Quảng Trị:

Dự án di dân khẩn cấp nhiều lần gia hạn, dân "cắn răng" sống trong bất an

Đăng Đức

(Dân trí) - Sau 5 năm triển khai, dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng ngập lụt sạt lở bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), có tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ đồng, dù đã qua nhiều lần gia hạn vẫn chưa hoàn thành.

Vì sao người dân chưa chịu di dời?

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn được triển khai tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, nhằm mục tiêu di dời khẩn cấp 60 hộ dân, với 297 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng của sạt lở bờ sông đến nơi an toàn. Tuy nhiên, mùa mưa bão đang đến gần nhưng mới chỉ có 2 hộ dân đồng ý đến vùng tái định cư. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác chưa đồng ý di dời đến nơi ở mới.

Nằm trong diện di dời đến khu tái định cư, nhưng hiện gia đình ông Trương Văn Tiến (trú ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ) vẫn "cắn răng" bám trụ lại nhà cũ do không có điều kiện di dời.

Dự án di dân khẩn cấp nhiều lần gia hạn, dân cắn răng sống trong bất an - 1

Khu tái định cư phục vụ việc di dời 60 hộ dân vùng sông Thạch Hãn có nguy cơ bị sạt lở (Ảnh: Đăng Đức).

Theo ông Tiến, gia đình đã sinh sống ở khu vực bờ sông Thạch Hãn hơn 25 năm. Cứ đến mùa mưa lũ, những người trong gia đình ông lại thấp thỏm, lo lắng vì bờ sông sạt lở nghiêm trọng, ngày càng tiến sát nhà.

"Gia đình tôi cũng nắm bắt chủ trương di dời đến khu tái định cư, nhưng bao nhiêu năm tích góp, làm ăn, biết bao vốn liếng đều dồn xây nhà ở, ổn định cuộc sống. Bây giờ di dời đến nơi ở mới, chúng tôi chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng nên khó khăn để xây nhà mới và phát triển kinh tế", ông Tiến nói.

Dự án di dân khẩn cấp nhiều lần gia hạn, dân cắn răng sống trong bất an - 2

Ngôi nhà của người dân sát bờ sông Thạch Hãn bị ảnh hưởng nặng phải di dời (Ảnh: Đăng Đức).

Nằm bên bờ sông Thạch Hãn, gia đình chị Hoàng Thị Lan cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở. Nền nhà bị nứt lún, phần công trình phụ nằm cạnh mép bờ sông nên tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

"Gia đình tôi cũng có nguyện vọng di dời đến nơi ở mới để không phải lo lắng, bất an mỗi mùa mưa lũ. Nhưng với khoản hỗ trợ như vậy, gia đình tôi không có điều kiện để làm lại nhà cửa, ổn định sinh sống", chị Lan cho biết.

Theo tìm hiểu, dự án trên được thi công vào cuối năm 2016, quy mô 35,5 ha, với tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ đồng; do Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị, thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) làm chủ đầu tư.

Dự án di dân khẩn cấp nhiều lần gia hạn, dân cắn răng sống trong bất an - 3

Một số địa điểm có biểu hiện bị xói lở do mưa (Ảnh: Đăng Đức).

Sau nhiều năm triển khai xây dựng, một số hạng mục của dự án như: San mặt bằng và đường giao thông nội bộ chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, một số hạng mục kè dọc các đoạn tuyến đắp đất cao đã thi công nay bị xói lở do mưa lũ, hiện đang được sửa chữa.

Nhiều lần gia hạn, điều chỉnh dự án

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tháng 8/2016, thời gian thực hiện 2015-2018. Sau đó, đã 3 lần gia hạn, thời gian hoàn thành bàn giao đến tháng 5/2019, lần 2 đến tháng 5/2020 và lần 3 gia hạn đến tháng 12/2020, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.

Dự án di dân khẩn cấp nhiều lần gia hạn, dân cắn răng sống trong bất an - 4

Đường trong khu vực khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành (Ảnh: Đăng Đức).

Theo ông Hoàng Minh Trí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, dự án chậm trễ tiến độ do nhiều nguyên nhân. Ngoài các nguyên nhân khách quan như mưa lũ, dịch bệnh… thì một phần do phía đơn vị thi công nên không thể hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng theo kế hoạch.

Các hạng mục về cơ sở hạ tầng: Điện, đường, nước sinh hoạt… được xây dựng đầy đủ. Hiện đã bàn giao cho địa phương 4/6 lô (bố trí khoảng 37 hộ dân), còn lại 2 lô do việc đắp đất san mặt bằng gặp trời mưa nên chưa hoàn thành.

"Đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2021. Hiện dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng; đơn vị đang đốc thúc các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để bàn giao cho địa phương", ông Trí nói.

Dự án di dân khẩn cấp nhiều lần gia hạn, dân cắn răng sống trong bất an - 5

Mặt bằng khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành (Ảnh: Đăng Đức).

Theo ông Hồ Khánh - Chủ tịch UBND xã Hải Lệ, hiện mới chỉ có 6 hộ dân đồng ý di dời ra khu vực tái định cư. Trong đó, 2 hộ sinh sống ở vùng nguy cấp nhất, có nguy cơ sạt lở nặng được ưu tiên di dời trước. Hiện 2 hộ đang xây dựng nhà ở khu tái định cư.

Đối với các hộ khác, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi mức hỗ trợ của dự án chỉ 20 triệu đồng/hộ nên không đủ kinh phí xây dựng nhà mới. Hơn nữa, một số hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố tại nơi ở cũ, có giá trị lớn nên người dân không muốn bỏ để di dời. Ngoài ra, số bà con thuộc diện di dân hiện sống tại mặt tiền, giá trị đất đai lớn, việc buôn bán thuận lợi, đến nơi tái định cư việc tổ chức sản xuất, buôn bán gặp nhiều khó khăn…

"Chính quyền địa phương cũng tích cực vận động bà con di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở; đồng thời đề xuất ý kiến lên các ban, ngành nghiên cứu về mức hỗ trợ cho bà con. Bởi theo đề án thì mức hỗ trợ như vậy khiến bà con gặp khó khăn, chưa thể di dời", ông Khánh cho hay.