Đôi điều nghĩ suy về việc thực hiện chính sách người có công

Hàng ngày, tôi thường bắt đầu vào internet từ Báo Điện tử Dân trí. Cũng như mọi khi, tôi đọc hết các tin nổi bật trong ngày, lần này cũng vậy nhưng tôi phải dừng lại ở bài viết trên Diến đàn của tác giả Trần Quang Đại vì gợi lên những điều đáng suy ngẫm.

Bạn đọc Hà An (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc):

Bố tôi tham gia kháng chiến chống mỹ một thời gian khá dài, tiếp sau đó là tham gia kháng chiến giúp đỡ nước bạn Lào, thành tích thì có nhiều nhưng tất cả chỉ nằm trên cuốn nhật ký mà bố tôi để lại. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1969 đến năm 1973 thì bị thương nên đơn vị cho xuất ngũ rồi trở về địa phương, bố tôi tiếp tục đi học và làm giáo viên. Hồi đó, mọi hồ sơ sổ sách còn bề bộn, các chính sách vẫn còn chưa có nên chưa thể kê khai thành tích được, rồi đến năm 1985 thì bố tôi tái phát vết thương và mất, hồ sơ sổ sách cũng bị mất trong một vụ trộm sau đó. Cuộc sống gia đình tôi khi ấy là cả một gánh nặng đè lên vai mẹ tôi, tần tảo nuôi 4 chị em chúng tôi ăn học nên người. Mãi đến sau này các bác tôi mới kê khai cho bố tôi nhưng chỉ được mức thương binh nhẹ, từ đó chúng tôi đi học  được giảm chút ít học phí. Chuyện thiệt thòi tôi cũng không nói nhiều vì sự mất mát người trụ cột trong gia đình là mất mát quá lớn. Nhưng điều mà tôi cảm thấy buồn nhất cho đến tận bây giờ là việc thực hiện chính sách thiếu chu đáo có trước có sau.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Lấy ví dụ cụ thể như địa phương tôi (cả xã và huyện) dành cho gia đình thương binh đã mất  chỉ là một câu giải thích: “Chết là hết”  - Nghĩa là khi người có công đã mất đi thì không có sự thăm hỏi nữa. Bố tôi mất khi tôi mới tròn 13 tháng tuổi, cho đến tận bây giờ, đã qua gần 30 dịp 27/7  nhưng chưa lần nào cán bộ địa phương có 1 lời thăm hỏi đến gia đình tôi, dù chỉ là một bông hoa đặt lên bàn thờ để bố tôi nơi chín suối còn biết đến nghĩa cử của những người còn sống. Những ngày 27/7 đến, khi nhìn thấy những người thương binh như bố tôi còn sống đi nhận quà biếu mà trong lòng tôi thực sự thấy chạnh lòng và thất vọng. Tôi thiết nghĩ, đã có công với tổ quốc dù là thương binh hay liệt sỹ, còn sống hay đã mất thì có nên để tồn tại cái chính sách “Chết là hết không?”. Cũng cần phải nói thêm rằng, gia đình tôi không quan tâm chuyện quà cáp, vật chất, năm nào dịp đó gia đình tôi cũng mua hoa quả về thắp hương để tưởng nhớ công ơn của bố tôi với tổ quốc, nhưng cứ nghĩ đến sự thờ ơ từ người thực hiện chính sách là tôi lại cảm thấy buồn về sự đối xử với gia đình người có công. Tại sao thương binh “Chết lại là hết??”. (Địa phương nơi gia đình tôi đang sống là huyện Sông Lô – Tỉnh Vĩnh Phúc)

Tôi xin chân thành cảm ơn ban biên tập báo Dân trí đã quan tâm và nêu trúng vấn đề nhân dịp Ngày 27 tháng 7. Chúc quý báo ngày càng có thêm nhiều bạn đọc tin cậy!

 

Bạn đọc Le Quang Chan:

Cùng cách nghĩ với ông Trần Quang Đại, tôi góp thêm chuyện của minh.

Tôi có người bà con có 2 con là liệt sỹ chống Mỹ. Mẹ của 2 anh nay đã 90 tuổi mà vẫn canh cánh một niềm: không tìm được mộ của đứa con nào trước khi nhắm mắt. Tôi đã giúp bà theo khả năng của mình bằng cách gửi đơn đến Cục chính sách - Bộ Quốc phòng, đến Phòng chính sách Quân khu 9, QK7, Quân đoàn 4, đến Sở LĐ-TB và XH Đồng Tháp, phòng LĐ-TBXH huyện Hồng Ngự, nhưng đến nay kết quả thu được cũng chỉ là thông tin về đơn vị chiến đấu, nơi chiến đấu và hy sinh của 1 trong 2 liệt sỹ. Những thông tin này tuy rất quý báu nhưng chưa đủ để người nhà đi tìm mộ (đành rằng những nơi có thư trả lời có lẽ đã làm hết khả năng).

 

Qua chuyện này, tôi nghĩ tại sao không có một cơ quan chuyên trách chăm lo việc tìm kiếm thông tin về mộ liệt sỹ một cách đầy đủ để thông báo cho thân nhân của họ biết mà đi tìm? Hay là có cơ quan này mà làm không được? Do đâu, do họ không làm hết trách nhiệm, hay họ có thông tin mà không có nhiệm vụ phải thông báo? Dù thế nào thì nhà nước cũng nên chấn chỉnh việc này, phải cử người có tâm, có đức, có trách nhiệm cao vào cơ quan thực hiện công việc hệ trọng đó. Đừng để hàng ngàn gia đình, hàng vạn nguời đang sống phải "ngậm ngùi" vì nỗi đau này thêm nữa!

 

Bạn đọc Nguyễn Tiến Cư (xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội):

Tôi đã nghe rất nhiều về chuyện nhà nước đã và đang trả công cho những người có công đối với đất nước. Họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình đi theo tiếng gọi của tổ quốc, bảo vệ quyền được hưởng độc lập, tự do cho toàn dân tộc, vậy mà bây giờ vẫn còn những người chưa được hưởng quyền lợi xứng đáng hay sao.

 

Tôi đang là một sinh viên, là con của một người đã dũng cảm đi theo tiếng gọi của tổ quốc, chiến đấu với kẻ thù đến khi hòan thành nhiệm vụ cao cả đó, đã được thưởng nhiều huân, huy chương. Vậy mà đến tận bây giờ bố tôi vẫn chưa được trả công gì cả, không được hưởng một chính sách ưu đãi nào của nhà nước.

 

Bố tôi đi vào chiến trường miền nam năm 1972 khi bố tôi còn thiếu mấy tháng nứa mới tròn 18 tuổi đang học lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ). Bố tôi đi chiến đấu thật dũng cảm, anh dũng cho nên mới được thưởng huân chương, huy chương, nhưng có lẽ tôi nói ra điều này thì hơi buồn cười, nếu bố tôi là bị thương thì có phải tốt hơn không vì bố tôi sẽ được nhà nước trả lương, chúng tôi đi học lại được miễn giảm học phí. Năm tôi thi vào trường SĨ QUAN LỤC QUÂN, tôi thiếu đúng nửa điểm, tôi vẫn phải ngậm ngủi nhìn bạn bè đi học còn mình thi trượt. Giá bố tôi bị thương, tôi được cộng điểm thì tôi đã là học viên của trường mà tôi yêu thích nhất - trường mà tôi ao ước bao nhiêu năm. Tôi yêu bộ đội, tôi yêu trường sĩ quan lục quân nhưng không được rồi, dù điều đó không còn quan trọng với tôi bây giờ  vì hiện giờ tôi đang là sinh viên của một trường khá lớn và theo học ngành xây dựng.

 

Nhưng còn bố tôi và còn nhiều người như bố tôi thì sao, bố tôi làm rất nhiều hồ sơ hay giấy tờ gì đó để gửi đi mong nhà nước trả công vậy mà chẳng thấy hồi âm. Nhà nước Việt Nam của chúng ta vốn công bằng nhưng có lắng nghe người dân hay không vì họ ở xa quá mà tiếng nói thì nhỏ quá nên không nghe thấy. Nghe nói đơn vị của bố tôi có người sau này làm rất to cơ mà, nhưng vẫn không biết đồng đội khi xưa của mình bây giờ sống ra sao và có tâm tư nguyện vọng gì không. Có biết họ đang vất vả để chống lại bệnh tật do ảnh hưởng chiến tranh, đang vất vả mưu sinh kiếm tiền để nuôi con ăn học.Thời trai tráng, nhiều người trước đây đã hi sinh cho tổ quốc đáng nhẽ bây giờ họ phải được nhà nước chăm lo, phải bù đắp lại mới đúng nhưng nhiều người đến nay vẫn chưa được hưởng gì cả. Tại sao những người có nhiều công lao trong chiến đấu được thưởng nhiều huân chương, huy chương, như bố tôi mà không được hưởng chính sách ưu đãi gì.

 

Ngày xưa, bố tôi còn hay mang ra ngắm nhìn trân trọng, bây giờ thì ít lắm hình như bố tôi quên đi một thời anh dũng và vẻ vang của mình. Nhưng tôi là người con của ông lại không thể quên được điều đó và cũng vì vậy, tôi đã viết ý kiến của mình để gửi cho Diễn đàn Dân trí.

 

Tôi hi vọng bài viết này sẽ được phản ảnh tới các vị lãnh đạo, nhất là các vị lãnh đạo quân đội, lãnh đạo ngành lao động-thương binh-xã hội để từ đó có chính sách đối xử thỏa đáng đối với tất cả những người có công đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và lập các thành tích được ghi nhận bằng những huân chương, huy chương.

 

LTS Dân trí - Đền ơn đáp nghĩa đối với người có công trong các cuộc kháng chiến kéo dài tới mấy chục năm vốn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách, chế độ cũng như khi thực hiện khó tránh khỏi những thiếu sót, chưa thấu hiểu và chưa bao quát được mọi đối tượng cần được hưởng những chính sách ưu đãi ở những mức độ khác nhau.

 

Không ngừng hoàn thiện chính sách, chế độ cũng như việc thực hiện chu đáo với tấm lòng trân trọng, thấm nhuần nghĩa tình và thể hiễn rõ lòng biết ơn đối với Người có công là trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là những cán bộ được giao nhiệm vụ chuyên trách công tác này.

 

Hằng năm, chỉ có một Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, nhưng việc thực hiện chính sách đối với Người có công cần làm thường xuyên với ý thức trách nhiệm cao nhất thể hiện trước sau như một đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.