Đường Lê Văn Lương bị "băm nát": Ai thay đổi quy hoạch? Ai ký duyệt?
(Dân trí) - Sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng công bố kết luận hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, độc giả "đòi" truy trách nhiệm người phê duyệt dự án.
Đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội) được đánh giá là huyết mạch giao thông trục phía Tây Nam Thủ đô. Tuy nhiên mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố kết luận về hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng trong quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường này.
Thường xuyên đi về trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, chị N.Lan (Tố Hữu, Hà Nội) vô cùng bức xúc mỗi khi phải ra đường, nhất là vào giờ cao điểm. Theo chị Lan, mật độ giao thông tại tuyến đường này thuộc nhóm cao nhất Hà Nội.
"Mỗi ngày, tôi đều cố gắng ra đường từ trước 7 giờ sáng để tránh ùn tắc và về nhà trước 17 giờ, những ngày trời mưa thì tắc kinh hoàng luôn. Hôm nào về muộn, tôi sẽ phải đi tuyến đường khác để né tắc", chị Lan cho hay.
Không chỉ tắc đường, mỗi khi mưa xuống, anh Đ.Quân (Hà Nội) phải chịu cảnh ngập lụt nặng nề. Một trận mưa cũng có thể khiến đường Tố Hữu chìm trong biển nước.
Không chỉ có mật độ xây dựng cao, các dự án trên trục đường này còn được triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng…
Những vi phạm đó rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân dọc tuyến đường này và bộ mặt đô thị.
Cần làm rõ nhóm lợi ích "băm nát" quy hoạch
Độc giả Dân trí đã tỏ ra vô cùng bức xúc trước thông tin này. Theo đó, bạn đọc Ngọc Phương thông tin, nhà dân muốn xây, sửa còn phải xin giấy, vừa đổ đống cát trước cửa nhà thì đội trật tự xây dựng sẽ xuất hiện ngay; làm gì có chuyện cả tòa nhà to đồ sộ thế vượt tầng mà không ai biết.
"Thế nhưng, hàng loạt chung cư đồ sộ, cao mấy chục tầng sai phạm mà không thanh tra nào nhìn ra. Câu hỏi lợi ích nhóm xem ra khá rõ, đề nghị quy trách nhiệm rõ và xử lý thật nghiêm", chị Ngọc Phương nêu quan điểm.
Độc giả Thế Anh còn cho rằng, vụ việc cần được điều tra, khởi tố bởi dấu hiệu cố ý sai phạm đã quá rõ. Trách nhiệm của từng cá nhân cần phải được truy tới cùng và công bố cho toàn xã hội: "Sai phạm tới đâu thì khắc phục tới đấy. Chung cư thừa thì đập bỏ, đề nghị chủ đầu tư có sai phạm chịu chi phí khắc phục và đền bù thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Xử lý người vi phạm mà công trình còn nguyên vẹn thì chủ đầu tư sẽ "nhờn" luật. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng người trước làm được thì người sau sẽ học theo, dự án hoàn thành đi vào sử dụng rồi là xong chuyện, rút kinh nghiệm là xong".
Bạn đọc có nickname NamHD đề nghị xử lý thật nặng những cán bộ đã làm méo mó quy hoạch - cấp phép xây dựng tràn lan sai, làm trái quyết định Thủ tướng. Vì theo độc giả này, những việc mà các cán bộ này làm sai sẽ không sửa được.
"Giờ không thể phá bỏ hết những chung cư đã xây dựng kiên cố ở trục đường này, vì còn quyền lợi của hàng ngàn hộ gia đình mà việc thấu tình đạt lý nhất là cơ quan công an vào điều tra, xử đúng người đúng tội, kể cả những người đã nghỉ hưu. Không thể có tình trạng hạ cánh an toàn để xã hội phải gánh chịu hậu quả", tài khoản NamHD bình luận.
Tài khoản Vũ Lập Hiến nêu quan điểm, những sai phạm trên có thể phát hiện ngay khi các dự án còn đang trong giai đoạn thiết kế và trình phê duyệt. Tại sao không ai phát hiện sớm để giờ nhà cũng đã xây xong, có chỉ ra sai phạm thì cũng còn ích gì, có chăng thì lại quy trách nhiệm một số cá nhân rồi rút kinh nghiệm là xong?
Cuối cùng, người chịu khổ chính là người dân. Người sai phạm phải vào tù, cái đúng có thể bảo vệ nhưng cái người dân nhận được thì chỉ là một mớ quy hoạch bất hợp lý. "Vì vậy, làm ơn có trách nhiệm với cộng đồng trong việc quản lý quy hoạch thay vì để sự đã rồi thì còn ý nghĩa gì nữa!?", độc giả Hiến than thở.
Từ cuộc thanh tra trên, độc giả Trần Toàn cho hay, việc chấp hành các quy định về quy hoạch, xây dựng đều bị vô hiệu. Không phải ngẫu nhiên mà có hàng loạt công trình vi phạm, nó xuất phát từ sự dung túng, thông đồng của các cơ quan quản lý Nhà nước với các chủ công trình để mang lại lợi ích cho riêng mình.
"Để giữ sự nghiêm minh của pháp luật, các cơ quan thực thi pháp luật phải xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức liên quan, thậm chí phải phá dỡ những công trình sai phạm gây ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân và uy tín của pháp luật", anh Toàn khẳng định.
Trước một loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường "nóng" về ùn tắc giao thông này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan có liên quan khắc phục những vi phạm, tồn tại đã nêu tại kết luận.
Tuy nhiên điều người dân mong chờ nhất lúc này không phải là những sợi dây kinh nghiệm không biết rút bao giờ mới hết, mà cần đưa ra ánh sáng pháp luật những người đã làm sai, ký điều chỉnh quy hoạch để "rừng bê tông" này mọc lên như nấm suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần xem xét lại còn có những khu vực nào đang cho phép cao ốc mọc lên dày đặc nữa hay không, để kịp thời ngăn chặn bất cập đang xảy ra trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương.