Du xuân về đất mũi Cà Mau

(Dân trí) - Những ngày còn đi học, chúng tôi đã thuộc lòng câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau”. Hay như cách ví von của nhà văn Nguyễn Tuân lại xem Mũi Cà Mau là “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”...

Và cũng từ bao giờ, tôi ước ao được một lần đặt chân lên vùng đất thiêng liêng ấy của Tổ quốc. Thế rồi, tôi cũng thực hiện được điều ước giản dị đó của mình khi được ra tận nơi “mũi thuyền- Mũi Cà Mau”.

Từ TP Cà Mau, chúng tôi xuôi sông Ghềnh Hào, Bãi Háp, Năm Căn và vô số kênh rạch mà tôi không thể nào nhớ hết được trên chiếc ca-nô chạy gần như hết tốc lực. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở nơi mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc thân yêu.

Mũi Cà Mau.
Mũi Cà Mau.

Mốc tọa độ quốc gia với điểm tọa độ GPS 001 màu vàng nổi bật giữa hình ngôi sao năm cánh màu đỏ. Biểu tượng Mũi Cà Mau là hình một mũi thuyền hướng ra biển, có bệ cao màu trắng, trên đó có ghi: MŨI CÀ MAU 8 độ, 37’30” vĩ độ Bắc, 104 độ, 43” kinh độ Đông. Bên cạnh đó là cây đa do nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trồng trong chuyến ông về thăm đất Mũi ngày 24/12/2004 nay đã xanh tươi, bén rễ chặt vào phù sa đất Mũi.

Để được thấy toàn cảnh đất- trời- biển Đất Mũi, chúng tôi lên Vọng hải đài có chiều cao 21 mét. Nhìn ra xa, biển xanh mênh mang, những chiếc tàu đánh cá đang trên đường vào trông như những chiếc lá xinh xinh đang đu đưa trên sóng biển. Những cánh rừng đước, rừng mắm trông như một chiếc áo choàng khổng lồ đang choàng lên đất mũi một màu xanh bạt ngàn, tràn đầy sức sống. Anh Hận, một người dân quê ở Cà Mau nói với tôi: “Đất Mũi là nơi mà rất đặc biệt, nơi đây ta có thể thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Không có nơi nào trên đất nước mình có được điều này đâu anh ạ”.

Đất Mũi là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu Bắc- Nam và Tây-Nam với hai chế độ thủy triều khác nhau, tạo nên một vùng lắng đọng phù sa màu mỡ rộng hàng mấy chục ngàn ha nằm dọc theo bờ biển, tạo thành một xóm mới gọi là xóm Mũi. Nơi đây có mấy chục căn nhà mọc lên giữa những khu rừng xanh tươi tràn đầy sức sống. Những con người ở đây, những con người có phong cách phóng khoáng, hào hiệp, những con người bất chấp khó khăn gian khổ, bám đất, bám rừng, khai phá để đất Mũi hoang vu xưa thành vùng đất đầy tiềm năng như hôm nay.

Biểu tượng mũi Cà Mua là một chiếc thuyền.
Biểu tượng mũi Cà Mua là một chiếc thuyền.

Từ Mũi Cà Mau, nhìn về phía Tây Nam, đảo Hòn Khoai hiện lên xanh rì giữa muôn trùng sóng biếc. Đảo Hòn Khoai gắn liền với tên tuổi thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người con thân yêu của vùng đất Cà Mau trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, lãnh đạo nhân dân đứng lên chống Pháp đô hộ.

Ra nhà hàng thủy tạ, chúng tôi được nếm những món đặc sản khó quên của đất Mũi như sò huyết, hàu, sò lông, vọp, cua, ghẹ, mực...và nhất là món khô cá thòi lòi nướng lên, lạ miệng và ngon hơn khô cá lóc, thơm và quyến rũ đến vô cùng. Đến Đất Mũi, ta còn được thưởng thức món mật ong rừng thật tuyệt.

Du khách về với Đất Mũi.
Du khách về với Đất Mũi.

Mũi Cà Mau là một địa chỉ hấp dẫn với nhiều người khi nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, có nhiều đặc sản còn mang dư vị mặn mòi của biển cả; có những con người bao năm thủy chung với đất trời, với thiên nhiên...Mũi Cà Mau đã đi vào trang văn, trang thơ, bài ca của không biết bao văn nhân thi sĩ từ xưa đến nay. Vì thế, Mũi Cà Mau sẽ là một điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Không ít du khách, sau khi đến đây đã trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp tuy còn hoang sơ nhưng lại làm say lòng người của vùng đất này.

Cao Xuân Lương