Thanh Hóa:
Dự án chậm tiến độ, hơn 900 hộ dân mòn mỏi chờ tái định cư
(Dân trí) - Sau 4 năm thực hiện dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ, nhiều lần kiểm kê bồi thường, thế nhưng hơn 900 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn mòn mỏi chờ được di dời, tái định cư.
Dân sống cảnh "màn trời, chiếu nước"
Hơn 40 năm canh tác và sinh sống cạnh hồ Yên Mỹ, bà Phạm Thị Tình (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) vẫn ám ảnh những ngày tháng khốn đốn chạy lũ. Cứ đến mùa mưa, nước Hồ Yên Mỹ dâng cao, toàn bộ hoa màu, nhà cửa ngập trong nước.
Những tưởng gia đình sẽ thoát cảnh lụt lội khi dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ hoàn thành, nhưng đến nay gia đình bà vẫn sống trong cảnh thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão về. Theo bà Tình, đã nhiều lần cơ quan chức năng đến kiểm đếm để phục vụ di dời nhưng một đi không trở lại.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Hưng (xã Thanh Tân) cũng thuộc diện phải thu hồi đất, di dời đi nơi khác sinh sống khi lòng hồ tích nước lên cao trình 20.36m. "Mỗi năm cứ vào mùa mưa, con cái đi học vất vả lắm, nhất là khi nước hồ dâng lên, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn đều ngập nước. Những lần đó thôn, xã đều phải tới hỗ trợ giúp gia di dời tài sản, trâu bò. Chúng tôi mong dự án sớm thực hiện để ổn định cuộc sống", bà Hưng nói.
"Dân chúng tôi nhiều lần có ý kiến với Hội đồng nhân dân huyện, thậm chí ra tỉnh để hỏi nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng", ông Đàm Văn Khanh (trú thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân) cho biết.
Không chỉ riêng gia đình bà Tình, ông Khanh hay bà Hưng, hàng chục hộ dân khác ở thôn Hợp Nhất (xã Thanh Tân), hơn 20 hộ dân ở xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn) cũng sống cảnh tương tự. Người dân đi khắp nơi cầu cứu nhưng vẫn trong vô vọng.
Được biết, dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50m đến +20.36m) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 24/11/2017, với tổng mức đầu tư hơn 290 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh theo kế hoạch.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện trên địa bàn 4 xã: Thanh Kỳ, Thanh Tân (huyện Như Thanh); xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn); xã Yên Mỹ (Nông Cống), có 922 hộ bị ảnh hưởng.
Dân bị bỏ quên?
Theo quyết định phê duyệt, dự án sẽ triển khai trong vòng 4 năm (kết thúc tháng 11/2021). Mục tiêu của dự án nhằm ổn định đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng khi tích nước hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50m đến +20.36m); đảm bảo các hộ dân sau tái định cư sẽ có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, trật tự và môi trường.
Mục tiêu là thế, nhưng bước sang năm thứ năm, dự án mới chỉ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 16 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài hơn 16km, giá trị 47 tỉ đồng. Còn công tác đền bù, di dân tái định cư vẫn "dậm chân tại chỗ".
Ông Lê Duy Tĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết, nguyện vọng của người dân cũng như địa phương muốn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm có phương án thu hồi đất, chi trả đền bù cho người dân. Dự án kéo dài đã 4 năm, nhiều gia đình nhà cửa hư hỏng cũng không dám chỉnh trang, cải tạo.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cũng cho biết, toàn xã có khoảng 60 ha nằm trong vùng ảnh hưởng, trong đó có 149 hộ gia đình có nhà, đất, 15 hộ dân phải thực hiện di dời.
Còn theo ông Phan Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, địa phương này có 117 hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng bởi dự án.
"Kể từ khi thực hiện Dự án đến nay xã đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện kiểm kê, đo đạc được 17 hộ dân. Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay, các hộ dân vẫn chưa được bồi thường, tái định cư", ông Lộc cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề trên, UBND huyện Như Thanh cho biết, dự án đã kiểm kê, đo đếm nhưng sau 6 tháng mà không bồi thường giải phóng mặt bằng thì phải tiến hành kiểm kê lại, đây là công việc rất khó khăn, tốn kém cho Hội đồng giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng gây tâm lý bức xúc cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Đến nay, huyện Như Thanh chưa thể phê duyệt quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án, bởi theo điều 93, Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong khi đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện chi trả bồi thường theo quy định.