Hướng tới kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7)
Xin đừng để người có công phải ngậm ngùi!
Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, song hậu quả của nó vẫn còn trong mỗi người, mỗi gia đình đã tham gia cuộc chiến và trên cả thân thể của đất nước.
Vẫn còn đó những gia đình ngóng chờ vô vọng hài cốt của người thân, vẫn còn đó những người đã từng cống hiến cho kháng chiến, nay đau yếu, già cả nhưng chưa được hưởng chế độ ưu đãi người có công theo chủ trương, chính sách của nhà nước.
Có một thời, họ đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, cầm súng chiến đấu hay đi thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, hoạt động du kích trong lòng địch, nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ. Không ai nghĩ đến quyền lợi cho bản thân mình, mà chỉ vì tình yêu thiêng liêng đối với vận mệnh đất nước.
Xuất phát từ truyền thống, đạo lí uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, ban hành nhiều chế độ ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện. Đã có hàng triệu người có công được hưởng ưu đãi từ ngân sách nhà nước và các ưu đãi khác về giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm, nhà ở, đất đai.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập dẫn đến những sai trái, bất công. Một số đối tượng không có cống hiến cho cách mạng vẫn được lập hồ sơ khống để hưởng chế độ ưu đãi, một số khác lại được hưởng mức ưu quá cao so với mức cống hiến. Cách đây khoảng 5 năm, có không ít cán bộ ở nhiều địa phương bị xử lí, hầu toà vì đã phối hợp làm hàng nghìn bộ hồ sơ “thương binh giả”.
Nhiều đối tượng đã buộc phải trả lại những gì hưởng không đúng cho nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, dư luận cho rằng đang còn không ít đối tượng “thương binh giả”, “chính sách dởm” vẫn ung dung thụ hưởng chế độ ưu đãi. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia mà quan trọng hơn làm xói mòn niềm tin của người dân vào nhà nước, xúc phạm đến những đối tượng có cống hiến chân chính.
Bên cạnh đó lại có không ít những đối tượng có cống hiến thực sự, hiện nay hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn không được hưởng chính sách ưu đãi. Chúng tôi đã từng biết rất nhiều đối tượng có tham gia cách mạng bị mất giấy tờ, hay giấy tờ không đầy đủ, hoặc thời gian cống hiến không đủ mức để hưởng chế độ và rất nhiều trường hợp khác lâm vào tình cảnh “tình ngay lý gian” oan ức.
Ông Trần Xuân Xanh, quê quán Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh, 77 tuổi, có 23 năm tham gia quân đội, đến năm 1977 có quyết định chuyển ngành, nhưng nơi chuyển đến không tiếp nhận. Quay lại đơn vị cũ thì họ bảo đã ra khỏi quân đội rồi. Về quê không chế độ, chờ đợi hơn 30 năm, đến năm 2006 nhà nước có chính sách cho những đối tượng đã công tác trên 20 năm trong quân đội được hưởng chế độ hưu trí, ông nộp hồ sơ để xin hưởng, nhưng bị Bảo hiểm quân đội trả về. Vì trong văn bản ghi đối tượng đã phục viên, xuất ngũ, còn ông lại là đối tượng “chuyển ngành”. Thế là ông có nguy cơ vĩnh viễn không được hưởng quyền lợi gì.
Ông Phạm Lý, 77 tuổi, quê quán Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh là người đã từng chiến đấu trong vùng bị quân Mỹ rải chất độc da cam. Về quê, sinh con bị chết, dị tật. Năm 2000, ông được hưởng chế độ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Năm 2006, ông khai lại hồ sơ để tiếp tục hưởng, nhưng sau đó đã bị cắt bởi vì trong hồ sơ bổ sung năm 2006, ông khai sinh năm 1938, trong khi tại hồ sơ năm 2000 lại ghi năm sinh 1933. Nguyên nhân vì ông trí nhớ giảm sút, hồ sơ nhờ người khác khai nên không chính xác.
Sau ông khiếu nại, xã, huyện đã tổ chức kiểm tra, xác định năm sinh của ông trong hồ sơ gốc là 1933, đề nghị Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh tiếp tục cho hưởng chế độ. Nhưng đến nay đã hơn 5 năm, Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh vẫn “án binh bất động”, tiếp tục dừng chế độ của ông mà không hề có quyết định, văn bản chính thức. Trường hợp của ông được đề nghị nhiều lần trong các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, nhưng vẫn vô hiệu.
Nguyên nhân khiến cho các đối tượng có cống hiến, xứng đáng được hưởng đãi ngộ nhưng không được hưởng là do văn bản chính sách chưa bao quát được những diễn biến đa dạng và phức tạp của thực tiễn. Mặt khác, cán bộ lại áp dụng máy móc văn bản, hoặc cố tình gây khó dễ cho đối tượng. Trong văn bản mới nhất quy định chế độ đối với người kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có quy định đối tượng tham gia kháng chiến có con dị dạng, dị tật suy giảm khả năng lao động và ban hành danh mục bệnh tật “Bất thường sinh sản”.
Trong thực tế những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị bất thường sinh sản, sinh con dị dạng dị tật nhưng cũng có những người con tương đối bình thường, hoặc những người con đã chết. Thế nhưng trong văn bản dẫn lại chỉ hướng đến đối tượng có con đang sống bị dị dạng, dị tật, còn những người có con dị dạng dị tật nhưng đã qua đời lại không được hướng dẫn cụ thể. Trường hợp ông Nguyễn Duy Tùng, 73 tuổi, quê quán Cương Gián, Nghi Xuân Hà Tĩnh đã từng chiến đấu ở vùng bị nhiễm chất độc hoá học, về sinh 3 con bị dị dạng dị tật nhưng đã qua đời (có cháu 5 tuổi mới qua đời), sẩy thai nhiều lần, sau có hai con tương đối bình thường (không có dị dạng thực thể).
Đến khi ông nộp hồ sơ để hưởng chế độ thì bị gạt ngay ở vòng sơ loại bởi vì cán bộ cho rằng hai con của ông hiện không bị dị dạng dị tật. Trong khi đó, hồ sơ của ông đã được địa phương xác nhận ghi rõ danh tính 3 con dị dạng đã qua đời. Ông Tùng bức xúc, khiếu nại, phóng viên phản ánh thì cán bộ Phòng LĐ-TB-XH huyện Nghi Xuân mới hướng dẫn ông làm lại hồ sơ theo đối tượng “Bất thường sinh sản”.
Các quy định về hồ sơ, giấy tờ để hưởng chế độ thường rắc rối, phức tạp, nhiều đối tượng không hiểu rõ nên đành nhờ cậy vào “cò”, nhiều khi mất bao nhiêu tiền bạc, công sức vẫn không toại nguyện. Tình trạng oan sai, bất cập trong giải quyết chính sách đối với người có công đã gây ra nhiều bất bình, bức xúc trong nhân dân. Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp khiến các cơ quan nhà nước rất mệt mỏi. Một số người dân đã tụ tập đông người vào trụ sở của Sở LĐ-TB-XH để chất vấn.
Công bằng là nguyên tắc lập pháp, hành pháp của quốc gia. Xin đừng để những người có công phải chịu oan ức, ngậm ngùi vì những lí do không đáng có. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách hậu phương quân đội nhân ngày 27-7.
Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
LTS Dân trí - Thực hiện những chính sách chế độ đã ban hành và thể hiện đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, các cấp chính quyền cũng như các ngành chức năng ở nhiều địa phương đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Tuy nhiên, vẫn còn những địa phương chưa vận dụng đúng các chính sách chế độ, thậm chí còn máy móc khi xem xét những trường hợp cụ thể, cho nên đã gây ra nhiều khó khăn đối với người có công khi làm thủ tục hưởng chính sách, giải quyết rất chậm, thậm chí để sót những trường họp lẽ ra phải được hưởng chính sách ưu đãi từ lâu.
Bài viết trên đây nêu lên một số trường họp cụ thể, rất mong các cấp chính quyền địa phương và Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh xem xét và giải quyết sao cho thấu tình đạt lý đối với những trường họp như vậy.