Đối tượng truy sát hàng loạt sư thầy trong chùa được miễn trách nhiệm hình sự?

(Dân trí) - Trong vụ việc đối tượng tâm thần truy sát hàng loạt sư thầy trong chùa luật sư nhận định, việc nghi phạm có tâm thần hay không cần giám định lại. Nếu thực sự tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó về vụ việc truy sát ở chùa Bửu Quang (đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) vào sáng ngày 5/10 làm 1 ngườI tử vong và 5 người bị thương. Đối tượng gây án là Ngô Quang Huy có pháp danh là Thiện Huy (khoảng 25 tuổi, cùng tu, học tại chùa)

Theo thông tin từ phía lãnh đạo phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, đối tượng Huy không dương tính với ma túy, không có dấu hiệu của việc sử dụng chất ma túy. Cùng với đó Theo báo cáo của chùa Bửu Quang với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TPHCM thì nghi phạm gây án có pháp danh Thiện Huy bị bệnh tâm thần và nhà chùa đã phát hiện trước đó nhưng chưa kịp điều trị.

Nhận định vụ việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ - luật sư Nguyễn An, hãng luật Cộng đồng cho biết: Việc nghi phạm có bị bệnh tâm thần hay không cần phải trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ. Không thể chỉ dựa vào báo cáo mà khẳng định bị bệnh tâm thần.


Phía nhà chùa xác nhận Huy bị tâm thần và khi chưa được chữa trị thì xảy ra vụ án đau lòng.

Phía nhà chùa xác nhận Huy bị tâm thần và khi chưa được chữa trị thì xảy ra vụ án đau lòng.

Trường hợp giám định kết luận Ngô Đức Huy bị mắc bệnh tâm thần, áp dụng quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

“Như vậy, Ngô Đức Huy có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chứng minh được khi thực hiện hành vi truy sát người đang trong tình trạng bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều hiển hành vi. Bởi người bị bệnh tâm thần không phải lúc nào cũng trong trạng thái không có nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình, do vậy ngoài việc kết luận bị bệnh tâm thần còn phải chứng minh được việc thực hiện hành vi là phải đang mắc bệnh và không tỉnh táo để điều khiển được hành vi của mình” - Luật sư An cho biết.

Cũng theo luật sư An, nếu bị kết luận mắc bệnh tâm thần nhưng thời điểm truy sát, trong trạng thái tinh thần tỉnh táo làm chủ được hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.

Nếu trường hợp giám định Ngô Đức Huy không mặc bệnh tâm thần thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự: (Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người;n) Có tính chất côn đồ;)

P. Thanh (ghi)