Đường dây nóng và đường dây nguội

Có những đường dây nóng nhưng luôn "nguội". Ngược lại, có số điện thoại của cá nhân lãnh đạo uy tín lại trở thành đường dây nóng tin cậy cho người dân.

Mới đây, Giám đốc Công an An Giang - Đại tá Đinh Văn Nơi, công bố số điện thoại cá nhân làm đường dây nóng thu nhận tin báo tố giác tội phạm, tố giác các hành vi vi phạm về phòng chống Covid-19. Chỉ trong ít ngày, số cuộc gọi, tin nhắn đổ về máy ông cả trăm cuộc mỗi ngày.

Có cú điện thoại cho hay, vừa phát hiện những người nước ngoài lạ mặt ra vào nhà nghỉ A; có tin nhắn báo: "Anh Nơi, tôi thấy có người hàng xóm B vắng mặt lâu ngày nay trở về địa phương mà không khai báo y tế…." hay chỉ đơn giản: "Tôi thấy tại khu công viên C đang tụ tập đông người, nhưng có nhiều người không đeo khẩu trang"...

Tất cả cuộc gọi, tin nhắn của dân đều đã được xử lý. Hoặc đích thân giám đốc công an phản hồi, hoặc được lực lượng công an nhanh chóng xác minh.

Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết, ông chủ động công bố số điện thoại của mình để người dân báo tin, vì ông biết rằng người dân luôn tin tưởng lực lượng Công an và Giám đốc Công an tỉnh sẽ có thể xử lý và giải quyết rất nhanh những tin báo quan trọng của họ. Thực tế, số tin nhắn, cuộc gọi của người dân An Giang về đường-dây-nóng-đặc-biệt cũng là kỷ lục trước nay chưa có ở địa phương này.

Đường dây nóng và đường dây nguội - 1
Đại tá Đinh Văn Nơi (bìa phải) trong một lần trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo điều tra vụ án. Sau khi công bố số điện thoại cá nhân làm đường dây nóng tố giác tội phạm, có ngày ông nhận cả trăm cuộc gọi.

Cách đây không lâu, khi trò chuyện với Hoàng Ngọc Xuân Mai, một nữ sinh Đại học Harvard (Mỹ), tôi đặt câu hỏi về việc các bạn học sinh 14-15 tuổi bên đó đưa góp ý chính sách đến nhà cầm quyền bằng cách nào, tôi đã bất ngờ khi em trả lời: Qua hotline!

Xuân Mai cho biết, học sinh có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình với Thượng Nghị sỹ, thậm chí là Thống đốc bang bằng cách chủ động gọi điện hoặc gửi email. Thường những cuộc gọi sẽ được hồi đáp ngay hoặc sau một thời gian nhất định, tùy từng nơi. Thế nhưng, có một điều chắc chắn là những ý kiến sẽ được phản hồi, hoặc chí ít là được lắng nghe. "Nhiều bạn dành thời gian gọi điện, gọi hoài, gọi hoài thì người ta cũng sẽ có hồi đáp", Mai nói.

Tôi dám chắc rằng, lãnh đạo bên Mỹ không... rảnh hơn bên ta để việc trả lời điện thoại với một học sinh cũng là điều cần thiết. Và thú thực, trong cuộc trò chuyện, tôi bất giác nghĩ đến những tiếng tút dài đến não nề mỗi lần cần liên hệ đến các đơn vị, đặc biệt là cơ quan nhà nước.

Lập đường dây nóng là cách mà rất nhiều địa phương đã làm. Song không ít nơi sớm rơi vào thất bại vì các số điện thoại cung cấp không "nóng" như công bố ban đầu.

Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, Bộ Y tế cung cấp 2 đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch để người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp thông tin kịp thời.

Ngoài ra, người dân có thể gọi số điện thoại đường dây nóng ở các địa phương nơi mình sinh sống để được tư vấn khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đường dây nóng rơi vào tình trạng tậm tịt dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp.

Cô bạn tôi theo dõi thông tin y tế ở một tờ báo, mỗi khi có ca bệnh cần "check" nhanh thì chỉ có cách liên hệ qua đường dây nóng. 12 giờ ngày 22/4, đường dây nóng của các tỉnh Lai Châu (0213.3876698), Hòa Bình (0218.3857005), Cao Bằng (0206.3855666) đều không có ai nhận cuộc gọi.

Đến 14 giờ cùng ngày, khi gọi vào các số máy di động được Bộ Y tế cung cấp để người dân gọi tới nhận tư vấn phòng chống dịch Covid-19 thì có người nhấc máy. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu yêu cầu gọi lại vào 2 số khác, không phải số đã công bố.

Ngay cả tỉnh Hà Giang, nơi có ca bệnh 268 (nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) dương tính với SARS-CoV-2, đến ngày 22/4, thị trấn Đồng Văn bị phong tỏa, số máy cố định (0219.3886495), cung cấp để người dân có thể gọi nhận tư vấn phòng chống dịch Covid-19 cũng không ai bắt máy. 

Gọi đến "cháy máy" lại không thể kết nối, cô bạn tôi bực mình, gắt giọng: Nếu không có người trực thì công khai số điện thoại làm... cảnh à? Thế này thì gọi là "đường dây nguội", chứ "nóng" gì?

Tôi đành xuề xòa: "Mình cũng phải chia sẻ với đặc thù công tác và địa bàn của người ta. Tình hình dịch căng thế này bao nhiêu việc, nơi nào ít cán bộ phải chia ra làm cũng vất vả lắm chứ!".

Nói vậy thôi chứ nhiều khi chính tôi cũng bốc hỏa mỗi lần cần liên hệ với các địa phương qua điện thoại. Chẳng đâu xa, ngay ở Hà Nội, có huyện Gia Lâm cho công khai số điện thoại cá nhân của các đồng chí lãnh đạo địa phương; tạo điều kiện để cấp dưới, nhân viên thuộc quyền và người dân có thể liên lạc trực tiếp; hình thành "đường dây nóng", giúp cán bộ chủ chốt nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cơ sở và quần chúng. Đây cũng là sáng kiến nhằm tăng cường và đa dạng hóa hình thức đối thoại cơ sở; hình thành, rèn luyện tác phong gần dân, sát dân cho cán bộ, đảng viên.

Chủ trương của cấp ủy, chính quyền là rất thiết thực và hợp lòng dân. Ấy vậy mà khi có việc cần liên hệ, gọi điện "5 lần, 7 lượt" vào số điện thoại của một đồng chí lãnh đạo huyện, thì chỉ nhận lại một dạng phản hồi chủ yếu: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau". Nhiều lần khác là những tiếng đổ chuông, nhưng bên kia không có người bắt máy và cũng chẳng có ai gọi điện lại.

Lần khác, khi cần hỏi thông tin từ một xã vùng ven Hà Nội, tôi gọi theo số điện thoại một vị lãnh đạo được công bố trên website chính thống của huyện thì té ngửa khi vị đó nói: "Tôi đã về hưu từ năm ngoái rồi".

Gần đây, phục vụ công tác phòng chống Covid-19, người dân ở nhiều địa phương đang làm rất tốt việc cảnh giác, tố giác người nhập cảnh trái phép. Lực lượng mà cư dân mạng gọi vui là "radar chạy bằng cơm" ấy chắc hẳn sẽ phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm xã hội của mình nếu như có sự phối hợp nhịp nhàng với chính quyền mà đường dây nóng chính là cách kết nối nhanh nhất.

Thiết nghĩ, đường dây nóng là để cho người dân liên hệ lúc cần và rất cần, nếu cán bộ chủ chốt quá nhiều việc thì nên cắt cử bộ phận khác thay nhau trực. Nhiều địa phương cung cấp thông tin đường dây nóng là số điện thoại cá nhân của cán bộ, trường hợp người đó chuyển công tác, nghỉ việc hoặc về hưu thì cần phải cập nhật số mới để người dân nắm được.

Một khi cán bộ đã chủ động cung cấp số điện thoại là bày tỏ mong muốn và nguyện vọng được lắng nghe dân nói. Ấy vậy mà khi dân gọi điện thoại lại không thể bắt máy, trả lời... thì đó là có lỗi với người gọi, với dân. Nếu đường dây nóng chỉ để "làm cảnh", "hữu danh vô thực" thì đó là một cách tự hạ thấp uy tín của người lãnh đạo địa phương, làm giảm niềm tin trong dân đối với hệ thống chính trị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm