Đừng biến sinh nhật thành sinh chuyện

Hàng xóm đang ngon giấc bị giật mình tỉnh dậy bởi rất nhiều âm thanh, ban đầu là tiếng xe máy dồn dập, sau là tiếng hát hò, cười đùa, tiếng hét ầm ĩ… Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi lực lượng dân phòng đến và yêu cầu tất cả về trụ sở xã.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập, tuy vẫn còn là nước nghèo trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp trong khu vực nhưng đã nảy sinh sự khác biệt rõ nét giữa thành thị và nông thôn, giữa người giầu và kẻ nghèo. Chỉ cần ngó qua cách thức tổ chức sinh nhật là đã thấy sự khác biệt rõ nét đó.

Lúc còn nghèo, người ta chỉ cầu “cơm ba bữa, quần áo đủ mặc”, nhưng khi đã dư dả thì lại “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Những người lớn tuổi có nhiều tiền sống ra vẻ đài các hơn để chứng tỏ là mình thuộc giới thượng lưu, còn con cái của họ thì sống đúng theo kiểu “cậu ấm, cô chiêu”. Những thanh niên này được cung phụng không thiếu thứ gì. Không phải lo lắng cho cuộc sống hàng ngày, họ thoải mái nghĩ ra lắm trò từ đi chơi nhân các ngày lễ, tổ chức sinh nhật… để có dịp “phô trương thanh thế”, để cho mọi người biết mình là ai.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ở những nhà điều kiện còn khó khăn thì vào dịp sinh nhật của con cái, họ chỉ tổ chức nhẹ nhàng, không nặng hình thức. Nhiều bậc cha mẹ bị chi phối bởi chuyện mưu sinh hằng ngày nên thậm chí còn không có thời gian và điều kiện để tổ chức sinh nhật cho con, hoặc nếu có thì cũng chỉ nhắc “hôm nay con đã bước sang tuổi…”.

Với những bạn sinh viên xa nhà, ở trọ hay trong ký túc xá, họ lại có cách tổ chức sinh nhật theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”. Đến ngày sinh nhật ai, cả phòng tập trung lại, mỗi người góp một chút cùng chủ nhân tổ chức một bữa liên hoan ngọt, mời các bạn cùng lớp và các phòng bên đến ăn, hát hò rôm rả cả một buổi tối. Đấy là lễ sinh nhật của những sinh viên nghèo.

Còn với sinh viên thuộc hàng quý tộc, thì trước ngày sinh nhật, họ tìm một nơi sang trọng, có đồ ăn mặn, thức uống ngoại, có người đứng cạnh phục vụ. Bữa tiệc nhất thiết phải có một chiếc bánh ga tô to để ăn sau khi đã no nê rượu chè. Nến thắp lung linh cùng những bản nhạc thời thượng. Tổ chức sinh nhật sang trọng như thế đương nhiên nhận được rất nhiều quà tặng có giá trị…

Chuyện của những người nhà giàu thì nói cả ngày không hết. Ngày lễ Tết, cưới hỏi đã đành, ngày sinh nhật của con cháu, họ cũng làm cho những người hàng xóm phải “lác mắt”. Theo gia chủ thì đó phải là một ngày thật đáng nhớ của con cái (cả năm có một ngày). Đơn cử như nhà anh H., chị M. ở quê tôi. Nhà có hai cô con gái hơn kém nhau 7 tuổi nhưng lại sinh cùng ngày, cùng tháng. Do vậy, hàng năm đến ngày sinh nhật của hai con, anh chị thường làm cơm mời anh em trong nhà, cô, dì, chú bác đến ăn uống, tính sơ sơ cũng đến hơn chục mâm với nhiều món, so ra còn sang hơn cỗ cưới của nhiều nhà trong làng. Anh là người giàu có lại là trưởng chi, việc nhà, việc họ đều phải qua anh nên tiếng nói của anh rất có trọng lượng, mọi người đều nể trọng. Anh không mời thì thôi chứ đã mời ai thì người đó nhất định phải đến. Dù thân chủ đã nói là không cần phải quà cáp nhưng cũng chẳng có ai đi ăn không bao giờ, phải có chút gì cho các em, các cháu, mà hơn nữa lại phải làm sao cho xứng với gia đình anh nên mỗi nhà cũng mất một khoản tiền mừng tương đối.

Còn những bậc cha mẹ không thiếu tiền chỉ thiếu thời gian do bận làm ăn thì “tháo khoán” cho bọn trẻ, chúng muốn tổ chức sinh nhật thế nào cũng được miễn là chúng thấy đầy đủ và vui. Khi những “đại gia con” này được tự do định đoạt ngày vui thì chúng sẽ bày ra rất nhiều trò mới lạ.

H. hiện là sinh viên của một trường có tiếng ở Hà Nội. Đó là điều kiện để cậu được quyền đòi hỏi bố mẹ chiều chuộng bởi bố mẹ H đã hứa nếu vào được trường ấy thì muốn gì cũng được. Vào đại học, H. được bố mẹ trang bị đầy đủ xe máy, máy tính xách tay, điện thoại di động thời trang, quần áo mốt… Nhập học mới được một thời gian ngắn nhưng với tính ga lăng và hào hoa, lại tham gia công tác Đoàn nên H. có nhiều bạn, mà không ít trong số đó được H. coi là bạn chí cốt. Đến ngày sinh nhật, H tuyên bố với mọi người là mình sinh vào 0 giờ 45 phút, ai là bạn thì cứ đúng giờ đó đến nhà H., còn không thì thôi. Nhưng chính cậu cũng không ngờ mọi người lại đến đông như vậy. Quá bất ngờ trước sự nhiệt tình của bạn bè, lại đúng hôm cả bố và mẹ đều đi công tác, H. quyết định làm một buổi ra trò cho “có khí thế”. Hàng xóm đang ngon giấc bị giật mình tỉnh dậy bởi rất nhiều âm thanh, ban đầu là tiếng xe máy dồn dập, sau là tiếng hát hò, cười đùa, rồi như quá khích, nhóm con trai còn hét lên ầm ĩ. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi lực lượng dân phòng đến và yêu cầu tất cả về trụ sở xã. Hôm sau, bố mẹ H. phải lên xã làm giấy cam đoan bảo lãnh cho cậu và nhóm bạn, khi ấy mặt ai cũng phờ phạc. Đúng là ngày sinh nhật đáng nhớ của cậu quý tử.

Những “độc chiêu” kể trên không chỉ có nam mới dám làm, các bạn nữ cũng “bạo tay” không kém. Bố mẹ hiện đang làm ăn tại Nga, nhà chỉ có hai chị em gái thì cô chị đã lấy chồng, nên cô bé Hoài (mới học lớp 10) trở thành trung tâm của gia đình. Những năm trước, mỗi độ sinh nhật, Hoài thường mời bạn bè đi ăn ốc luộc, kem hay chỉ vài món nhẹ nhàng. Nhưng năm nay, Hoài tuyên bố với bạn bè là lớn rồi, không thích trò trẻ con ấy nữa, phải làm một cái gì đó “hoành tráng”. Được các bạn trai góp ý, Hoài cùng các bạn ra nhà hàng ngoài Hà Nội mua một con dê quay, kèm theo rất nhiều bia, rồi tất cả hơn chục người kéo nhau ra bờ sông xả thịt dê ăn và hò hét cho thỏa thích. Nhiều người thấy vậy, chép miệng “mới nứt mắt đã đua đòi”, “giàu quá hoá rồ”... Bọn trẻ thì chẳng cần quan tâm mọi người nghĩ thế nào. Đến chiều tối, cả bọn kéo nhau về, để lại ngổn ngang chai lọ, thức ăn thừa là một con dê cắt nham nhở chưa ăn hết… Thật lãng phí!

Vẫn biết rằng, với nhà giàu như thế chẳng đáng gì nhưng xét thấy đây là vấn đề đáng bàn và đáng quan tâm đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Trong khi xã hội và nhà trường đang cố gắng dạy cho các em biết cần – kiệm và biết trọng một cuộc sống lành mạnh thì ở không ít gia đình, cha mẹ lại buông lỏng quản lý, để cho con cái tự do thái quá. Sẽ rất tệ hại nếu điều đó ăn sâu vào lối sống của lớp trẻ và không loại trừ có thể dẫn đến những điều tệ hại khó lường.

Sinh nhật là ngày vui của mỗi người, nhất là thanh thiếu niên. Tổ chức sinh nhật cho con cái cũng là một dịp để cả gia đình quây quần, bạn bè sum họp. Nếu chỉ là một bữa tiệc nhỏ để mời người thân, bạn bè đến ăn uống, chúc mừng thì cũng chẳng nên khắt khe làm gì. Nhưng nếu các cuộc ăn uống đó kéo dài và có phần xa xỉ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh thì cũng cần phải xem xét lại. Đừng để ngày sinh nhật vui vẻ quá đà thành ra sinh chuyện.

Hồng Hà

LTS Dân trí - Sinh nhật đúng là một ngày đáng ghi nhớ của mỗi người. Kỷ niệm ngày sinh nhật đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống xã hội tiến lên theo xu hướng văn minh.

Nhưng nếu biến ngày kỷ niệm sinh nhật trở thành một dịp để tiêu xài, để “phô trương thanh thế” thì đấy chẳng qua là trò rởm của bọn trưởng giả học làm sang mà thôi. Càng không nên để cho con cái tổ chức sinh nhật kiểu như vậy vì hoàn toàn phản lại tính giáo dục.

Tình người, tình bạn hữu đối với nhau đâu có phụ thuộc vào “mâm cao cỗ đầy”. Tổ chức sinh nhật giản dị, có hoa tươi, có bánh kẹo, có những bài hát, bài thơ chúc mừng và những nụ cười, những tràng pháo tay cùng những câu chuyện rôm rả! Như vậy chẳng đủ vui lắm sao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm