Bắc Giang - Bài 2:
Dự án trăm triệu USD xây dựng kiểu bất chấp pháp luật!
(Dân trí) - Đại công trường xây dựng dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam đang rầm rập thi công tại KCN Quang Châu (Bắc Giang). Tuy nhiên, dự án có vốn đầu tư gần 300 triệu USD này chưa hề được phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Chưa “khai sinh” đã khởi công xây dựng “thần tốc”
Dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời công suất 1,5 GW với quy mô 88 ha đầu tư của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam được coi là một trong những dự án “khủng” nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư của dự án JA Solar là 280 triệu đô la Mỹ.
Ngày 27/11/2016, tại Khu Công nghiệp Quang Châu - Việt Yên (Bắc Giang), lễ khởi công Dự án đầu tư nhà máy JA Solar Việt Nam đã diễn ra rầm rộ. Tại buổi lễ khởi công này, ông Cận Bảo Phương - Chủ tịch Tập đoàn JA Solar nhấn mạnh, JA Solar cam kết sẽ nghiêm túc chấp hành pháp luật và những quy định của Chính phủ Việt Nam. Nhưng thực tế khác xa với những gì đại diện nhà đầu tư này hứa hẹn.
Dự án khởi công ngày 27/11 nhưng đến ngày 31/12, Công ty TNHH Ja Solar mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bởi theo tài liệu điều tra của PV Dân trí, ngày khởi công dự án trăm triệu USD này, Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam còn chưa ra đời.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số 2400807049 do ông Nguyễn Duy Nam, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Giang) ký cấp, Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam do ông Zang Wenchao, quốc tịch Trung Quốc làm Tổng giám đốc có vốn điều lệ 56 triệu USD. Và ngày sở KHĐT tỉnh Bắc Giang chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu cho công ty này là vào ngày 31/12/2016 (hơn 1 tháng sau ngày công ty khởi công dự án rầm rộ).
Dự án này còn bất chấp pháp luật khi khởi công mà chưa hề được cấp phép xây dựng. Cụ thể, đến ngày 21/2/2017, Dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam mới được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cấp Giấy phép xây dựng do ông Trần Vũ Thông, phó ban quản lý các kCN tỉnh Bắc Giang ký.
Tại lễ khởi công, ông Cận Bảo Phương - Chủ tịch Tập đoàn JA Solar cam kết sẽ nghiêm túc chấp hành pháp luật và những quy định của Chính phủ Việt Nam. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Quyền - Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang thừa nhận việc cấp phép xây dựng cho dự án này sau khi dự án đã khởi công. Thế nhưng, điều kinh hoàng hơn mà ông Quyền xác nhận là dự án trăm triệu USD này cho đến thời điểm hiện tại còn chưa hề được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đánh giá tác động môi trường không phải “trò đùa”!
Có mặt tại công trường xây dựng của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam tại KCN Quang Châu vào ngày 6/3, PV Dân trí ghi nhận đại công trường xây dựng vẫn đang náo nhiệt với một lượng công nhân cùng thiết bị máy móc cực lớn.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết đoàn kiểm tra do Sở này thành lập đang tiến hành kiểm tra hiện trạng dự án để báo cáo Bộ TN&MT theo yêu cầu của Cục thẩm định. Tuy nhiên, Cục thẩm định yêu cầu Sở này báo cáo hạn cuối vào ngày 3/3 nhưng đến ngày 6/3, việc báo cáo Bộ TN&MT vẫn chưa được Sở TN&MT Bắc Giang thực hiện.
Về việc dự án thi công khi chưa hề được đánh giá ĐTM, ông Nguyễn Anh Quyền thừa nhận với PV Dân trí rằng ĐTM là vô cùng quan trọng với một dự án. “Chính chúng tôi cũng không muốn dự án này khởi công khi chưa hề có ĐTM”, ông Quyền nói.
Hiện trạng đại công trường dự án trăm triệu USD bất chấp pháp luật tại Bắc Giang.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Văn Lợi, nguyên Cục trưởng Cục thẩm định và đánh giá tác động môi trường, người ký công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang báo cáo hiện trạng dự án cho biết: Hồ sơ đề nghị đánh giá ĐTM của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam được gửi đến Cục Thẩm định nhưng chưa hề được phê duyệt.
Ông Lợi khẳng định việc đánh giá ĐTM là vô cùng quan trọng. Việc chưa có đánh giá ĐTM đã khởi công dự án là vi phạm các quy định của pháp luật.
Được biết, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên - Bắc Giang), nơi triển khai dự án trên có vị trí nằm kẹp giữa hai dòng sông Thương và sông Cầu. Hai dòng sông này cung cấp nước không chỉ cho hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang mà còn cho nhiều tỉnh khác. Vì vậy, việc đảm bảo không ô nhiễm cho hai dòng sông này là vấn đề vô cùng quan trọng, sống còn với người dân.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế