Bài 6:

Gần 30 doanh nghiệp kêu cứu giữa thủ đô: Hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc!

(Dân trí) - Việc Công ty Việt Hà đột ngột yêu cầu các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) di dời đang khiến hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa, thậm chí là phá sản, cùng với đó là khả năng mất đi sinh kế của hàng nghìn người lao động.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh liên tục nhận được thông báo của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Hà (doanh nghiệp cho thuê đất tại Cụm công nghiệp Phú Minh - gọi tắt là Công ty Việt Hà) về việc thanh lý Hợp đồng, di dời tài sản ra khỏi khu vực đã thuê của Công ty Việt Hà trong khi Hợp đồng thuê nhà xưởng của rất nhiều doanh nghiệp chưa hết thời hạn.

Xét trong bối cảnh và thời kỳ của từng giai đoạn, việc hình thành Cụm công nghiệp Phú Minh đã từng được sự ủng hộ, nhất trí của UBND thành phố và các sở, ban, ngành của Hà Nội. Ngày 25/9/2002, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6570/QĐ-UB cho phép Công ty Việt Hà được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án “Xây dựng Cụm công nghiệp Phú Minh” tại huyện Từ Liêm, Hà Nội với quy mô 40ha và phê duyệt đơn vị tư vấn để thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng cụm công nghiệp. Và tên gọi Cụm công nghiệp Phú Minh được bắt đầu từ đây.


Văn phòng Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Minh.

Trong thời gian các doanh nghiệp hoạt động tại Cụm công nghiệp Phú Minh đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động, giúp đỡ những người lao động thoát khỏi tình trạng bị thất nghiệp do lúc bấy giờ doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, không có tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Nay đứng trước tình thế này, nếu các doanh nghiệp buộc phải di dời và không còn nơi sản xuất kinh doanh thì liệu việc làm cho người lao động và chính sách của Nhà nước về việc làm có được đảm bảo?

Liên quan đến vấn đề việc làm cho người lao động và chính sách của Nhà nước về việc đảm bảo việc làm cho người lao động nói chung, người làm việc tại Cụm công nghiệp Phú Minh nói riêng, Báo Điện tử Dân trí đã có cuộc gặp và trao đổi với Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.

Luật sư Mai Bích Ngân cho rằng: "Việc đảm bảo và tạo điều kiện về việc làm cho người lao động là trách nhiệm của Nhà nước, của người sử dụng lao động và của toàn xã hội, điều này đã được thể chế hóa trong các quy định pháp luật, cụ thể:

Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động”, tiếp đó, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có Chương II về Việc làm, trong đó đã khẳng định rõ: “Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.” (Khoản 2 Điều 9 Luật lao động năm 2012).

Có thể nhận thấy, vấn đề việc làm luôn là vấn đề được Nhà nước quan tâm hàng đầu, bên cạnh việc đưa ra các quy định pháp luật về việc làm để đảm bảo quyền của người lao động khi làm việc, Nhà nước đảm bảo thực hiện các chính sách sau đây đối với người lao động (Căn cứ Điều 4 Bộ luật lao động năm 2012):

1. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thoả thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; có chính sách để người lao động mua cổ phần, góp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.

3. Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động.

4. Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng kiến nghị giãn lộ trình di dời cũng như các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện di dời của các doanh nghiệp đang thuê đất và nhà xưởng tại CCN Phú Minh là chính đáng.

Lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng kiến nghị giãn lộ trình di dời cũng như các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện di dời của các doanh nghiệp đang thuê đất và nhà xưởng tại CCN Phú Minh là chính đáng.

5. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động.

6. Hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

7. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.”.

Điều đó có nghĩa là, nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Công ty Việt Hà buộc các doanh nghiệp đang thuê nhà xưởng phải chấm dứt Hợp đồng thuê, nhanh chóng di dời khỏi Cụm công nghiệp để trao trả mặt bằng cho Công ty Việt Hà trong khi kế hoạch bố trí việc làm cho hàng nghìn lao động đang làm việc tại Cụm công nghiệp vẫn chưa có lộ trình cụ thể chẳng khác nào đang đẩy chính doanh nghiệp và người lao động vào tình thế cực kỳ khó khăn và việc đảm bảo chính sách của Nhà nước về việc làm theo quy định pháp luật sẽ không thể đạt được.

Theo thống kê về người lao động của 20 doanh nghiệp đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Phú Minh thì số lượng người lao động trực tiếp làm việc hiện nay là 2051 người, trong đó lao động nữ chiếm tới ¼ (587 người), nhiều lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn có hàng nghìn lao động phụ thuộc. Như vậy, nếu các doanh nghiệp đột ngột phải di dời khỏi Cụm công nghiệp khi chưa có lộ trình di dời phù hợp, các doanh nghiệp chưa sắp xếp được nơi đặt nhà máy, xưởng sản xuất thì việc tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động sẽ gặp muôn vàn khó khăn, người lao động đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Bên cạnh đó, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng Cụm công nghiệp Phú Minh, không chỉ các doanh nghiệp mà người lao động cũng đặt niềm tin vào việc sẽ có một Cụm công nghiệp vững mạnh, phát triển, nhiều lao động xác định gắn bó lâu dài với một hy vọng có một cuộc sống ổn định tại nơi đây. Họ từ địa phương khác đến đây làm việc, xây dựng gia đình, con cái họ được sinh ra trên chính mảnh đất họ đang gắn bó với công ăn việc làm hàng ngày. Con cháu của họ hiện nay đang theo học ở các trường học quanh khu vực Cụm công nghiệp Phú Minh.


Công ty Việt Hà gửi giấy mời đến từng doanh nghiệp đề nghị yêu cầu làm việc về nội dung thanh lý hợp đồng.

Công ty Việt Hà gửi giấy mời đến từng doanh nghiệp đề nghị yêu cầu làm việc về nội dung thanh lý hợp đồng.

Nếu các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải di dời thì không khác nào đẩy người lao động vào thế bị động: họ sẽ đối mặt với vấn đề cực kỳ nan giải là tìm kiếm công việc mới, tìm kiếm chỗ ở, tìm kiếm trường học cho con cái… họ biết đi về đâu, sẽ sống ra sao, sẽ ổn định cuộc sống như thế nào trước tình thế cấp bách như thế này?

Để đảm bảo chính sách về lao động của Nhà nước, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện về việc làm cho người lao động thì cần thiết phải có sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp hữu hiệu trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có lộ trình phù hợp để di dời nhà xưởng, ổn định sản xuất để đảm bảo điều kiện về việc làm cho người lao động, đảm bảo vấn đề an sinh, xã hội, tránh xảy ra trường hợp người lao động thất nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống xã hội.

Hiện nay, vụ việc của các doanh nghiệp với Công ty Việt Hà đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể tại Vă bản số 606/UBND-ĐT, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo về việc yêu cầu Công ty Việt Hà khẩn trương đề xuất kế hoạch di dời, đồng thời tại cuộc họp ngày 06/4/2018 giữa Sở công thương thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp, Sở công thương cũng đã chỉ đạo về việc yêu cầu Công ty Việt Hà đưa ra lộ trình di dời phù hợp và có phương án bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty Việt Hà và các doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất được mặc dù trước đó, các doanh nghiệp đã có văn bản gửi tới Công ty Việt Hà đề nghị tổ chức một buổi làm việc với tất cả các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh để thống nhất chung về kế hoạch di dời, địa điểm di dời, đây không chỉ là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, đời sống của người lao động và gia đình họ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế