc làm của người lao động.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế