Đốt pháo ở Hải Dương: Từ “tâm phục” đến “khẩu phục”

(Dân trí) - Việc đốt pháo ở Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai... diễn ra vào dịp tết nguyên đán năm nay không có gì là mới, là lạ... Bởi những năm trước ở các địa phương khác không phải không có vấn đề này xảy ra.

Điều dư luận quan tâm là sự “phủ nhận” sự thật “rõ như ban ngày” của ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương trên báo chí.

Xác pháo trên đường phố tại Hải Dương (Ảnh chụp ngày mùng 2 Tết)
Xác pháo trên đường phố tại Hải Dương (Ảnh chụp ngày mùng 2 Tết)

Câu chuyện đốt pháo trái phép liên tục được báo chí từ địa phương cho đến Trung ương phản ánh trong nhiều ngày qua. Vấn đề có thể không được dư luận, báo chí chú ý nếu như không có sự xuất hiện của phát ngôn gây “sốc” từ ông Hoàng Mai Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương trên Tuổi trẻ: “Theo như thông tin có đốt pháo, nhưng ngày 14/2 (mồng 5 tết) chúng tôi đã tổng hợp báo cáo từ các huyện gửi lên thì không có hiện tượng đó.
 
Thậm chí có thông tin cho rằng ở huyện Kim Thành có mấy trường hợp bị thương do pháo nhưng không có. Thực tế các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo”.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quế, phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho rằng: “Nói chung là giảm rất nhiều so với năm trước”.
 
Xác pháo trên đường phố tại Hải Dương (Ảnh chụp ngày mùng 2 Tết)
Xác pháo trên đường phố tại Hải Dương (Ảnh chụp ngày mùng 2 Tết)

Điều đáng nói ở đây là việc đưa tin về chuyện đốt pháo lại xuất phát từ chính địa phương này. Đây là cơ sở để bạn đọc tin tưởng, cũng như là căn cứ để lãnh đạo địa phương “rút ra bài học kinh nghiệm” từ thực tế trên.

Ai ngờ, một lời phát biểu của ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương (có thể là chưa "khéo", hoặc là thiếu kinh nghiệm, hoặc có thể là dịp tết này ông không ăn tết ở địa phương... nên ông đã rất tin vào "báo cáo") đã khiến dư luận hoài nghi về sự thật, về cách đưa tin của báo chí.

May mắn thay, trong thời điểm sự “mâu thuẫn” giữa “thật” và “giả” lên đến đỉnh điểm thì ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã đăng đàn thừa nhận: “Việc đốt pháo trên địa bàn tỉnh nhà trong dịp tết Quý Tỵ là có, tuy nhiên không phải ở mức quá nhiều, cần phải đánh giá đúng mức độ để có hướng giải quyết. Nói không có chuyện pháo nổ là không đúng”.

Ông Hiển khẳng định, dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ vừa rồi, cơ quan chức năng địa phương đã thu được một số lượng pháo. Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc công an tỉnh, Chủ tịch các huyện kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể việc đốt pháo xảy ra ở đâu, nguồn pháo ở đâu ra.  

Theo lời ông Hiển, dịp trước Tết nguyên đán, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương cảnh báo các địa phương ngăn chặn không để xảy ra tình trạng đốt pháo trong dịp Tết, cũng như các dịp lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh.
 
Xác pháo trên đường phố tại Hải Dương (Ảnh chụp ngày mùng 2 Tết)
Xác pháo trên đường phố tại Hải Dương (Ảnh chụp ngày mùng 2 Tết)
 
Như vậy, bao nhiêu băn khoăn, hoài nghi của bạn đọc về chuyện đốt pháo ở xứ Đông phần nào đã nhận được “đáp án”. Từ một sự thật mà ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nghe báo cáo “tâm chưa phục” thì đến nay sự phát ngôn chính thức của ông Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã “cụ thể”, xác nhận những gì báo chí đưa tin là có cơ sở khiến độc giả phần nào cảm thấy ấm lòng vào dịp đầu xuân mới này.
 
Cách đây gần 20 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8/8/1994, trong đó nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Tiếp theo một số văn bản quy phạm pháp luật khác quy định vấn đề này, gần đây nhất, ngày 30/1/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện số 201/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
 
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 3/1/2013 về việc triển khai công tác phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.
 
Những người đứng đầu như trong Công điện đã nêu phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phức tạp trên địa bàn, trong đó có việc sử dụng pháo nổ trái phép. Không chỉ Trung ương, nhiều địa phương cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng pháo; tuy nhiên ở một số nơi kết quả đạt được còn hạn chế như đã nêu trên.

Bài và ảnh: Vũ Văn Tiến