Dư luận bức xúc vì hành vi “hôi của” vẫn tiếp diễn

(Dân trí) - Sau vụ “hôi bia”, “hôi dưa hấu” rồi vô cảm hơn là vụ “hôi tiền” của chính người vừa may mắn thoát nạn sau một vụ cướp, đã bị dư luận lên án. Vậy mà mới đây, một lần nữa sự việc đáng buồn, đáng xấu hổ này lại tiếp diễn.

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, dư luận đã không ngừng lên án và chỉ trích mạnh mẽ sự vô cảm, vô tâm và không có tinh thần đoàn kết của một bộ phận không nhỏ những con người nhẫn tâm “hôi của” của người gặp nạn, xảy ra ở một số nơi. 

Từ sự việc này, không ít người liên tưởng và cảm thấy buồn khi so sánh (dù là khá khập khiễng) với sự đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Nhật Bản trong thảm họa kép sóng thần và động đất hồi tháng Ba vừa qua. Hay như ngay chính tại Việt Nam câu chuyện về hai người nông dân nghèo quê ở Nghệ An nhặt được 300 triệu đồng đã trả lại người đánh rơi mà không đòi hỏi điều gì, có lẽ cũng sẽ làm cho ai đó phải suy nghĩ và xấu hổ về hành động của chính bản thân.
 
Tuan Nguyen: tuannguyen_tanthoi@yahoo.com.vn bức xúc: “Sự vô tâm và tham lam quá mức của một bộ phận dân cư thật là xấu. Không ít vụ tai nạn giao thông hay thảm họa bão lũ gần đây qua báo chí đưa tin, các nạn nhân tại hiện trường hầu như không nhận được sự giúp đỡ mà còn bị một số kẻ xấu còn lợi dụng tình thế hôi của, trục lợi. Những trường hợp như trên cần đề ra hình thức xử phạt thật nặng vì nó cũng tương tự như hành vi trộm cướp”.
 
Dư luận bức xúc vì hành vi “hôi của” vẫn tiếp diễn - 1

Nhiều người dân tham gia "cướp" trái cây ...

 

Minh Phuong: minhphuongdhbk2000@yahoo.com hy vọng trước sự đánh động của dư luận xã hội, những người tham gia vào hành vi "hôi của" sẽ thay đổi lại suy nghĩ: “Buồn cho ý thức và tính đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của một bộ phận trong người dân mình quá. Ý thức của người dân thế này thì sao mà thay đổi được cái tham của những người tham nhũng, làm sao đất nước phát triển. Hy vọng những người vô ý thức đọc được bài báo này, tự nhìn lại mình mà thay đổi”.

 

“Tôi đọc xong bài viết này thật là buồn khi có còn những con người lại có những hành động vô cảm như vậy. Giả sử các bạn là người bị nạn như vậy, các bạn có buồn không? Đừng vì đồng tiền mà đánh mất bản chất của con người quí báu. Tôi hi vọng các bạn cần suy nghĩ lại! Nghèo cho sạch, rách cho thơm” - Tran Nhat Minh: Nhatminh_info@yahoo.com.vn  
 

Trong khi đó Trần Hoàng: prince_tranhoang@yahoo.com.vn tự đặt câu hỏi khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ: “Thật buồn cho ý thức của người Việt Nam. Những người làm cha làm mẹ mà hành xử như thế thì không biết sẽ giáo dục những đứa trẻ mình sinh ra như thế nào. Lấy được một chút hoa quả đã làm mất đi hình ảnh, nhân cách của người Việt. Thật buồn!”

 

“Thật xấu hổ khi lại thấy tình cảnh hôi của tái diễn. Không hiểu những con người này nghĩ gì khi họ lại có hành động còn vô cảm hơn cả những tên ăn cướp” - Nguyễn Văn Huy: dkhuy81@gmail.com gay gắt. 

 

Tương tự, Trần Văn Trỗi: mat_troi0@cketmail.com viết: “Điều này có thể nhận thấy ý thức đạo đức của nhiều người vẫn còn rất kém. Thật đáng xấu hổ cho những người đã cúi nhặt những đồng tiền của nạn nhân. Trong khi đó, tại Nhật Bản người dân trước tình cảnḥ thiếu đói lương thực do ảnh hưởng động đất, vẫn bình thản đứng xếp hàng chờ đợi một cách hết sức văn minh, trật tự, làm cho cả thế giới phải khâm phục”.      

Dư luận bức xúc vì hành vi “hôi của” vẫn tiếp diễn - 2

Người gặp nạn thẫn thờ trước sự việc vừa xảy ra với chính mình (Nguồn ảnh: Tuổi trẻ).
 
nguyentho: nguyentho7071@zing.vn nhớ lại bài học về đức tính thật thà, trung thực mà học sinh nào hầu như cũng thuộc lòng từ tấm bé:  Bà còng đi chợ trời mưa/ Cái Tôm, cái Tép đi sau lưng Bà/ Tiền Bà trong túi rơi ra/ Tép tôm nhặt được trả Bà mua rau... Cái Tôm, cái Tép nhặt được tiền của bà Còng còn đem trả lại cho người đánh mất, vậy mà sao con người lại có thể có những hành động nhẫn tâm và vô cảm trước nỗi đau khổ của đồng loại của mình như vậy? 
 
“Thực tế xã hội bây giờ có nhiều thành phần không thể chấp nhận được. Tất cả số đông "hôi của" này khác gì 2 kẻ cướp đường....Người ghi hình chắc chắn còn những hình ảnh rõ mặt, biển số của những kẻ đang nhặt tiền, hôi của. Nên cung cấp cho cơ quan công an hoặc đăng hết lên báo chí để xử lý nghiêm hành vi phạm tội này” - Nguyên Giang: visg_ha@yahoo.com  đề xuất.

Meocon: hanhibst1@gmail.com cũng nêu rõ:  “Chuyện này xảy ra không ít lần rồi, ở Việt nam cũng có, châu Mỹ lại càng nhiều nào là ở Argentina, Brazil và ngay cả Mỹ cũng có chuyện tương tự như thế này. Để xóa bỏ tệ nạn này không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là toàn bộ xã hội bao gồm cả chính quyền và toàn dân đều cần chung tay ngăn chặn.

Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền và giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ, làm sao để ngấm vào máu con người ý thức về tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, yêu con người... Như thế mới là nguồn gốc của sự tiến bộ, văn minh của nhân loại. Tuyên truyền hành vi đạo đức tốt, giáo dục con người tốt là nhiệm vụ của toàn dân.  Có như thế mới triệt tiêu được những thói hư tật xấu trong xã hội”.

Nếu không làm được như vậy, nhiều người sẽ còn chung nỗi thất vọng với nick Hà Nội: hongict@gmail.com:“Một lúc bị cướp 2 lần, lần 1 còn có thể báo công an, lần 2 thì không biết nói gì luôn. Không còn từ nào để nói luôn. Chuyện như thế mà xảy ra giữa 1 thành phố lớn thì thực sự buồn cho dân trí, ý thức của 1 bộ phận người Việt. Tự nhiên nhớ lại thảm họa động đất sóng thần ở Nhật mà lại thấy khâm phục người Nhật quá!”

 

“Đúng là những con người vô lương tâm, không giúp đỡ người bị nạn thì thôi. May mắn tránh được hai tên cướp giữ được an toàn bản thân, thì lại gặp phải nhóm người vô cảm chẳng hơn gì hai tên cướp kia. Cầm tiền của người gặp hoạn nạn trong tay, liệu họ có biết suy nghĩ ? Mong rằng cuộc sống không có nhiều cảnh tái diễn như vậy” - Anh Quang: hoalinhanh@gmail.com  

 

“Những kẻ hôi của là cướp giật, không hơn không kém. Đề nghị cảnh sát hình sự phân tích hình ảnh, ghi lại số xe, điều tra đưa ra xử lý làm gương những kẻ vô cảm này” – thang: thangarc@gmail.com  

 

“Thật đáng xấu hổ cho những người nhặt những đồng tiền kia, họ chả khác gì những kẻ giật túi. Hãy xem người dân Nhật Bản khi mà họ bị động đất, thiếu ăn, họ cũng không bao giờ tranh giành nhau nữa là...”- phương thảo: thaovn87@yahoo.com  
 
Dư luận bức xúc vì hành vi “hôi của” vẫn tiếp diễn - 3

Người đi đường xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ người lái xe gặp nạn, mà để tranh thủ nhặt dưa mang về nhà (Ảnh: N.V - sgtt.com.vn)

 

“Kể cướp nếu bị bắt thì sẽ phải ngồi tù, còn hành vi của những kẻ hôi của này chẳng khác gì kẻ cướp hoặc đồng lõa với kẻ cướp. Sao họ ngang nhiên hoành hành mà không bị sao? Theo tôi, hành vi này cần phải bị xử lý hình sự” - Nguyễn Văn Phong:  ngvânphong@yahoo.com  
 

“Lấy của người khác mà không được sự đồng ý thì đó là cướp. Đã có hình ảnh, đề nghị công an vào cuộc truy tìm những "kẻ cướp" này để thu hồi tiền cho người bị cướp. Dù không thu hồi được thì ít nhất cũng có biện pháp răn đe, trừng phạt để cảnh tương tự không còn tái diễn nữa...” - bạn đọc: micropipette@yahoo.com  

 
Cũng từng là nạn nhân của một vụ hôi của, Huyền Thương: thuonglth@gmail.com chia sẻ kinh nghiệm đau lòng:
 
 “Tôi cũng từng là nạn nhân của một vụ hôi của. Khi đang đi trên đường thì tiền trong túi tôi vô tình bị rơi xuống đường. Tôi dừng xe lại ngay lập tức để xuống nhặt lại thì không biết từ đâu, rất nhiều người đàn ông, đàn bà chạy lại nhanh tay nhặt tiền của tôi và đút túi. Phản cảm hơn nữa là họ lại ung dung vào ngồi uống nước ở quán trà đá ven đường. Tôi đã hết lời năn nỉ họ, thậm chí cả khóc nữa nhưng mặt họ vẫn trơ như đá và chỉ nói 1 câu: không biết gì. Tôi ngán ngẩm quay đi, chỉ trách mình bất cẩn mà thôi”.
 
Và chúng tôi đồng tình với quan điểm cũng như cái nhìn tích cực của bạn đọc có nick doremon: traitai_hcm@yahoo.com về hiện tượng này:
 
“Thực ra thì không phải tất cả mọi người dân Việt Nam đều như vậy. Chỉ có những người không có trình độ nhận thức, không được giáo dục thì mới có hành động "hôi của". Do vậy, chúng ta càng phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tuyên truyền giáo dục ý thức, sự đoàn kết cho mọi người thì mới thay đổi được. Từ trước đến nay, dân ta chưa thể hiện được nhiều sự đoàn kết, cũng như tình thân tương thân tương ái trợ giúp mọi người. Nhất là tinh thần bắt cướp ngoài đường, nhìn thấy cướp không dám làm gì cả, chỉ biết đứng bàn tán, cũng không giúp đỡ người bị nạn?”
 
Mong rằng, những sự việc đáng buồn này sẽ không bao giờ xảy ra và sẽ được thay thế bằng những bài học quý về tình người, tinh thần đoàn kết tương tự như câu chuyện về hai nhà nông nghèo ở Nghệ An vừa mới đây.
 

Phúc Linh