Hà Nội:
Dự án xây vườn hoa, cây xanh: “Cần làm rõ khái niệm “đất trống” khi thu hồi sổ đỏ của dân”
(Dân trí) - “Luật đất đai năm 2003 không có quy định thế nào là “đất trống”. Vì vậy, việc quy kết “đất trống” đối với diện tích đất do 5 hộ sử dụng đã được cấp sổ đỏ là không có cơ sở pháp lý. Nói cách khác, không thể mặc nhiên coi diện tích đất của 5 hộ này là đất “giao cho địa phương” hoặc là “quỹ đất để chuyển đổi việc làm và các nhu cầu xã hội khác” được”, luật sư Dương Kim Sơn phân tích.
Như Dân trí thông tin, cho rằng việc cấp 5 bìa “sổ đỏ” cho khu đất trước cổng trường tiểu học Nghĩa Đô là sai phạm của hàng loạt cán bộ, UBND quận Cầu Giấy đã quyết định thu hồi những “sổ đỏ” này. Tuy nhiên, những hộ dân liên quan kiên quyết phản đối khi đã phải nộp tiền sử dụng cho Nhà nước tổng cộng hơn 14 tỷ đồng nên quyết định khởi kiện UBND quận Cầu Giấy.
Nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của các hộ đã được nhiều cơ quan vào cuộc xác minh và đều khẳng định diện tích đất trên có nguồn gốc là đất nông nghiệp do HTX nông nghiệp An Phú quản lý và giao cho 3 hộ gia đình (ông Khạ, ông Hội, ông Đạt) sử dụng. Đến năm 2003 thì các hộ đều lần lượt chuyển nhượng đất cho 5 người là bà Quyên, bà Thủy, bà Hùy, bà Liền, ông Thanh. Sau đó, các hộ đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng thành “đất ở” và được UBND quận Cầu Giấy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) vào năm 2009 (các hộ đã phải nộp tiền sử dụng đất tổng cộng hơn 14 tỷ đồng).
Tại Kết luận Thanh tra số 1018/KL-TTTP (3/5/2013), Thanh tra TP Hà Nội cho rằng, trước khi cấp GCNQSDĐ thì đây là diện tích “đất trống xen kẽ” và theo Quyết định số 13/2005/QĐ- UB của UBND TP Hà Nội thì các “quỹ đất trống xen kẽ” đều được giao cho địa phương quản lý, là quỹ đất để chuyển đổi lao động việc làm cho người dân và các nhu cầu xã hội khác.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Dương Kim Sơn - Giám đốc Cty Luật Minh Sơn (Hà Nội)cho rằng: “Luật đất đai năm 2003 không có quy định thế nào là “đất trống”. Vì vậy, việc quy kết “đất trống” đối với diện tích đất do 5 hộ sử dụng trên đây là không có cơ sở pháp lý. Như vậy thì diện tích đất này không thể nằm trong diện điều chỉnh theo Quyết định số 13/2005/QĐ- UB. Nói cách khác, không thể mặc nhiên coi diện tích đất của 5 hộ này là đất “giao cho địa phương” hoặc là “quỹ đất để chuyển đổi việc làm và các nhu cầu xã hội khác” được”.
Theo luật sư Sơn, thời điểm UBND quận Cầu Giấy cấp GCNQSDĐ cho các hộ (năm 2009), theo Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tỉ lệ 1/2000 (UBND TP phê duyệt quy tại Quyết định số 13/2005/QĐ- UB) thì khu đất trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Đô thuộc ô quy hoạch O16-TT5, được xác định chức năng là “đất ở thấp tầng”.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2014, theo ủy quyền của UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/2000 đối với ô đất O16-TT5 từ chức năng đất nhà ở thành chức năng đất công viên cây xanh.
Luật sư Dương Kim Sơn cho hay, Luật Quy hoạch đô thị quy định rõ “cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ bằng văn bản trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị” và Luật này cũng không có quy định nào cho phép “ủy quyền điều chỉnh quy hoạch”. Vì vậy, nếu UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt Quy hoạch Khu đô thị mới Tây Hồ Tây thì việc điều chỉnh quy hoạch này cũng phải do chính UBND TP thực hiện chứ không phải để cấp dưới làm thay.
Cũng theo Luật quy hoạch đô thị thì việc điều chỉnh quy hoạch phải trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng khu vực…
Trong khi đó, các hộ dân ở đây vẫn khẳng định việc họ được UBND quận Cầu Giấy cấp GCNQSDĐ năm 2009 là phù hợp với quy hoạch khu vực này ở thời điểm đó. Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Dương Kim Sơn nhấn mạnh thêm, việc cơ quan chức năng cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ cần phải có quy hoạch chi tiết 1/500 là không thuyết phục vì chức năng khu đất đã được nêu rõ trong Quyết định 13/2005/QĐ- UB (Quy hoạch 1/2000) rồi.
Theo Kết luận số 3535 của UBND quận Cầu Giấy, các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất còn nhiều mâu thuẫn, thông tin không đầy đủ rõ ràng nhưng trong quá trình thẩm định, UBND phường Nghĩa Đô và Phòng TN&MT quận Cầu Giấy không xác minh bổ sung, làm rõ mà đã trình UBND quận cấp là việc làm thiếu trách nhiệm…
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Nguyễn Hằng