Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Đôi nét về văn phong báo chí của Bác
(Dân trí) - Sinh thời, Bác Hồ luôn viết báo để cổ động, tuyên truyền, giáo dục... gắn liền với hoạt động cách mạng của Người. Từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã viết rất nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau.
Người viết cho báo ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước khác. Sau này, khi làm Chủ tịch nước, Bác vẫn viết đều đặn cho nhiều báo về nhiều đề tài. Văn phong báo chí của Bác giản dị, ngắn gọn, sâu sắc, thường pha chút hài hước nên rất dí dỏm và sinh động.
Có điều rất đặc biệt là, dù viết để "đánh địch" nhưng mục đích là cảnh tỉnh, giáo hoá, Bác bao giờ cũng giữ được tình lý phân minh, đúng mực, không có những lời thóa mạ, cay độc. Còn viết bài cho nhân dân lao động, bộ đội, thanh niên, thiếu nhi... thì Bác dùng câu văn dễ hiểu, dễ nhớ nhưng lý lẽ xác đáng đầy thuyết phục và tình cảm chân thành, thiết tha đi vào lòng người.
Mời cộng tác
Ban Biên tập báo KH&DT mời các bạn tham gia cộng tác với chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Xin trân trọng cám ơn! |
Những bài báo Bác viết đăng các báo và tạp chí uy tín ở nước ngoài hiển thị nghệ thuật đánh địch bằng lời, nghệ thuật "đẩy bóng trả lại địch", nghệ thuật lướt qua những vấn đề tế nhị mà vẫn giữ được nguyên tắc, đường lối, để "lấy gậy ông đập lưng ông".
Còn những bài báo viết để đánh địch đăng ở trong nước, Bác đã sử dụng rất khéo về từ ngữ nhằm lột rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc, qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cổ vũ ý chí giành thắng lợi cuối cùng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Không chỉ động viên, mà qua tác phẩm báo chí với văn phong trong sáng của mình, Bác Hồ đã giáo dục và uốn nắn những lệch lạc, yếu kém của các ngành, các địa phương.
Điều đặc biệt ở văn phong báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "tính quần chúng" được thế hiện rất đậm nét. Bác nói: Kinh nghiệm của tôi thế này. Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Sinh thời Bác luôn giáo dục các nhà báo đồng thời Người cũng yêu cầu khi nói, khi viết: Phải học cách nói quần chúng. Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng...
Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng có thể hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955 đến 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 700 lượt đi xuống cơ sở, thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới đến hải đảo... Tính ra mỗi năm có hơn 70 lần Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Con số đó nói rõ phong cách của một lãnh tụ suốt đời gắn bó với quần chúng.
Tư tưởng, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc sử dụng ngôn ngữ báo chí được thể hiện bằng tình cảm, thái độ của Người đối với dân tộc. Người nói: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Do đó trong khi viết, Bác rất chú trọng đặt câu và phát triển câu. Người yêu cầu văn phong phải giản dị, ngắn ngọn, rõ ràng, dễ hiểu, không cầu kỳ chữ nghĩa, bố cục chặt chẽ thể hiện ở từng từ, từng câu.
Từ năm 1951 - 1969, Bác đã viết l.205 bài báo với 23 bút danh khác nhau cho báo Nhân Dân và gần 300 bài cho báo chí nước ngoài, hiếm có nhà báo chuyên nghiệp nào viết đạt kỷ lục như vậy. Thế nhưng trong khi viết báo, Bác luôn luôn yêu cầu mọi người xung quanh Người đọc lại bản thảo xem có từ ngữ nào khó hiểu để Bác sửa lại cho trong sáng, từ ngữ giản đơn mà ý tứ sâu sắc.
Bác viết bài báo: ''Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân'' đăng trên báo Nhân Dân số 5409 ra ngày 3/2/1969, bài báo này trước khi gửi đến Toà soạn Bác đã cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Hiện nay, chúng ta đọc lại bài báo của Bác thấy câu chữ vô cùng sâu sắc, bố cục rất chặt chẽ, còn nguyên tính thời sự nóng hổi.
Thanh Tâm
(12B ngõ 8, đường 800A, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội)