Gã tử tù mù chữ và lời khẩn cầu xúc động: Có nên dành cơ hội hoàn lương?
(Dân trí) - Có ý kiến bạn đọc cho rằng, người dân tộc hiểu biết về pháp luật hạn chế, lại lần đầu phạm tội, thiết nghĩ tử hình là quá nặng; pháp luật nên cân nhắc để cho họ có cơ hội cải tạo hoàn lương.
Như Dân trí đã có bài phản ánh " Gã tử tù mù chữ và lời khẩn cầu khiến người nghe rơi nước mắt ", thuật lại phiên tòa xét xử Thò Bá Tồng về tội mua bán trái phép 2,1 kg ma túy.
Theo lời khai, 2 năm trước Tồng sang Lào để mua trâu bò, tình cờ quen người đàn ông bản địa tên Mùa nên hai bên trao đổi số điện thoại cho nhau. Rạng sáng ngày 18/6, Tồng đang ngủ thì nhận được điện thoại của Mùa nói cầm ma túy đi giao cho khách rồi nhận tiền mang về cho Mùa, tiền công 2 triệu đồng. Sáng hôm sau, khi Tồng đang đưa ma túy giao cho khách thì bị công an phát hiện, bắt giữ cùng toàn bộ tang vật.
Trong bài báo có đoạn: "Thò Bá Tồng (SN 1998, trú xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An). Tồng chưa từng đi học, một chữ bẻ đôi cũng không biết, mọi giao tiếp đều gói gọn trong cộng đồng người Mông của mình. Tồng cho biết, bản thân không nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, không biết ma túy bị cấm mua bán, vận chuyển. Bị cáo chỉ suy nghĩ đơn giản có người thuê, trả công thì làm.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án, Thò Bá Tồng gọn lỏn "Bị cáo không có gì để nói". Vị hội thẩm nhân dân hỏi lại "Bị cáo có hiểu "tử hình" nghĩa là gì không?", Thò Bá Tồng lắc đầu "bị cáo không biết". Khi được giải thích rõ, bị cáo Tồng tỏ rõ sự luống cuống, lí nhí xin tòa xem xét cho mức án nhẹ nhất".
Bàn về sự việc, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp trị cho rằng: Bộ luật hình sự điều 8 ghi nhận như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập trật tự, an toàn xã hội, mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Hành vi phạm tội được ghi trong luật, tuy nhiên Tồng không biết chữ, Tồng cũng không biết đến Luật.
Cũng có thể trên thực tế chưa có ai dịch Bộ luật hình sự ra tiếng Mông, hay tổ chức tuyên truyền nội dung luật hình sự đến với Tồng. Tồng không biết hành vi ấy là nguy hiểm, không có chút ý niệm nào để hiểu việc chuyển hàng, bỏ sức để được trả tiền công như vậy có thể phạm tội tử hình. Đến chữ "Tử hình" có nghĩa là "Chết", Hội đồng xét xử phải giải thích Tồng mới hiểu ra.
Theo Luật sư Lực, trong trường hợp này Hội đồng xét xử xét thấy Tồng có lỗi thì cũng cần xác định mức độ lỗi đến đâu? Với mức độ lỗi ấy thì có thể xem xét cho hưởng mức án thấp hơn hay không? Nếu công tác tuyên truyền pháp luật của Nhà nước ta chưa tốt khiến cho người dân tộc thiểu số không biết đến quy định pháp luật mà Tòa án vẫn áp dụng hình phạt cao nhất thì bản án ấy có phần thiếu nhân đạo.
Bị cáo là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... Ngay tại khoản 4 của điều 250 Bộ luật hình sự cũng quy định khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Do đó hoàn toàn có đủ căn cứ để không nhất thiết phải tuyên mức án cao nhất với bị cáo.
Luật sư Lực nêu quan điểm, cấp phúc thẩm có thể xem xét đến khía cạnh này, từ đó cho Tồng có cơ hội hoàn lương, bởi Tồng còn cha mẹ, vợ và con thơ.
Bình luận dưới bài viết, một số bạn đọc cũng cho rằng mức án tử hình dành cho Tồng là nặng. "Thiết nghĩ, tử hình là quá nặng", bạn đọc Đỗ Anh Tuấn viết.
"Người dân tộc thiểu số hiểu biết về pháp luật hạn chế, lại lần đầu phạm tội. Pháp luật nên cân nhắc để cho họ có cơ hội cải tạo hoàn lương", bạn đọc Tuanvu nêu quan điểm.