Gia Lai:
"Ép nữ sinh đeo biển "ăn trộm" là hành vi trắng trợn làm nhục người khác"
(Dân trí) - "Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) cần xem xét khởi tố ngay những đối tượng tại siêu thị đã bắt trói bé gái, buộc treo biển "ăn trộm" về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự", luật sư Vi Văn Diện phân tích.
Vụ việc một nữ sinh trường THCS ở huyện Chư Sê (Gia Lai) bị bảo vệ của siêu thị siêu thị Vỹ Yên dùng băng keo trói 2 tay bắt đeo trước ngực tấm biển có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” chỉ vì nữ sinh này cầm 2 quyển truyện với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền khiến dư luận hết sức bức xúc.
Để làm rõ hành vi của nhóm người thực hiện sự việc dưới góc nhìn pháp lý, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Diện nhận định: "Ở đây, rõ ràng những đối tượng là người của siêu thị đã thực hiện hành vi bắt, trói và ép buộc bé gái này phải đeo biển "tôi là người ăn trộm", động cơ và mục đích của họ là mong muốn em này phải thấy xấu hổ, tủi nhục về hành vi mà bé gái đã thực hiện.
Cần xác định đây là hành vi đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của con người, đặc biệt siêu thị là nơi công cộng có đông người qua lại, thêm vào đó là sự đánh giá của cộng đồng, dư luận xã hội. Xét về phạm trù đạo đức, truyền thống văn hóa thì hành vi này đã không thể chấp nhận, ngoài ra pháp luật đã có quy định rõ ràng. Hậu quả đã được xác định, bé gái này sau khi bị làm nhục đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, không dám tiếp xúc với ai, cảm giác xấu hổ, nhục nhã trước mọi người".
Chính vì vậy, luật sư Diện khẳng định hành vi bắt nữ sinh đeo biển "ăn trộm" tại siêu thị Vỹ Yên đã đủ dấu hiệu cấu thành tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
"Cơ quan điều tra cần vào cuộc điều tra xem xét siêu thị này do ai điều hành, tổ chức, chỉ đạo việc trói người, buộc đeo biển nhằm lăng nhục họ. Không những vậy, các đối tượng còn tổ chức phạt người vi phạm trái quy định. Tôi cho rằng đây là vụ việc có tổ chức, vậy ai là người tổ chức chỉ đạo phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Ngoài xem xét trách nhiệm hình sự, các cơ quan chức năng cần có hình thức xử phạt với nhóm đối tượng về mặt dân sự là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Về trách nhiệm dân sự, theo quy định cháu gái có quyền yêu cầu siêu thị hoàn trả lại 200 nghìn đã bị siêu thị phạt, đề nghị cơ quan có thẩm quyền buộc giám đốc, đại diện hợp pháp của siêu thị phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ được quy địng tại Điều 37 Bộ luật dân sự.
Như Dân trí đã đưa tin, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 10/4, em S. và một bạn học đi vào một siêu thị ở thị Trấn Chư Sê (siêu thị Vỹ Yên) để mua giấy kiểm tra. Em S. để tiền trong cặp nhưng cặp được gửi tại quầy nhân viên. Khi S. thấy 2 quyển truyện mình yêu thích là “Trạng Quỳnh- Sư Bảo Mẫu” và “Trạng Quỳnh- Ngọc Người” (mỗi cuốn giá 10 nghìn đồng) nên đã cầm lên với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền.
Tuy nhiên, khi S. chuẩn bị đi xuống phía cầu thang siêu thị thì bị bảo vệ của siêu thị chạy lại chặn và hô trộm. Sau đó, nhiều người xúm lại, bảo vệ dùng băng keo trói 2 tay cô bé ở lan can cầu thang rồi đi in một tấm biển có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”.
Sau khi treo tấm biển trên vào cổ cô bé, nhân viên siêu thị đã tra hỏi địa chỉ, tên cha mẹ, trường lớp, số điện thoại cha mẹ cô bé… Do không nhớ số điện thoại của cha mẹ mình nên nữ sinh đã nhờ bạn đi cùng liên lạc với nhà người bác ở thị trấn Chư Sê để nhờ giúp đỡ. Khi bác cô bé lên, siêu thị đã yêu cầu người thân nộp phạt 200 nghìn đồng mới được thả về nhà.
Sau khi xảy ra sự việc, nữ sinh S. quá sợ hãi và không dám tiếp xúc với ai. Tâm lý của S. vẫn chưa được ổn định, cô bé hay khóc, khi đến trường cũng không dám đi ra khỏi lớp giờ ra chơi.
Anh Thế