Độc giả tâm đắc với câu chuyện “cái ô... nghe cái cán!”

(Dân trí) - “Bài viết thâm thuý! Đành rằng là bề trên, bác che chắn cho tôi nhưng chính cái cán tôi mới dựng nên bác. Không có tôi, liệu bác có giương lên che mắt được giời xanh?” - độc giả với nick Làng bùi - Thanh Hóa gửi chia sẻ tới tác giả Bùi Rửa Bát.

Những vấn đề nhức nhối trong xã hội ngày nay không chỉ đơn giản là chuyện người này cướp đồ người kia nữa, mà nó đã ăn sâu vào tư duy, vào máu của nhiều người. Từ những người ít học cho đến những người học rộng, hiểu nhiều.

 

Câu chuyện “Cái ô... nghe cái cán” của tác giả Bùi Rửa Bát như một luồng gió thổi vào ngọn lửa bức xúc âm ỉ cháy của bao người.

 

Phạm Văn Viễn - Nam - 30 tuổi - Từ Quảng Ninh viết: “Bài viết rất sâu sắc và thực tế, tôi nghĩ hiện nay nếu chúng ta bỏ được nạn buôn quan, bán tước, bỏ được cái gọi là "dây" trong các cơ quan hành chính, nhà nước thì chắc chắn sẽ không còn việc cái ô phải nghe cái cán. Cái ô mà mở đúng chỗ, đúng lúc, bằng những cái cán chắc chắn, thì người dân Việt ta sẽ được nhờ”.

 
Độc giả tâm đắc với câu chuyện “cái ô... nghe cái cán!” - 1

(ảnh minh họa)
 

Đồng quan điểm, MC - Nam - 34 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ: “Tôi cũng nghe nói “Ô” không cho nhập thiết bị máy móc cũ, lạc hậu thậm chí độc hại nhưng “cán” vẫn cứ nhập... Có lẽ bác Bùi nói đúng, trên bảo dưới không nghe là chuyện thường ngày ở mọi nơi, mọi chốn (?)

 

Nhung - Nam - 30 tuổi - Từ Quảng Ninh hóm hỉnh: “Hay thiệt, đúng là nếu đã là cái ô dù...thì phải có cán, có ô mới tạo lên cái ô dù hoàn thiện để che chắn chứ. Vậy nên đã kết hợp rồi mà chỉ cần ô hỏng, hoặc cán hỏng là mọi chuyện vỡ lở ngay ý mà... Mà bao giờ ô cũng sẽ phải sợ cán vì ô ở cao hơn cán mà”.

Nick hayhay - Nam - 29 tuổi - Từ Hà Nội khen ngợi: “Bài viết rất hay và rất thẳng thắn! Mình rất thích anh Bùi Rửa Bát này vì cách tự do ngôn luận của anh không sợ va chạm!”

Trong khi đó Tiểu Mỵ - Nam - 10 tuổi - Từ Cà Mau nêu thực trạng: “Có một lần ngồi trên lớp, thầy giáo dạy bọn mình: “Sau này các em đi làm, nếu sếp cầm cái ấm nói đó là cái bút thì nó chính là cái bút. Các em cãi lại thì các em không tức thời, hậu quả các em phải tự gánh chịu”. Giờ mình đi làm rồi, sếp nói mà mình chưa hiểu, mình vẫn hỏi lại, thấy sếp nói vô lý mình nói đến cùng. Vậy mà vẫn bình an vô sự. Có thể 100 người chỉ được 1 người như sếp mình. Bài viết phản ánh rất chân thực, sát với thực tế xã hội hiện nay. Không biết họ sẽ nghĩ gì sau khi đọc xong bài viết này nhỉ?”

 

Bên cạnh đó Nguyễn Thanh Hoàng - Nam - 27 tuổi - Từ Hà Nội cũng đưa ra nhiều ví dụ và cho rằng có không ít vị sếp leo lên cao không phải bằng năng lực, chuyên môn không có, vì thế chuyện bị nhân viên qua mặt không có gì là lạ:

 

“Tôi thấy trên bảo, dưới không nghe phải nhìn từ hai phía. Một là sếp bảo có đúng không? Có khách quan không? Sếp ít năng lực, dốt, bảo sao mà bắt nhân viên nghe thì khổ họ và hỏng việc. Sếp không khách quan thì cấp dưới cũng chẳng nghe. Cơ quan tôi, sếp học hành lôm côm, chả có chuyên môn gì, chỉ đạo rất dốt nhưng chúng tôi vẫn phải nghe.

 

Hay như một lý lẽ khác về sự “ngược đời” mà phạm quân - Nam - 21 tuổi - Từ Hà Nội nêu: “Cấp trên nhưng cái thế không bằng thì bảo sao cấp dưới không nghe. Thử hỏi nếu cấp dưới thân cô thế cô thì cho dù chỉ thị sai vẫn phải chấp hành”...
  
Phúc Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm