Đón Tết đặc biệt ở ngôi làng có nhiều người lính Trường Sa

(Dân trí) - Hàng năm, cứ đến Tết Nguyên Đán, người dân xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lại chộn rộn, trông ngóng tin tức chồng, con, cháu... đang công tác ngoài quần đảo Trường Sa về ăn Tết. Dù vậy, họ không hỏi thăm liên tục, vì sợ ảnh hưởng đến công việc của người thân mà lặng lẽ ngóng chờ tin tức báo về.

Cũng vì lẽ đó mà ngày đầu xuân tại vùng đất này có nhiều điều linh thiêng mà ít nơi khác có được.

Tiếp bước truyền thống cha anh, từ nhiều đời nay, lớp lớp con cháu Phúc Thọ vẫn một lòng hướng về Trường Sa khi tham gia bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vào những dịp Tết đến, xuân về, mảnh đất này lại có không khí riêng. Đó không hoàn toàn là trông ngóng người thân về ăn Tết, nhưng hơn hết là tự hào về công việc thầm lặng nhưng vinh quang của người thân mình.

Mảnh đất “tiền tiêu Tổ quốc”

Ông Hoàng Ngọc Luân, Chỉ huy trưởng Ban quân sự xã Phúc Thọ cho hay, địa phương có 25 người là quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại quần đảo Trường Sa, gần 10 người là sỹ quan, chiến sỹ đã nghỉ hưu. Ngoài ra còn rất nhiều người đã và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tại mảnh đất này, thậm chí có nhiều gia đình cả mấy thế hệ đều nối tiếp nhau ra đảo rèn luyện, công tác. Vì thế, với người dân ở ngôi làng này, Trường Sa với họ là hai tiếng rất đỗi linh thiêng mà gần gũi.

Đón Tết đặc biệt ở ngôi làng có nhiều người lính Trường Sa - 1

Cửa biển Nghệ An.

Không phải ngẫu nhiên mà Phúc Thọ được mệnh danh là “tiền tiêu Tổ quốc”, từ thời Nguyễn mảnh đất nhỏ này đã được gọi như vậy. Vùng đất này mặt hướng ra Biển Đông và có thể quan sát vùng cửa sông Lam từ bên bờ Bắc sang tận phía Nam nơi thuộc địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Qua hơn 900 năm hình thành cho đến ngày nay, Phúc Thọ luôn được chọn làm nơi đồn trú của lực lượng thủy quân. Phải chăng vị trí địa lý và lịch sử quê hương đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây và hướng ra biển, đến Trường Sa như một tiếng gọi thiêng liêng đối với mỗi người từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trung tá Nguyễn Văn Biên (SN 1958, trú xóm 2) - một trong những người lính của đất Phúc Thọ trở về từ Trường Sa chia sẻ, dù 40 năm đã đi qua, nhưng người lính già ấy vẫn nhớ như in những kỷ niệm, từng mốc thời gian khi mình làm việc tại quần đảo này. “Cuộc sống người lính khi ấy còn rất khó khăn, lương thực thực phẩm, phương tiện liên lạc luôn thiếu thốn. Đối với các đảo chìm, khó khăn càng nhân lên gấp nhiều lần. Thời đó, nói là đảo nhưng thực ra chỉ là cái chòi khung thép. Cuộc sống của cán bộ chiến sỹ theo con nước thủy triều lên xuống. Thủy triều dâng thì leo lên, hạ thì tụt xuống. Ngoài canh giữ bảo vệ đảo, công việc hàng ngày của bộ đội là lặn biển gom san hô vun đắp đảo và giữ chòi”.

Theo chia sẻ của Trung tá Biên, ông từng giữ những vị trí tại các đảo lớn nhỏ khác nhau như: Đại đội trưởng ở đảo Trường Sa lớn, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài, Đảo trưởng đảo Đá Tây, An Bang...
“Những năm tháng làm việc tại đây đã tôi luyện cho mình lòng quyết tâm sắt đá và sự can trường qua mỗi tháng ngày giữ một phần máu thịt của quê hương. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in sự kiện Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988, sát hại 64 chiến sỹ. Thời điểm đó, dù không thể trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng tôi và đồng đội luôn trong trạng thái trực chiến. Tất cả cán bộ chiến sỹ đều xác định sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Cùng thế hệ tham gia cống hiến trên quần đảo Trường Sa thời Trung tá Nguyễn Văn Biên, ở xã Phúc Thọ còn có nhiều người khác như: Trung tá Trương Bá Sơn, Đại tá Nguyễn Bá Lan… Giờ đây, họ trở về với cuộc sống đời thường vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau, cùng dạy bảo, giáo dục con cái nối tiếp thế hệ cha ông bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Biên nói chắc như đinh đóng cột rằng, nếu được lựa chọn một lần nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục ra biển, đến với Trường Sa, Hoàng Sa.
Tết đặc biệt của ngôi làng luôn có Trường Sa ngự trị.

Tiếp nối thế hệ cha ông, lớp lớp con cháu nơi đây đã hồ hởi lên đường tòng quân, ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo. Anh Cao Xuân Chiến (SN 1979), ở xóm 3, là một trong số đó. Nói về con trai của mình, bà Trần Thị Phương (SN 1964) cho hay, năm 1999, sau khi học xong cấp 3, anh Chiến tình nguyện nhập ngũ. Một năm sau, anh được điều ra đảo Trường Sa lớn. Vì xa cách về địa lý, lại huấn luyện trong quân ngũ nên ít khi anh được gọi điện về nhà. Chỉ vào những ngày nghỉ mới gọi điện về tâm sự cùng gia đình, bố mẹ.

 

Đón Tết đặc biệt ở ngôi làng có nhiều người lính Trường Sa - 2

“Nghe con kể chuyện huấn luyện, cuộc sống ngoài đảo xa, tôi thương lắm, nhưng vì đất nước chỉ biết động viên để cháu yên tâm công tác, huấn luyện”, bà Phương chia sẻ.

Năm 2005, anh Chiến quen và kết hôn với cô gái Nguyễn Thị Thành, quê ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là giáo viên trường Mầm non Trường Sa (Cam Ranh - Khánh Hòa). Thấy con tìm được người bạn đời hiền lành, hiểu công việc của chồng, vợ chồng bà Phương mừng lắm. Ai ngờ đâu, 5 năm sau, người con dâu phát hiện mình bị ung thư thận giai đoạn cuối.

Bà Phương nghẹn ngào kể chuyện: “Khi phát hiện vợ bị bệnh, con tôi buồn nhiều lắm, nhưng cháu bảo tư tưởng phải luôn được giữ vững để bình tĩnh giải quyết vấn đề, dù một tia vọng cũng phải chữa cho vợ. Thời điểm đó, cháu đành xin phép cơ quan, đưa vợ đi chữa trị trong Nam, ngoài Bắc nhưng vẫn không được. Rồi con dâu tôi ra đi cũng trong năm đó khi đứa cháu nội mới 3 tuổi”. Sau khi con dâu mất, vợ chồng bà Phương nuôi cháu nội Cao Xuân Tiến để con trai yên tâm công tác. Dù đã hai tết rồi, bố không được về quê ăn tết, nhưng cậu bé 9 tuổi không hề nhõng nhẽo, quấy khóc. “Hôm trước nó nói với tôi rằng, bà ơi, ước chi năm ni (nay) bố được về với cháu thì vui nhỉ. Thằng cháu vừa nói chuyện mấy hôm thì tôi nhận được điện thoại con trai thông báo năm nay đơn vị cho về ăn Tết cùng gia đình. Chúng tôi mừng lắm”, bà Phương tâm sự.

Cách đó không xa là ngôi nhà của ông Trần Nguyên Ty (SN 1950). Khi được hỏi về người con trai đầu là Trần Nguyên Hồng (SN 1980), người thương binh hạng ¼ nghẹn ngào: “Đã 3 năm rồi, con tôi không về ăn Tết cùng gia đình. Nhớ con lắm, nhưng không dám gọi điện tâm sự nhiều, sợ ảnh hưởng đến công việc của con”. Từng là người tham gia kháng chiến ở chiến trường nên người đàn ông này hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người lính. Tuy vậy, ông luôn động viên con trai hoàn thành tốt công việc của mình mà không bàn lùi.

Nói rõ hơn về khoảng thời gian tham gia chiến trường của mình, ông Ty kể, năm 1972, sau 4 năm gia nhập quân ngũ ở chiến trường Quảng Trị, ông bị thương rất nặng sau một trận chiến ác liệt. Trở về quê nhà khi nửa người bị bại liệt, cánh tay bên trái không cử động được, một mắt bị mù, nhưng nặng hơn cả là nhiều mảnh đạn còn găm trên đầu. Trước tình cảnh đó, cô gái xinh đẹp Doãn Thị Oanh (SN 1952) vẫn không từ bỏ hôn ước đã có từ trước, quyết định nên duyên vợ chồng. Vợ chồng ông Ty sinh được 4 người con, thì có đến hai người con trai nhập ngũ. Hiện, anh Hồng đã 19 năm công tác ngoài quần đảo Trường Sa.

Với nhiều thế hệ tại ngôi làng đặc biệt này, họ có thể khác nhau về tuổi tác, giới tính, nhưng tình yêu dành cho biển đảo thì giống nhau lắm. Ấy là một thứ tình cảm thiêng liêng và đầy tự hào. Và mỗi dịp Tết đến, Xuân về, niềm tự hào của họ càng được nhân lên gấp nhiều lần.  

          Nguyễn Duy - Kim Long