Hà Tĩnh - Bài 4:

Dự án Thiên Lộc Complex: Chọn nhầm nhà đầu tư giải cứu “con tàu đắm”?

(Dân trí) - Khi Dự án Khu đô thị Thiên Lộc Complex như “con tàu đắm” thì chủ đầu tư mới xuất hiện. Tuy nhiên, đã có những nghi ngại về năng lực của “tân” chủ đầu tư này.

“Con tàu đắm”

Theo điều tra của Dân trí, ngày 5/2/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 428/QĐ-UBND giao hơn 2,8ha đất tại vị trí Cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Công ty Đại Dương, do cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương- OceanBank Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT công ty, người đại diện pháp luật) trong thời hạn 50 năm để thực hiện dự án Khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê (Dự án đô thị Can Lộc).

Theo đó, khu đô thị có tổng mức đầu tư 387 tỷ đồng sẽ bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có 2 khối chính là khu Văn phòng, khu dịch vụ tiếu thương kết hợp nhà ở 5 tầng đều cùng thiết kế 5 tầng.

Dự án Thiên Lộc Complex: Chọn nhầm nhà đầu tư giải cứu “con tàu đắm”? - 1

Dự án khu đô thị Can Lộc của Công ty Đại Dương có có tổng mức đầu tư 387 tỷ đồng

Theo quyết định điều chỉnh dự án lần 1 vào ngày 28/8/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép tiến độ hoàn thành dự án vào Quý IV/2014.

Mặc dù vậy, sau khi bóc đất hữu cơ, san gạt 1 phần mặt bằng dự án, Công ty Đại Dương đã bỏ ngang, không tiếp tục thi công. Dự án nằm chết dí suốt hơn 4 năm ròng.

Sau nhiều văn bản đốc thúc của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Đại Dương chỉ làm mỗi phần việc là… xin điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án. Ngày 29/1/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý gia hạn cho Công ty Đại Dương thực hiện dự án đến 31/8/2018.

Thế nhưng, dù được tỉnh Hà Tĩnh ưu ái lần 2, Công ty Đại Dương vẫn không thực hiện đúng cam kết. Tổng cộng dự án chậm tiến độ đến 5 năm, theo giấy phép đầu tư lần 1.

Dự án Thiên Lộc Complex: Chọn nhầm nhà đầu tư giải cứu “con tàu đắm”? - 2

Dự án Khu đô thị Can Lộc của Công ty Đại Dương nằm chết suốt 5 năm 

Nguyên nhân khiến dự án chết yểu được Sở KHĐT Hà Tĩnh báo cáo là do giai đoạn đầu gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thị trường bất động sản giai đoạn này đóng băng; đặc biệt cuối năm 2014, Tổng giám đốc công ty Đại Dương, kiêm Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị khởi tố, tạm giam, tài khoản công ty bị đóng băng. Ngoài ra, đối tác thực hiện dự án là Công ty Hoàng Thành có đề nghị rút vốn…

Có thể nói, lúc này Dự án Khu đô thị Thiên Lộc như một “con tàu đắm”. UBND tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện các thủ tục để thu hồi.

Đúng lúc này, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng bất động sản Trí Nguyễn (gọi tắt là Công ty Trí Nguyễn, có trụ sở tại Hà Nội) xuất hiện, có văn bản xin tiếp quản dự án này.

Cả huyện Can Lộc, UBND tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư cũ rất phấn chấn. Tất cả đều hi vọng, Công ty Trí Nguyễn sẽ giải cứu con tàu đang đắm này.    

Chọn nhầm nhà đầu tư?

Ngày 31/8/2018, UBND tỉnh có Quyết định chấp thuận điều chỉnh thay đổi chủ đầu tư, từ Công ty Đại Dương sang Công ty Trí Nguyễn.

Sau quyết định này, Công ty Trí Nguyễn đã có văn bản xin UBND tỉnh điều chỉnh dự án từ quy mô 387 tỷ đồng, xuống còn 150 tỷ đồng. Theo đó, khu Dịch vụ tiểu thương kết hợp nhà ở được cắt xuống còn 3,5 tầng, khu Văn phòng còn 2 tầng.

Dự án Tổ hợp khu đô thị, thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê lần này được gọi với cái tên rất “Tây”: Thiên Lộc Complex.

Dự án Thiên Lộc Complex: Chọn nhầm nhà đầu tư giải cứu “con tàu đắm”? - 3
Dự án Thiên Lộc Complex: Chọn nhầm nhà đầu tư giải cứu “con tàu đắm”? - 4

Dự án Khu đô thị Thiên Lộc Complex gây bức xúc cho cả chính quyền và người dân huyện Can Lộc, Hà Tĩnh khi chủ đầu tư thực hiện không như cam kết nhưng đã rao bán đất nền trên thị trường

Lần lại hồ sơ tài liệu lưu tại cơ quan chức trách của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, đã có những cảnh báo về năng lực của doanh nghiệp Công ty Trí Nguyễn khi chủ đầu tư này làm thủ tục tiếp quản dự án nêu trên.

Cụ thể, trong Văn bản số 2270/SKHĐT-DNĐT ngày 31/8/2018 trình UBND tỉnh này về việc chuyển nhượng Dự án đô thị Can Lộc từ Công ty Đại Dương sang Công ty Trí Nguyễn mà Sở KHĐT tỉnh Hà Tĩnh trình UBND tỉnh Hà Tĩnh, sở này đã đưa ra một chi tiết rất quan trọng, mà theo Luật Đầu tư, chính quyền bắt buộc phải xem xét, đó là năng lực nhà đầu tư.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, từ khi thành lập đến nay (Công ty Trí Nguyễn-PV) chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư”- trích ý kiến của Sở KHĐT Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh này.

Dự án Thiên Lộc Complex: Chọn nhầm nhà đầu tư giải cứu “con tàu đắm”? - 5

Ý kiến nghi ngại về năng lực nhà đầu tư mà Sở KHĐT tỉnh Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh này vào tháng 8/2018

Cũng theo văn bản này, Sở KHĐT Hà Tĩnh cho rằng, các tài liệu mà Công ty Trí Nguyễn cung cấp thì chưa thể đánh giá được năng lực tài chính thực tế của chủ đầu tư. Đáng chú ý, trước thời hạn tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chuyển giao dự án 2 tháng, Công ty Trí Nguyễn gấp rút nâng số vốn điều lệ lần 2 (ngày 7/6/2018)  từ chưa đầy 15 tỷ đồng lên 30 tỷ (đáp ứng 20% tổng số vốn dự án theo luật định).

Mặc dù đã có những cảnh báo nêu trên, nhưng cuối cùng “con tàu chìm” nói trên cũng được giao trót lọt cho Công ty Trí Nguyễn.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm