Độc giả tranh luận dòng chữ "Sơn Hải bảo hành 10 năm" có phải là quảng cáo

Hải Hà

(Dân trí) - Thông tin về việc dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu bị xóa bỏ đã thu hút sự quan tâm của độc giả qua hàng ngàn comment (ý kiến bạn đọc) gửi về báo.

Trong những ý kiến bạn đọc gửi dưới bài viết Bất ngờ lý do dòng chữ "Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên cao tốc bị xóa , độc giả tranh luận đúng - sai khi doanh nghiệp để dòng chữ trên biển báo chỉ hướng đường (treo trên cao).

Nhiều người đồng tình với Khu quản lý đường bộ II (Khu II) - Cục Đường bộ Việt Nam khi cho rằng đây là hành vi quảng cáo gây nhiễu thông tin, có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Cũng có ý kiến cho rằng đây không phải là quảng cáo mà là sự khẳng định về chất lượng của một doanh nghiệp uy tín mà hiếm có một doanh nghiệp nào làm được.

Độc giả tranh luận dòng chữ Sơn Hải bảo hành 10 năm có phải là quảng cáo - 1

Dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" được ghi trên biển báo (Ảnh: Ngọc Tân).

Tranh thủ quảng cáo hay sự khẳng định về chất lượng?

Độc giả Nguyễn Khánh An cho rằng "Đây không phải là doanh nghiệp đang thực hiện việc quảng cáo mà là sự khẳng định về chất lượng và uy tín".

Đồng quan điểm, độc giả Đức Minh: "Đã có nhà thầu nào làm được như Sơn Hải chưa? là người dân tôi ủng hộ tập đoàn Sơn Hải, dám khẳng định như vậy thể hiện trách nhiệm của tập đoàn với tài sản của nhà nước, của nhân dân, nhìn nhiều con đường làm hàng nghìn tỷ đồng bị hư hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng mà thấy xót xa".

"Kể cả những đoạn đường khác không do tập đoàn Sơn Hải thi công, không có chữ trên biển báo vẫn xảy ra tai nạn cơ mà?", đó là băn khoăn của độc giả Dinh Vu: "Dòng chữ chỉ có vậy, một vài đoạn thì liên quan gì đến mất an toàn giao thông trên cao tốc, kể cả những đoạn đường khác không do tập đoàn Sơn Hải thi công vẫn sẩy ra tai nạn cơ mà, hơn nữa dòng chữ này quá nhỏ so với các dòng phía trên nên việc mất công đi xóa các dòng này còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao hơn. Nếu nói do mấy dòng chữ này làm mất tăng nguy cơ tai nạn thì sao khi bàn giao không buộc nhà đầu tư thay luôn?".

""Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" - đó là trách nhiệm, là quyết tâm, là đạo đức doanh nhân, là niềm tự hào, là cam kết, là lời thề của doanh nghiệp đối với xã hội và cộng đồng… Vậy hà cớ gì phải xóa bỏ lời cam kết tử tế của một doanh nghiệp?", độc giả Suong Bao.

Độc giả Hieu Ngo: "Cái gì luật không cấm, tốt cho dân thì phải khuyến khích làm. Ghi rõ thời gian bảo hành vừa khẳng định uy tín nhà thầu vừa có tác dụng làm gương để nhà thầu khác phấn đấu làm tốt theo, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội vậy tại sao không làm? Không nên vì các quy định máy móc làm hạn chế sự phát triển xã hội".

Độc giả Minh Trần Trọng: "Giá như tất cả các tuyến đường đều được công khai rõ ràng như vậy thì sẽ giảm hẳn tình trạng đường chưa, hoặc mới bàn giao đã hư hỏng".

"Khu quản lý đường bộ II và PMU6 mất nhiều tiền để đi làm cái việc mà đúng ra chỉ cần yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải phải tự khắc phục", độc giả Hải Lê Thanh

Độc giả tranh luận dòng chữ Sơn Hải bảo hành 10 năm có phải là quảng cáo - 2

Đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có biển báo tốc độ kèm dòng chữ "đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" (Ảnh: Báo Chính phủ).

Với góc nhìn khác, độc giả Xuan Anh cho rằng: "Trong trường hợp này, nếu Sơn Hải không có sự xin phép từ trước thì Khu quản lý đường bộ II xóa dòng chữ trên là hoàn toàn hợp lý. Việc cam kết bảo hành 10 năm trên hợp đồng là thể hiện uy tín của nhà thầu, nhà thầu muốn quảng cáo có thể thuê đơn vị truyền thông làm trên các nền tảng thông tin khác, không nên gắn bừa lên biển báo giao thông".

Độc giả To Thai chung ý kiến: "Việc xóa bỏ các quảng cáo trên các biển báo là đúng quy định pháp luật về báo hiệu đường bộ, việc khẳng định chất lượng, thời gian bảo hành công trình chỉ là điều kiện để xét thầu trong đấu thầu xây dựng công trình".

Độc giả Hanh Ho: "Nếu có trong hồ sơ thiết kế thì không sao. Tuy nhiên SH tự ý đưa vào dòng chữ như vậy thì không cơ quan nào dám cho tồn tại. Bởi lẽ các biển báo chỉ có mục đích duy nhất đảm bảo an toàn giao thông, có lợi cho tài xế. Dòng chữ kia quá dài, nội dung không cần thiết, sẽ gây mất an toàn, lỡ có tai nạn xảy ra thì sẽ quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý. Vì vậy lột bỏ là rất đúng.

Sơn Hải hoàn toàn có thể thuê đặt các bảng quảng cáo khổ lớn dọc cao tốc, muốn ghi gì thì ghi. Ở các nước phát triển việc đặt các bảng quảng cáo rất nghiêm ngặt, không dễ muốn làm gì thì làm như ở mình, vì họ đặt tiêu chí an toàn là ưu tiên số một. Người dân phải hiểu là Nhà nước làm vậy là có lợi cho mình".

Ở góc nhìn trung lập, độc giả Jundat Ng cho rằng đây là lùm xùm không đáng có bởi là đơn vị quản lý thì Ban quản lý PMU 6 chỉ cần có công văn yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải xóa dòng chữ với lý do không có trong thiết kế. Khi Tập đoàn Sơn Hải không thực hiện thì mới xóa và yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải phải thanh toán chi phí thực hiện.

Dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" có phải nội dung quảng cáo?

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc công ty luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng theo Khoản 1, điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012: "Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân".

Với quy định trên, dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" thể hiện tại "biển báo chỉ hướng đường (treo trên cao) và trên biển thông báo đặt bên lề đường" chứa đựng các yếu tố xác định là hoạt động quảng cáo.

Bởi lẽ: Biển báo là "phương tiện"; chữ "đường" là sản phẩm của tổ chức; chữ "Sơn Hải" là tên tổ chức kinh doanh sản phẩm; "bảo hành 10 năm" thể hiện việc giới thiệu, cam kết chất lượng sản phẩm; toàn bộ thông tin trên, đặt tại biển gắn bên lề đường cao tốc "nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm" của tổ chức.

Tuy nhiên luật sư Lực cho rằng dòng chữ của Sơn Hải với người dân dường như đã vượt qua giá trị quảng cáo, quảng bá thông thường của sản phẩm để chạm đến giới hạn kính trọng, ngưỡng mộ một doanh nghiệp làm đường có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng vượt trội, dám khác biệt với số đông.

Vậy dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" thể hiện tại "biển báo chỉ hướng đường (treo trên cao) và trên biển thông báo đặt bên lề đường" có hợp lý, hợp tình?.

Luật sư Lực cho rằng về lý, khi phân định từ vai trò, quyền hạn, tính chất sở hữu ta có thể thấy rằng: Sơn Hải là nhà thầu thi công làm đường theo thiết kế của chủ đầu tư, kết thúc bàn giao sản phẩm đường cho đơn vị quản lý, Sơn Hải chỉ còn nghĩa vụ bảo hành và không sở hữu tài sản liên quan đến dự án đã thực hiện xong;

Thứ hai, đường cao tốc và các tấm biển báo, biển chỉ dẫntrên đường cao tốc nếu nằm trong thiết kế thì thuộc về tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân Nhà nước quản lý thông qua Khu quản lý đường bộ II (Khu II) - Cục Đường bộ Việt Nam;

Bên cạnh đó, các biển quảng cáo, biển hiệu trên đường cao tốc nếu do Sơn Hải tự đầu tư, không hạch toán chi phí do Nhà nước chi trả thì không được phép tồn tại hợp pháp trên đường cao tốc; Chủ sở hữu, người quản lý với tài sản có quyền quyết định các nội dung thể hiện trên biển báo, biển hiệu phù hợp với quy định pháp luật.

Bởi vậy "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" tồn tại trên các biển báo, biển hiệu nhìn theo góc độ quyền sở hữu, tuân thủ pháp luật thì chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Về tình có thể thấy rằng: Dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" không chỉ là quảng cáo mà còn là cam kết về chất lượng, chẳng những không gây ra sự sao nhãng, đãng trí của người lái xe mà còn giúp họ có sự an tâm, tin tưởng, tập trung cần thiết, hữu ích khi điều khiển xe trên đường cao tốc do Sơn Hải thi công, được Nhà nước đầu tư.

Góc nhìn của Khu quản lý đường bộ II (Khu II) - Cục Đường bộ Việt Nam khi phát biểu "Tôi đã yêu cầu PMU 6 chỉ đạo nhà thầu xóa bỏ dòng chữ này do nó không có trong hồ sơ thiết kế. Bên cạnh đó, luật pháp cấm hành vi quảng cáo trên đường cao tốc gây nhiễu thông tin, có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông" theo luật sư Lực dường như không toàn diện, không đa chiều, bị đóng khung, bó hẹp trong những quy định cũ không theo kịp một hoạt động dám khác biệt mà Sơn Hải mang đến.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" là "thể chế" và khẳng định: "Tất cả do mình". Thể chế pháp lý hiểu một cách ngắn gọn là những quy định và chuẩn mực pháp lý như hiến pháp, luật pháp và các chính sách. Từ đó, để Nhà nước thiết lập khung pháp lý và hướng dẫn hành vi của các cá nhân, tổ chức, nhằm bảo đảm ổn định, thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ phát triển xã hội.

Tháo gỡ điểm nghẽn phải bắt đầu từ tư duy người quản lý. Hành động khác biệt nhưng tốt đẹp, hữu ích cho xã hội của Sơn Hải cần phải được cơ quan quản lý, ghi nhận cùng chung tay tìm giải pháp hài hòa cho tồn tại chứ không nên vì quyền tôi, quy định thế nào cứ thế mà làm, cứ xóa bỏ dù cái anh làm có tốt đến đâu.

"Nhân dân giám sát thì đúng đắn, thực chất và hiệu quả vô cùng. Người dân chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp tử tế, làm ăn đàng hoàng, dám cam kết, dám chịu trách nhiệm như Sơn Hải", luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm.