Độc đáo nhà vườn An Hiên

Được xem là khu nhà vườn đẹp nhất đến nay ở cố đô Huế, nhà vườn An Hiên (58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long) nằm quay mặt về phía dòng sông Hương thơ mộng.

Không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ, không gian và kiến trúc An Hiên còn thể hiện sự hòa hợp giữa con người và cây cỏ nơi đây, tạo cho xứ Huế một vẻ đẹp riêng không đâu có được.

 

Tôi đến nhà vườn An Hiên một ngày đẹp trời hiếm hoi, trong cái se se lạnh của mùa đôngcảm thấy lòng mình trở nên bình yên, ấm áp. Chị Nguyễn Thị Thạnh, người trông coi nhà ngôi nhà này từ năm mười sáu tuổi, đang quét lá vội dừng tay. Rót nước mời khách, chị trầm tĩnh giới thiệu lịch sử ngôi nhà:

 

Nhà vườn An Hiên ban đầu nguyên là Phủ của Công chúa thứ 18 con vua Dục Ðức. Năm 1920 Phủ An Hiên thuộc sự quản lý của ông Tùng Lễ. Năm 1936 Phủ được bán cho Nguyễn Ðình Chi, lúc bấy giờ là Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh. Năm 51 tuổi, ông Chi mất, vợ ông về sống tại An Hiên, quản lý và chăm lo sửa sang khu nhà vườn. Sinh thời, cả hai vợ chồng ông Chi đều là những người học vị cao, tài giỏi và có uy tín trong xã hội. Chính nơi đây, họ từng tiếp nhiều khách tao nhân trí thức tới thưởng ngoạn, vãn cảnh.

Khuôn viên nhà vườn An Hiên hiện nay có diện tích 4.608 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam và của xứ Huế. Nơi này cũng gắn với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của vị nữ chủ nhân Đào Thị Xuân Yến (vợ ông Nguyễn Đình Chi) sinh năm 1909, quê ở làng Hưng Thạnh, phủ Tuy Phước (nay thuộc TP. Quy Nhơn), một nhà hoạt động chính trị xã hội yêu nước có nhiều công lao to lớn đóng góp với Huế. Năm 1923, bà Chi từ Quy Nhơn ra Huế học trường Đồng Khánh. 18 tuổi, bà cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp của nữ sinh Đồng Khánh. 24 tuổi, bà trở thành phụ nữ Trung kỳ đầu tiên đậu tú tài Tây. Sau này, bà làm Hiệu trưởng trường Nữ Trung học Ðồng Khánh. Năm 1974, bà là ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới. Sau năm 1975, bà là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII và ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 

Chị Thạnh kể, những ngày còn sống, bà Chi vẫn thắp hương thờ tổ tiên và tiếp khách ở ngôi nhà chính, thời giờ rảnh rỗi bà hay đọc sách trong thư phòng. Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà thơ nổi tiếng xứ Huế từng có câu : “mùa xuân bà trồng thêm cây, mùa hạ làm cỏ, đốt lá, mùa thu hái quả, mùa đông đọc sách báo, hái măng, thầm lặng chờ xuân tới”.

Nhà vườn An Hiên nằm khá gần chùa Thiên Mụ, còn được gọi là nhà vườn bà Tuần Chi. Sau khi bà Chi mất (1997), không gian kiến trúc nhà vườn vẫn giữ nguyên nét rêu phong, cổ kính. Lối vào vườn là một chiếc cổng nhỏ quét màu xám tro, xây theo hình vòm cổ bằng vôi gạch. Hai bên là 2 dãy cây mận trắng đan tầng vào nhau cao vút dọc lối đi. Rẽ trái và vượt qua chiếc bình phong cổ kính trang trí chữ Thọ, là chiếc hồ lớn in bóng trời và cảnh vật trong vườn. Bao quanh hồ là những bụi hoa tường vi, hoa mận trắng, tóc tiên.Phía bên kia là giàn hoa với hàng chục giò phong lan đủ loại thi nhau khoe sắc. Ngôi nhà chính 3 gian 2 chái ẩn mình giữa vườn cây xanh tươi được chạm trổ hoa văn hết sức tinh tế, nội thất sắp xếp gọn gàng. Gian chính giữa ngôi nhà có bàn thờ để gia chủ thờ phụng tổ tiên và tiếp khách. Màu xanh mát dịu cùng với hương thơm nhẹ tỏa ra từ cỏ cây, hoa lá của khu vườn trong không gian tĩnh mịch một chiều đông khiến cho lòng người thư thái, yên tĩnh hòa quyện với thiên nhiên.
 
Độc đáo nhà vườn An Hiên - 1


Độc đáo nhà vườn An Hiên - 2


Độc đáo nhà vườn An Hiên - 3


Độc đáo nhà vườn An Hiên - 4


Độc đáo nhà vườn An Hiên - 5


Độc đáo nhà vườn An Hiên - 6


Độc đáo nhà vườn An Hiên - 7

 

Hà Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm