Đổi mới phương pháp giảng dạy: Cùng vươn tới tầm cao của tri thức

(Dân trí) - Không ai có thể phủ nhận tính tích cực của phương pháp giảng dạy hiện đại với phương châm chính là “lấy người học làm trung tâm” nhất là tại bậc học cao đẳng, đại học khi sinh viên có một nền tảng kiến thức và trình độ tư duy ở mức khá cao.

Phát huy tinh thần của phương pháp giảng dạy hiện đại –  khơi nguồn đam mê học tập trên giảng đường

 

Nhìn một cách khái quát, phương pháp giảng dạy hiện đại “lấy người học làm trung tâm” tức là người giảng viên phải làm tốt công tác hướng dẫn, làm cho sinh viên biết cách học sáng tạo chủ động thảo luận trên giảng đường và qua đó tự mình tìm hiểu và khám phá những tri thức mới thong qua bài giảng. Tuy nhiên, còn việc áp dụng, tiến hành sao cho hiệu quả lại là một chuyện khác. Để thực hiện thành công phương pháp giảng dạy này đòi hỏi phải có sự “hợp đồng tác chiến”, sự nỗ lực không mệt mỏi từ nhiều phía, nhất là thầy và trò cũng như cần hội đủ nhiều yếu tố như thời gian, việc nâng cao trình độ của giảng viên, sự cố gắng gấp nhiều lần của sinh viên, kinh phí đầu tư, trang bị kỹ thuật cùng sự nhận thức, quán triệt tinh thần của nhà trường.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của phương pháp giảng dạy hiện đại, đầu tiên, người thầy phải có trình độ kiến thức và kinh nghiệm thực tế cũng như sự hăng say, nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Thầy luôn phải là tấm gương mẫu mực về học tập và rèn luyện cho sinh viên noi theo. Cùng với đó, người học trò phải tích cực, chủ động trong tư duy, sáng tạo, sôi nổi, hết mình trong các buổi thảo luận, semina… và quan trọng hơn cả là cần phải có sự chuẩn bị bài công phu, kỹ lưỡng trước khi đến lớp. Hiện nay, tại nhiều trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường dân lập, tư thục, do tình trạng thiếu giảng viên và có quan điểm dễ dãi trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy nên còn tồn tại một số hiện tượng giảng dạy theo kiểu “thợ giảng” (một người giảng rất nhiều môn và giảng nhiều giờ trong 1 tuần), chuẩn bị bài giảng một cách sơ sài, chủ yếu giáo án được soạn máy móc theo giáo trình môn học, khi đứng lớp chủ yếu là đọc giáo án, giảng cho xong nghĩa vụ còn sinh viên tiếp thu được bao nhiêu không quan trọng…

Hiện tượng nói trên đa phần xảy ra ở những giảng viên trẻ có nền tảng kiến thức không cao và còn ít kinh nghiệm thực tế. Một số giảng viên có thâm niên công tác, có nền tảng kiến thức vững vàng, có học hàm, học vị đầy đủ nhưng do thiếu sự nhiệt tình, sáng tạo nên chủ yếu giảng dạy theo phương thức giảng viên thuyết trình là chính và thường áp dụng ý kiến chủ quan của cá nhân một cách cứng nhắc vào bài giảng, “” đi những ý kiến phản biện, tranh luận của sinh viên, thậm chí còn gán cho đó là “láo”, là  cứng đầu, khó dạy” và kết quả sẽ triệt tiêu đi tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong việc tiếp thu bài giảng của sinh viên.

Trên thực tế, cũng có một số giảng viên sử dụng phương pháp “lấy sinh  viên làm trung tâm”, song thay vì dùng các tình huống thực tế để học viên tham luận, bàn thảo, họ lại cuốn sinh viên vào các trò chơi kinh doanh (business game) để giúp trò hiểu bài. Nhìn qua có vẻ phương pháp của họ khá mới mẻ, tích cực, tạo được không khí sôi nổi trong buổi học, nhưng nó chỉ phát huy hiệu quả trong một chừng mực nhất định. Hãy lưu ý rằng mỗi hoạt động “business game” như thế thường chỉ cung cấp được một phần nhỏ kiến thức của toàn bộ bài giảng ở bậc học yêu cầu cao như bậc cao đẳng, đại học mà thời lượng trò chơi thường kéo dài. Điều đó dẫn tới việc chỉ còn rất ít thời gian cho bài giảng trong khi phần kiến thức của môn học cần truyền tải còn rất nhiều, gây nên sự bất hợp lý về chất lượng giảng dạy và mất cân bằng giữa các buổi học.

 

Về cơ bản, một buổi học có chất lượng là buổi học mà giảng viên khơi dậy được hứng thú học tập của sinh viên, làm cho trò chăm chú lắng nghe, sôi nổi, nhiệt tình trong thảo luận và đặc biệt là mỗi sinh viên phải hiểu và nhớ được những điều quan trọng nhất mà người thầy truyền đạt trên giảng đường. Muốn vậy, người thầy phải có thời gian tư duy, chuẩn bị giáo án đủ dài để cùng một môn học nhưng bài giảng sau luôn hay và mới hơn bài giảng trước; không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, khả năng truyền đạt và trang bị cho mình những kinh nghiệm thực tế để thu hút sự lắng nghe của sinh viên.

 

Theo ông Hoàng Đức Hải – Hiệu phó trường Đại học Kinh tế-Tài chính TPHCM, một giảng viên khi đứng lớp một buổi 5 tiết cần đảm bảo thời gian chuẩn bị giáo án phụ thuộc vào trình độ và năng lực của người giảng viên nhưng ít nhất là phải gấp 2 cho đến 3 lần thời gian đứng lớp và như vậy thời lượng đứng lớp của một giảng viên hiệu quả nhất là không nên quá 4 buổi/tuần. Bên cạnh đó, để sinh viên tham gia thảo luận một cách chủ động và tích cực, mỗi buổi học cần có một tình huống thực tế để sinh viên tham gia thảo luận. Những tình huống này không những phải phù hợp với những kiến thức của môn học, phù hợp với trình độ của sinh viên mà còn cần phải có tính ứng dụng cao trong thực tế. Nội dung của buổi học sau phải được chuyển đến cho sinh viên từ buổi học trước để mỗi sinh viên có thời gian nghiên cứu từ nhà, đến lớp giảng viên chỉ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thảo luận, liên hệ thực tế và đúc kết lại những vấn đề quan trọng nhất của từng tiết học. Để tránh tình trạng sinh viên học tập lơ là, cốt để lấy bằng không cần nâng cao kiến thức nên áp dụng biện pháp cho điểm tại lớp thay vì mỗi môn học chỉ lấy một điểm kiểm tra.
 
Việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với nâng cao chất lượng giáo trình, nghiêm túc trong thi cử chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ của các cử nhân khi ra trường, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội và cũng là cách tốt nhất từng bước giúp thầy và trò linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy và học tập, nỗ lực cùng nhau vươn tới tầm cao của tri thức nhân loại.

 

Ths.Trần Minh Quốc

Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm