Độc đáo chợ heo Bà Rén ở Quảng Nam
(Dân trí) - Nằm trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quế Sơn, Quảng Nam, chợ heo (lợn) Bà Rén là một trong những ngôi chợ lâu đời ở xứ Quảng, tồn tại ngót đã gần nửa thế kỷ. Đây cũng là ngôi chợ “có một không hai” ở Việt Nam khi cả chợ chỉ có một mặt hàng duy nhất là các “Trư Bát Giới”. Cũng từ ngôi chợ độc đáo này đã sinh ra nghề “có một không hai”: nghề bồng heo.
“Ai về Bà Rén ghé chợ heo. Bắt mắt, vui tai chuyện tầm phèo”
Chợ heo Bà Rén “có một không hai” đã đi vào ca dao Quảng Nam như thế. Chợ nằm trên Quốc lộ 1A, cách TP Đà Nẵng tầm 40 km và cũng cách đô thị cổ Hội An - điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới từng đấy km.
Lựa một ngày nắng đẹp giáp Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi tìm đến chợ heo Bà Rén từ lúc mặt trời vừa ló dạng. 7h sáng, chợ heo đã tấp nập với hàng trăm người bán, người mua và cả nghìn chú heo đủ chủng loại với âm thanh “ec ec” đặc trưng rộn ràng.
Chợ heo Bà Rén họp chợ từ 7h-9h sáng mỗi ngày.
Để kịp phiên chợ sớm, từ 3-4h sáng, các lái heo đã đến từng nhà dân ở khắp các thôn xóm ở Quế Sơn và cả các huyện lân cận như Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, lựa những chú heo khỏe, đẹp nhất cho xuất chuồng ra chợ.
Anh Nguyễn Hổ - lái heo đã gắn bó với chợ Bà Rén hơn 20 năm hồ hởi nói: “Ngày nắng như ri đến chợ heo là xôm tụ nhất. Mấy bữa trước mưa suốt tuần là chợ cũng heo hút suốt tuần luôn, vì mưa lạnh, bà con sợ mấy con heo không chịu nổi thời tiết ẩm ương nên không cho heo xuất chuồng ra chợ. Nắng này thì heo xuất chuồng ra chợ vô tư!”.
Chợ heo Bà Rén có cả heo thịt và heo giống, heo con để bà con mua về chăn nuôi. Ông Phạm Cư - Giám đốc chợ heo Bà Rén cho biết: “Chợ heo Bà Rén có từ trước giải phóng (giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ cuối tháng 3/1975). Cách đây khoảng 5 năm, chợ được sửa sang lại, sáng sủa hơn, chớ trước chợ lâu năm xuống cấp, lụp xụp lắm. Chợ thường họp vào đầu giờ sáng, từ 7h đến 9h sáng là vãn. Hồi trước thì chỉ có người bán người mua, nay thỉnh thoảng có cả khách du lịch nghe tiếng chợ heo Bà Rén “có một không hai” cũng tìm đến trải nghiệm và họ thích thú lắm.
Ông giám đốc chợ “có hơn nửa đời người” quản lý chợ heo cho biết: “Nhiệm vụ của tui là kiểm đếm lượng heo ra vào chợ mỗi ngày. Từ mấy trăm con heo tới cả nghìn con mỗi ngày tùy hôm. Người bán người mua ở đây gần như quen biết nhau cả. Nên chợ này còn có cái độc đáo là mua heo được bảo hành. Bằng một thỏa thuận uy tín dù không có một giấy tờ văn tự nào cả giữa người mua người bán, cứ có con heo nào người ta mua về nuôi trong khoảng 5-7 ngày mà thấy con heo không khỏe, có dấu hiệu bệnh chi đó là mang ra chợ trả lại, người bán sẵn sàng nhận lại và đổi cho con heo khác”.
Thú vị nghề bồng heo
Cũng từ chợ heo “có một không hai” ở xứ Quảng, có thêm một nghề rất thú vị là nghề bồng heo. Ở chợ luôn có gần mười người túc trực bồng heo, chủ yếu là các bà, các chị. Ngoài việc bồng heo ra vào chợ cho các lái heo, các bà các chị kiêm luôn việc bồng heo đứng cân. Do những con heo có cân nặng lớn nếu bỏ vào rọ để lên cân thì heo vùng vẫy cân không chuẩn, thậm chí là heo chạy xổng đi, bắt lại rất vất vả. Nên phải có người ôm hẳn con heo đứng lên cân. Cứ trừ ra cân nặng của người bồng heo là rõ cân nặng của heo. Vậy nên, cả chợ rành nhất là … cân nặng của các bà, các chị bồng heo.
Chị Trần Thị Thảo bồng heo đứng cân. Chị có 30 năm làm nghề bồng heo ở chợ Bà Rén
Chị Trần Thị Thảo, 55 tuổi, có 30 năm làm nghề bồng heo ở chợ Bà Rén. Đi khắp chợ hỏi ai cũng biết chị Thảo cân nặng 43 kg. Chị Thảo kể: “Tôi lên xuống bao nhiêu cân là người ở chợ biết hết. Cứ một lượt bồng heo đứng cân như thế là tôi được trả công 2.000 đồng, bồng heo ra vào chợ cho lái heo thì 500 - 1.000 đồng/con. Mỗi ngày bồng heo ra vào và bồng heo đứng cân ở chợ từ 7h - 9h sáng liên tục như thế, tôi kiếm được 50- 70 nghìn đồng. Những ngày chợ đắt khách như những ngày tháng Chạp sắp Tết này, thì có hôm kiếm được 100 nghìn đồng. Tan chợ thì mình làm thêm cái này cái kia xoay sở lo cho gia đình”.
Quê chị Thảo ở tận ngoài Bắc. Chị theo chồng về Quế Sơn, Quảng Nam làm dâu và theo nghề này để mưu sinh hơn 30 năm nay. Chồng chị mất sớm từ khi các con còn nhỏ dại, nhưng chị vẫn ở lại quê chồng, ở lại với chợ heo mưu sinh và nuôi hai con khôn lớn. Cái tính cái tình chân chất của người xứ Quảng, của người bán người mua, của chị em cùng nghề bồng heo ở chợ là điều khiến chị Thảo gắn bó với chợ Bà Rén.
Các giống heo ở chợ rất đa dạng.
“Người ở đây (dân Quảng Nam), mà là người ở chợ nữa, ăn cục nói hòn vậy đó mà thẳng thắn, chân chất, sống rất là nghĩa tình. Nhà tôi mất sớm, tôi cùng các con vẫn nương tựa quê chồng mà sống trong tình làng nghĩa xóm, trong cái tình của người ở chợ tối lửa tắt đèn có nhau. Và dẫu cái nghề bồng heo cực khổ lắm, “đổ mồ hôi sôi nước mắt” kiếm từng nghìn đồng, nhưng tôi luôn cảm ơn nhờ cái chợ Bà Rén, nhờ cái nghề bồng heo mà mình có kế sinh nhai, chắt chiu nuôi con khôn lớn, nên người” - chị Thảo tâm sự.
Ai đó từng nói, khi đến một vùng đất nào đó, thì nhất định phải đi chợ địa phương, mới hiểu đất và người nơi đó. Ở chợ heo Bà Rén, chúng tôi đã thực sự trải nghiệm điều này. Qua bao nhiêu năm tháng vật đổi sao dời, ngôi chợ nhỏ vẫn xôn xao mỗi sáng mai trên đường quốc lộ Bắc - Nam ngang qua xứ Quảng. “Sống đời” với chợ là câu chuyện của những người, những nghề gắn bó với chợ từ ông quản đốc, anh lái heo đến chị bồng heo. Để một lần ghé chợ heo Bà Rén, cảm nhận một nét đẹp văn hoá sinh hoạt đời thường vừa thuần hậu ở cái chân chất chợ quê, vừa độc đáo, thú vị ở chỗ cả chợ chỉ mua bán một mặt hàng là các “Trư Bát Giới” ở Quảng Nam.
Khánh Hiền