Đường phố hóa "mương", người lao động có bị trừ lương vì không thể đi làm?
(Dân trí) - Cơn mưa tầm tã khiến nhiều người khó khăn trong việc đi làm. Có người quãng đường chỉ 8 km nhưng mất tới gần 2 giờ đồng hồ mới có thể tới công ty.
Sáng 28/9, cơn mưa tầm tã tiếp tục trút xuống khiến đường phố Hà Nội ngập nặng, ùn tắc cục bộ. Nhiều tuyến phố rơi vào cảnh "tê liệt", người dân "chôn chân" trên đường vì không thể di chuyển.
"Phố Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) như một con mương vậy, thật kinh khủng. Sau này đường Nguyễn Trãi mọc thêm các chung cư sau khi di dời nhà máy thì không biết còn tệ đến mức nào nữa", độc giả Nguyễn Duy ngán ngẩm bày tỏ.
"Đặc sản "Hà Lội" mà có gì lạ đâu", "Đặc sản rồi, người dân thủ đô cứ dùng thôi", "Hà Lội rồi, đã nhiều năm mà cứ mưa xuống là ngập lụt",... nhiều độc giả khác lựa chọn góc nhìn hài hước, châm biếm khi nói về tình cảnh giao thông sáng nay.
"Hãi tắc đường quá, nay tôi đi đường từ Hà Đông, qua Nguyễn Trãi tắc gần 2 tiếng đồng hồ. Di chuyển 8 km tới cơ quan, chôn chân dưới trời mưa tầm tã!", chị Ngoc Thu Vu kể lại sau khi phải "vật lộn" với tắc đường để đi làm sáng 28/9.
"Biết là trời mưa đường tắc, đã cố đi sớm rồi mà cuối cùng vẫn đến công ty muộn 15 phút. Đến khổ, không biết có bị trừ công không nữa", tài khoản Hoàng Linh viết.
Cơn mưa lớn từ đêm 27/9 khiến nhiều tuyến đường như bị "phong tỏa", các phương tiện gặp khó hoặc thậm chí không thể đi lại, còn việc sử dụng các phương tiện dịch vụ hay giao thông công cộng cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến nhiều người không thể đi làm trong sáng 28/9.
Trong trường hợp không thể đi làm vì những vấn đề khác nhau liên quan tới giao thông, người lao động có thể bị trừ lương hay không?
Giải đáp thắc mắc của người lao động, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Điều 117 Bộ luật Lao động 2019, kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Người lao động có nghĩa vụ chấp hành nội quy lao động do người sử dụng lao động ban hành, trong đó có nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Trường hợp người lao động tự ý đi muộn, tức vi phạm nội quy lao động, doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức kỷ luật lao động như khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương… nhưng không được trừ lương của người lao động bởi đây là một trong những hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Cụ thể, theo Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, những hành vi bị cấm trong xử lý kỷ luật người lao động bao gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động và Xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy, dù người lao động đi làm muộn đã vi phạm nội quy lao động nhưng công ty không được phép trừ lương để thay thế cho các hình thức xử lý kỷ luật lao động khác. Hơn nữa, đối với trường hợp người lao động đi làm muộn do trường hợp khách quan như trời mưa, đường ngập, tắc đường hay xe hỏng thì người sử dụng lao động cũng không được trừ lương người lao động.
Khi gặp trường hợp như vậy, người lao động cần chủ động thông báo ngay cho người sử dụng lao động về tình trạng khách quan đang gặp phải để không bị xem là vi phạm nội quy lao động (nếu có).
Hoàng Diệu