Vụ mất nhà thờ họ vì tin cháu gái ở Đông Anh:

Dòng họ Hoàng bức xúc vì bên bị đơn tự ý thay đổi hiện trạng

(Dân trí) - Trong lúc Tòa án Đông Anh đang xem xét đơn khởi kiện của dòng họ Hoàng về quyền sở dụng nhà thờ họ ở xã Uy Nỗ, bên bị đơn là bà Hoàng Thị Hồng lại tự thay đổi hiện trạng đã được Tòa án ghi biên bản định giá khiến dòng họ bức xúc.

 
Theo nội dung đơn tường trình của ông Hoàng Việt Trung - Trưởng dòng họ Hoàng ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội gửi TAND huyện Đông Anh, UBND xã Uy Nỗ phản ánh: Trong thời gian qua, Tòa án huyện Đông Anh đang thụ lý vụ kiện đòi nhà + đất của dòng họ Hoàng do dòng họ Hoàng là nguyên đơn. Cán bộ Tòa án đã tiến hành ghi vào biên bản thẩm định giá tất cả các tài sản, cùng hiện trạng khu nhà thờ. Tòa án yêu cầu 2 bên phải giữ nguyên hiện trạng, không được làm thay đổi hiện trạng hoặc tài sản trên phần nhà đất đang có tranh chấp.
 
Bản tường trình việc thay đổi hiện trạng nhà của đại diện dòng họ Hoàng
Bản tường trình việc thay đổi hiện trạng nhà của đại diện dòng họ Hoàng
 
Công an xã và dòng họ Hoàng kiểm tra hiện trạng sáng ngày 1/12/2013
Công an xã và dòng họ Hoàng kiểm tra hiện trạng sáng ngày 1/12/2013

Tuy nhiên, vào tối ngày 30/11/2013, dòng họ Hoàng và bên bị đơn là hộ bà Hoàng Thị Hồng tiếp tục xảy ra va chạm khi bà Hồng cho thay tủ thờ trên nhà tiền đường mà không thông báo cho đại diện dòng họ. Ông Hoàng Việt Trung bị hắt cả xô nước thải vào người, một số người khác bị thương tích nhẹ khi tham gia ngăn chặn việc thay đổi hiện trạng nhà thờ họ Hoàng của bên bị đơn.

Để ngăn chặn việc thay đổi hiện trạng tái diễn, ngày 1/12/2013, đại diện dòng họ Hoàng đã làm bản tường trình sự việc có xác nhận của Trưởng thôn Hoàng Văn Dao và 2 Công an viên Trần Duy Anh, Trần Văn Thủy gửi Tòa án huyện Đông Anh, UBND xã Uy Nỗ yêu cầu bên bị đơn giữ nguyên hiện trạng khu nhà thờ dòng họ Hoàng cho đến khi Tòa án đưa ra phán quyết.
 
Dòng họ Hoàng cho rằng việc tự ý thay tủ thờ là vi phạm quy định của Tòa án
Dòng họ Hoàng cho rằng việc tự ý thay tủ thờ là vi phạm quy định của Tòa án

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, vụ tranh chấp giữa dòng họ Hoàng và bà Hoàng Thị Hồng bắt đầu từ năm 2004, khi dòng họ Hoàng ở Uy Nỗ, huyện Đông Anh đồng ý cho cháu gái là bà Hoàng Thị Hồng làm thủ tục cấp sổ đỏ cho diện tích nhà thờ họ.

Gia đình bà Hoàng Thị Hồng đã làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trùm lên diện tích nhà thờ họ do tổ tiên dòng họ Hoàng xây dựng từ hàng trăm năm trước. Khi làm giấy tờ xin cấp Giấy chứng nhận, chị em bà Hồng ký cam kết sẽ trả lại diện tích nhà thờ họ Hoàng để làm nơi thờ tự, lễ, tết. Tuy nhiên, sau khi cầm Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2004, bà Hồng không thực hiện lời cam kết, dù đại diện dòng họ nhiều lần họp yêu cầu.

Hiện nay, đất của dòng họ Hoàng trong giấy chứng nhận QSDĐ đang đứng tên hộ gia đình gồm bà, chồng là ông Đào Ngọc Hà cùng con Đào Ngọc Huân với mục đích nắm giữ toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất là nhà từ đường, tiền đường và các công trình phụ khác.
 
Dòng họ Hoàng cho rằng việc tự ý thay tủ thờ là vi phạm quy định của Tòa án
Đơn khởi kiện dòng họ Hoàng gửi từ tháng 6/2012 nhưng đến nay TAND huyện Đông Anh chưa đưa vụ án ra xét xử

Về vụ việc này, ông Hoàng Đình Hè - Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ cho biết: “Trước đây, khi cấp giấy chứng nhận là do có sự thống nhất của cả gia đình và bà Hồng cũng cam kết họ đã thống nhất. Cả khuôn viên nhà chị em bà Hồng đang ở, bà Hồng đủ quyền đứng tên nhưng chỉ là đứng tên đại diện chứ không phải cho riêng gia đình nhà bà Hồng. Xã cũng đã có nhiều lần hòa giải và quan điểm anh em ở xã vẫn là đề nghị gia đình bà Hồng cắt một phần đất nơi thờ tự và khoảng 1 vài mét đất phía sau trả lại cho dòng họ”.

Theo phản ánh của đại diện dòng họ Hoàng, bà Hoàng Thị Hồng luôn tìm mọi cách để cản trở việc thờ cúng của con cháu dòng họ trong suốt nhiều năm qua. Mọi thành viên và ngay cả những bậc bô lão hay trưởng họ đều phải chờ đợi sự đồng ý của bà Hồng mới được ra vào nhà thờ họ. Bởi bà Hồng là người nắm giữ chìa khóa của ngôi nhà. Nếu không có sự thông báo trước hoặc bà Hồng không có nhà thì cả họ đành phải ngồi chờ đợi cô cháu gái. Thậm chí, nhà thờ họ đang ngày càng xuống cấp, nhưng con cháu họ Hoàng cũng không thể sửa chữa trùng tu vì bị bà Hồng ngăn cản.
 

Sau khi báo Dân trí có bài viết phản ánh vụ tranh chấp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đông Anh kiểm tra lại trình tự cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Hoàng Thị Hồng. Ngày 31/7/2013, UBND huyện Đông Anh có công văn số 603/UBND-TNMT để phúc đáp báo Dân trí. UBND huyện Đông Anh cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng tại thửa đất số 20, tờ bản đồ số 84, diện tích 1432m2 là theo đúng trình tự quy định của pháp luật tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, dòng họ Hoàng không đồng tình với nhiều nội dụng đề cập trong văn bản trả lời của UBND huyện Đông Anh. Ông Hoàng Việt Trung - Trưởng dòng họ Hoàng cho rằng câu trả lời của UBND huyện Đông Anh là chưa thỏa đáng. Mảnh đất 1432m2 là của tổ tiên dòng họ Hoàng đã lập nghiệp tại đây mấy trăm năm. Trên mảnh đất này có nhà từ đường và nhà tiền đường, theo như gia phả các cụ để lại, nó đã tồn tại từ khoảng 400 - 500 năm. Cả dòng họ không đồng ý với việc UBND huyện Đông Anh và UBND xã Uy Nỗ cấp sổ đỏ cho cá nhân bà Hồng.
 
Đại diện dòng họ Hoàng đề nghị Tòa án Đông Anh sớm đưa vụ án ra xét xử
Đại diện dòng họ Hoàng đề nghị Tòa án Đông Anh sớm đưa vụ án ra xét xử

Ông Trung khẳng định: “Chúng tôi cảm nhận trong việc làm giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Hồng đối với UBND huyện Đông Anh và UBND xã Uy Nỗ ít nhiều có vấn đề. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, điều tra lại lộ trình trong việc làm sổ đỏ cho bà Hồng, trả lại khuôn viên và đất cát cho tổ tiên, dòng họ chúng tôi”.

Ông Hoàng Văn Bảo bức xúc nói: “Dòng họ tôi đã có từ mấy trăm năm, gia đình chúng tôi từ xưa đến nay, già trẻ, lớn bé, hàng năm vào lễ tết đều đến thắp hương đầy đủ, chứ không phải chúng tôi bỏ. Các anh ở huyện, ở xã đều biết đây là nơi tổ tiên dòng họ Hoàng ở đây. Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại để xảy ra những vụ việc thế này. 6 - 7 năm nay nhà thờ họ đều trong tình trạng cửa đóng im ỉm, tết nhất chúng tôi chỉ có một cửa giữa để đi vào, còn lại đều bị án ngữ. Tết chị em bà Hồng đến đây ngồi, thì chúng tôi mới nhờ mở cửa để đi lên được”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm