Bắc Giang - Bài 3:

Đột phá chọn người tài bị yêu cầu kiểm điểm: "Tình ngay lý gian" ở hai chữ... quy trình!

(Dân trí) - “Đáng lẽ ra UBND Tỉnh Bắc Giang cần động viên UBND Huyện Yên Dũng đổi mới trong việc chọn người tài trong công tác đào tạo thế hệ trẻ sau này. Ngược lại họ lại làm những việc mà dư luận xã hội không đồng tình. Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm cán bộ của UBND Huyện Yên Dũng là trong sáng và đúng đắn. Tôi mong rằng các huyện khác cần học tập tránh hiện tượng bổ nhiệm "con ông cháu cha' ”, ý kiến của bạn đọc Dân trí.

Như Dân trí đã đưa tin, việc Quyết định đưa một giáo viên trẻ, có trình độ thạc sỹ toán học, không "con ông cháu cha" về làm Phó phòng giáo dục và đào tạo, vượt qua hơn 20 cá nhân vốn đã được quy hoạch sẵn cho chức danh này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì bị cho rằng ký quyết định bổ nhiệm không đúng.

Liên quan đến sự việc này, trong hàng trăm comment (ý kiến bạn đọc) gửi về báo Dân trí, rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự hoan nghênh, ủng hộ hành động của ông Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng vì đã khởi động một thời kỳ mới đầy triển vọng cho nguồn lực vốn được coi là "nguyên khí quốc gia".

“Ủng hộ cách làm của huyện Yên Dũng!"

Cho rằng sự nghiệp trồng người phải đặt vào tay người có năng lực thật sự, bạn đọc Lâm Thanh Triết: “Quy hoạch cán bộ là đúng song cũng nên có ngoại lệ. Người lãnh đạo phải là người trí dũng, biết bổ nhiệm đúng người đúng việc. Đưa ra những quyết sách đúng đắn ngay cả khi biết rằng sinh mệnh chính trị bản thân sẽ gặp phiền toái. Chúng tôi hoan nghênh ông chủ tịch huyện Yên Dũng!”.

Bạn đọc Van Cao: “Tài của ông chủ tịch Dũng thì tôi không được biết, nhưng ông là người có TÂM. Đất nước này, thời điểm này cần lắm những người có cái tâm trong sáng làm lãnh đạo”.

Bạn đọc Lê Oanh: “Thầy Giáp sinh năm 1983 thì không còn trẻ khi bổ nhiệm chức Phó phòng GD&ĐT. Điều quan trọng là thầy Giáp đã làm được nhiều việc mà trong số 20 nhân sự được cơ cấu chưa chắc có làm được. Tuy nhiên ngày ghi vào Quyết định bổ nhiệm có thiếu sót, dù vậy tôi vẫn ủng hộ ông Chủ tịch huyện Yên Dũng”.

Bạn đọc Devil nhận định rằng cái sai là ở cơ chế xin và cho: “Cái sai của ông Dũng là sai khi bổ nhiệm người giỏi mà bỏ qua "bộ phận con cháu 20 suất quy hoạch" kia. Còn cái sai của thầy giáo Giáp là sai ở con nhà nghèo, không bè phái, thầy sai khi thầy giỏi nhưng không có người chống lưng.”

“Cần làm rõ ngay xem sự thật là thế nào. Nếu đúng như kết luận của thanh tra thì đây là việc làm tốt đẹp của ông Dũng. Quyết định lấy ngày 01/02 là ngày đang nghỉ tết thì cũng dễ hiểu thôi vì các quyết định về nhân sự có liên quan đến trả lương thường chọn lấy ngày đầu hoặc giữa tháng”, quan điểm của bạn đọc Nguyễn Hữu Liên.

“Tôi ủng hộ quyết định của Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng ! Vì sự nghiệp trồng người nên tìm người tài, có đức vào làm lãnh đạo”, bạn đọc Truong Hong Do.

Bạn đọc Quang Phamquang: “Nhìn vào thành tích mà đoàn học sinh giỏi do thầy Giáp đảm nhiệm thì có làm phó giám đốc sở cũng ok chứ đừng nói đến phó phòng”.

Đột phá chọn người tài bị yêu cầu kiểm điểm: "Tình ngay lý gian" ở hai chữ... quy trình! - 1

Quy trình bổ nhiệm và thành tích của thầy giáo Lương Đình Giáp làm Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo được phòng Nội vụ huyện Yên Dũng làm rõ.

Quy trình bổ nhiệm và thành tích của thầy giáo Lương Đình Giáp làm Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo được phòng Nội vụ huyện Yên Dũng làm rõ.

Ủng hộ phong cách làm việc quyết đoán của chủ tịch huyện Yên Dũng, bạn đọc Nguyễn Đức Chiến bày tỏ: “Bước đột phá của chủ tịch huyện Yên Dũng nên hoan nghênh, tại sao lại kiểm điểm? Nhiều cán bộ được sàng lọc "đúng quy trình" có mấy người làm được gì cho đất nước đâu? Nhân tài là nguyên khí quốc gia, tôi ủng hộ phong cách làm việc quyết đoán của ông Trần Văn Dũng”.

Bạn đọc Tạ Trung Tính: “Hoan nghênh huyện Yên Dũng đã là việc này ! Phải làm như vậy, đất nước mới khá lên được ! Hãy vì ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NÀY mà tiến lên ! Không thể để 5 Ệ, mà TRÍ TUỆ là sau cùng được. Người có tài phải trọng dụng, đề nghị. cần đề ra Tiêu chí Quy hoạch và Quy trình hợp lý để chọn người có ĐỨC , có TÀI phục vụ đất nước!”

“Tôi ủng hộ cách sử dụng người tài như thế này, không cần quy hoạch, nếu cán bộ thực sự có tài, có đức thì nên cất nhắc đó mới là văn minh, đất nước mới phát triển”, bạn đọc Tương Lai.

Bạn đọc Châu Phạm Ngọc: “Qua bài báo tôi được biết Thầy giáo Lương Đình Giáp là người Giỏi và có đức độ, Giỏi chuyên môn, giỏi lãnh đạo lâu rồi tôi mới thấy một người vừa Hồng vừa chuyên như vậy nên tôi ủng hộ việc bổ nhiệm thầy Giáp là đúng đắn”.

Bạn đọc Nguyễn Đức Thuận: “Một thày giáo giỏi chỉ một số học sinh được thụ hưởng về kiến thức. Một người tài làm quản lý giỏi cả cộng đồng được hưởng lợi. Hãy xem lại cái gọi là QUY TRÌNH mà phải đột phá trong tuyển chọn người tài. Hãy xem lại cái gọi là quy hoạch trong đó có những 5C, 4 Ệ. Công bộc của dân cần có đức đồng thời phải có TRÍ TUỆ (ệ xếp cuối cùng), như thế đất nước mới phát triển được”.

Quy trình có thể sửa nhưng người tài thì khó tìm.

Cho rằng nhiều quy định về công tác cán bộ đang gây khó khăn trong việc trọng dụng người tài, nhiều bạn đọc cho rằng nên rà soát, bãi bỏ nhiều quy định vô lý để thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 6 của Đảng, như quan điểm của bạn đọc Hiền Nguyễn: “Thế mới biết để làm theo đúng cái tâm và tầm không đơn giản vì cái gọi là quy trình kia! Thầy Giáp giỏi vì thầy không có lỗi, nhưng 20 cán bộ không đạt tiêu chuẩn lại có tên trong danh sách "quy hoạch nguồn", thế mới tài! Ông Dũng lại chọn đúng người tài thật đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên ông bị yêu cầu làm kiểm điểm vì "lỗi "dám chọn người tài! Không tìm được bắt bẻ lôi cái gọi là '"quy trình" để bắt bẻ bắt lỗi!”

Chỉ ra sự bất cập của “quy trình”, bạn đọc Phạm Văn Quyết: “Điều động có 1 giáo viên cấp 3 sang làm phó phòng mà có không biết bao nhiêu loại giấy tờ, văn bản. Thế mà vẫn cứ còn sai. Thật đáng sợ. Bộ máy công quyền quá cồng kềnh. Bao giờ mới giảm được các thủ tục phiền hà này?”.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Vĩnh: “Nếu thày Giáp có tài thực sự như báo đăng, thì rất đáng được đề bạt phó phòng. Đất nước ta đang cần những người tài thực sự về chuyên môn chứ không cần những người " tài" theo nhiều nghĩa khác, không nên quá nặng nề về quy trình bổ nhiệm vì quy trình cũng do con người đặt ra thôi”.

“Người ta không giáng đòn với Thầy Giáp mà giáng đòn với ông Chủ Tịch Dũng vì ông Dũng thiên về thuần phong mỹ tục của người Việt Nam về cái Tết nguyên đán, nên ông Dũng tránh ngày nghỉ Tết ra quyết định trước Sở Nội vụ 12 ngày là vi phạm thủ tục hành chính - tình ngay lý gian là ở chỗ đó”, bạn đọc Nguyễn Minh Thích.

Bạn đọc Phạm Thu Minh: “Khổ quá, bổ nhiệm đúng người dưng mà không đúng QUY TRÌNH, chết là ở chỗ ấy! Cứ bổ nhiệm sai nhưng ĐÚNG QUY TRÌNH là được dù cho sự bổ nhiệm ấy (hoặc các việc khác ) có gây ra hậu quả nghiêm trọng thì vẫn không sao. Cái QUY TRÌNH ở mình thật quá quan trọng”.

Bạn đọc Hà Hồng Chương: “Về qui trình ông chủ tịch ký quyết định bổ nhiệm trước vài ngày tuy có phần chưa đúng nhưng mục đích trong sáng không vụ lợi vì lợi ích chung của ngành giáo dục và của huyện nhà đã đem lại hiệu quả thiết thực kịp thời. Điều đó đáng phải được khích lệ bởi tất cả các bước thủ tục hành chính đều đã được thực hiện và đã đạt yêu cầu quy định. Việc kỷ luật ông chủ tịch như vậy có thấu lý thấu tình không . Cái sai thì nhỏ nhưng mang lại cái lợi thì lớn hơn. Nếu làm như vậy còn ai muốn làm việc tốt nữa”

Bạn đọc Vũ Đình Toàn cho rằng: “Đề nghị cơ quan có trách nhiệm cần làm rõ động cơ, mục đích của người, tổ chức tham mưu cho Chủ tịch tỉnh ký văn bản này là gì. Quan điểm đánh giá cán bộ là phải dựa vào kết quả, hiệu quả công tác của cán bộ đó. Ở nhiều địa phương, những người làm được việc như vậy không nhiều; trường hợp anh Giáp cần được quan tâm, bồi dưỡng để phát triển hơn. Đáp án thuộc về Ban Tổ chức tỉnh ủy Bắc Giang”.

“Bắc Giang xảy ra nhiều vụ bê bối thì không thấy tỉnh giải quyết kịp thời. Vụ bổ nhiệm phó phòng giáo dục Yên dũng sao lại đao to búa lớn vậy? Hoan hô tinh thần làm việc có trách nhiệm của huyện Yên Dũng, Bắc Giang đã chọn được người tài cho quê hương”, quan điểm của bạn đọc Như Hưng.


Kết luận thanh tra số 1663/KL-UBND về việc quản lý, sử dụng biên chế và bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công chức, viên chức của UBND huyện Yên Dũng giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/7/2017.

Kết luận thanh tra số 1663/KL-UBND về việc quản lý, sử dụng biên chế và bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công chức, viên chức của UBND huyện Yên Dũng giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/7/2017.

Như Dân trí đã đưa tin, Theo kết luận thanh tra số 1663/KL-UBND về việc quản lý, sử dụng biên chế và bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công chức, viên chức của UBND huyện Yên Dũng giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/7/2017, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc bổ nhiệm một phó phòng giáo dục và đào tạo huyện.

Cụ thể, kết luận cho rằng: Chủ tịch huyện Yên Dũng ban hành quyết định số 9652/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 về việc tiếp nhận và điều động ông Lương Đình Giáp đến công tác tại Phòng Giáo dục và đào tạo huyện là không phù hợp với cơ cấu ngạch công chức và vị trí làm việc vì ông Giáp chưa phải là công chức mà là biên chế viên chức; Việc Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng ban hành quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 23/1/2017 bổ nhiệm ông Lương Đình Giáp giữ chức Phó trưởng phòng GD&ĐT từ ngày 23/1/2017 (thời điểm đó chưa được cấp có thẩm quyền chuyển từ viên chức sang công chức) là không đúng quy định vì từ ngày 1/2/2017, ông Giáp mới chuyển từ viên chức sang công chức của UBND huyện Yên Dũng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, người được “xé rào” bổ nhiệm là thầy giáo Lương Đình Giáp (SN 1983) tốt nghiệp bằng khá khoa toán tin trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội, trình độ chuyên môn Thạc sỹ toán học, giáo viên trường THPT số I Yên Dũng, là thầy giáo đã từng bồi dưỡng cho một em học sinh đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội (Điểm cao nhất trong số học sinh tỉnh Bắc Giang thi vào các trường Đại học).

Trong lời khẳng định với PV Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng cho biết thầy Giáp là con nhà nghèo, hiếu học ở địa phương không có một tí tẹo “dây mơ rễ má” với “con ông cháu cha” nào cả, bởi đó là sự thật.

Trao đổi với PV Dân trí, Ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết: "Với trường hợp của thầy Giáp, đây là một giáo viên giỏi toán và đặc biệt còn là cốt cán của ngành. Tức là những gì liên quan đến môn Toán như chấm giáo viên giỏi, sáng kiến, tài liệu thì phải trưng tập những giáo viên như thầy Giáp. Sau khi huyện Yên Dũng tìm hiểu và có đề xuất xin người đưa thầy Giáp về làm Phó phòng GD&ĐT, cá nhân tôi và Sở ủng hộ. Còn các quy trình thủ tục hành chính nhà nước do huyện thực hiện.

Xác nhận về chuyên môn của thầy Giáp không phải do tôi mà là do ngành xác nhận vì thầy Giáp đã được vào cốt cán của ngành. Tức là trong số tất cả các giáo viên giỏi các bộ môn trên toàn tỉnh, mỗi bộ môn chỉ chọn 3,4 người là cốt cán hay còn gọi là nhóm chuyên gia của bộ môn, như thầy Giáp là môn Toán.

Và kết quả giáo dục về thành tích học sinh giỏi của huyện Yên Dũng năm vừa rồi khi thầy Giáp về đảm nhận phó phòng phụ trách thực sự là khác. Mấy năm trước thành tích huyện Yên Dũng có tụt nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ”.

Câu chuyện thầy giáo Lương Đình Giáp từ một giáo viên đã vượt qua đến hơn 20 cá nhân vốn đã được quy hoạch cho chức danh Phó phòng giáo dục và đào tạo để được bổ nhiệm và kết luận thanh tra yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm với chủ tịch huyện ký quyết định bổ nhiệm được dư luận đặc biệt quan tâm.

Anh Thế - Khả Vân