"Dùng" dân để diễn tập sự cố: Lạm quyền hay ngụy biện?
(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng, trong quân đội nổi tiếng là kỷ luật thép mà khi diễn tập cũng phải được thông báo trước. Sự cố là sự cố, diễn tập là diễn tập, không thể ghép chung với nhau.
Tối 7/12, máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố. Sau 30 phút "đóng cửa" xử lý sự cố, có nhiều chuyến tàu không thể đến/đi từ nhà ga này.
Tối cùng ngày, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết sự cố này chỉ là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra trong quá trình vận tải hành khách.
"Chúng tôi không hề được báo trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã ứng phó và khôi phục chạy tàu đúng theo kịch bản" - ông Trường cho hay.
Trên tàu lúc này có khoảng 40 hành khách, và mọi người được một phen hú vía. Các luật sư cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý cho phép Metro Hà Nội tổ chức diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông; không thể mang người dân ra... "thí nghiệm".
Bạn đọc Dân trí bày tỏ bức xúc và cho rằng đây là một cách làm vô cùng thiếu chuyên nghiệp. Bạn đọc Hà Trang viết: "Theo tôi thì sự cố là sự cố, diễn tập là diễn tập, không thể ghép chung với nhau. Hành khách có quyền được thông báo trước ít nhất vài phút trước khi họ vào toa xe để họ có sự lựa chọn đi bằng phương tiện gì.
Nếu không thông báo trước cho hành khách, khi ảnh hưởng tới họ thì ai chịu trách nhiệm? Báo trước là để tránh tình trạng sẽ có những người hoảng loạn sẽ chạy hay gây náo loạn, xảy ra sự cố thật sự.
Ngoài ra ví dụ hành khách đã mua vé máy bay, vé xe, hay du lịch đã hẹn ngày giờ rồi không thể chậm trễ hay đổi lịch trình; nếu trễ thì hành khách bị mất trắng tiền vé đã mua".
Bạn đọc Hoang192... cho biết, trên thế giới không ai lấy hành khách ra diễn tập bất ngờ cả: "Nếu chưa an toàn thì bắt nhà thầu Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện chứ không thể vừa vận hành vừa thực nghiệm được, không thể lấy dân làm chuột bạch được, tính mạng con người là trên hết.
Thay vì diễn tập không báo trước thì hãy tập huấn nhuần nhuyễn và định kỳ có nhân viên vận hành để khi xảy ra sự cố thì họ là người chủ động nhất và họ là người đưa ra phương án cho hành khách thoát nạn. Chứ nếu diễn tập không báo trước cho hành khách mà nhân viên lúc ấy cũng đang lúng túng không biết xử lý thế nào thì rất dễ xảy ra hỗn loạn, hoảng loạn".
Bạn đọc Vinh Lê đồng quan điểm: "Khảo sát trên thế giới có nước nào diễn tập kiểu này chưa? Trường hợp hành khách có bệnh nền, tình tiết bất ngờ gây hậu quả không đáng có thì ai chịu trách nhiệm? Làm ơn hãy làm việc chuyên nghiệp!".
"Chưa cần nói đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, chỉ cần nói đến chuyện muộn giờ làm gây ảnh hưởng đến thời gian như chậm giờ tầu xe, máy bay phải trả lại vé vì đến muộn, thiệt hại đó ai chịu?", bạn đọc Phan Trọng Thiệp hỏi.
Bạn đọc Trần Văn Dương đặt câu hỏi với vị Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: "Xảy ra thật thì không có gì nói, nhưng là diễn tập thì thử hỏi nếu ông Trường là hành khách và ông đang có cuộc hẹn rất quan trọng liên quan đến sự nghiệp chính trị của ông và giờ giấc cuộc gặp phải chuẩn thì ông nghĩ sao?".
Bạn đọc Bùi Quang Sóng so sánh: "Trong quân đội nổi tiếng là kỷ luật thép mà khi diễn tập thì cũng phải được thông báo trước. Đằng này tôi nghe các vị lý giải là diễn tập, tôi thấy không tin được, phải chăng đó là sự ngụy biện?".
"Người dân bỏ tiền ra để đi xe chứ đâu phải người ta bỏ tiền ra để cho ngành giao thông mang tính mạng của họ ra diễn tập đâu nhỉ!?", bạn đọc Đỗ Xuân Tân cảm thán.
Bạn đọc Nguyễn Hà thì nêu quan điểm: "Trong việc này dân kiện được không? Được, nhưng kiện cách nào, khi trong trường hợp này không có một tổ chức độc lập nào có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của công dân? Chúng ta chưa trang bị cho chính mình những phản kháng khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, chỉ biết ca thán".