Kiên Giang:
Doanh nghiệp ngang nhiên chiếm đường công cộng: "Định giá thiệt hại tài sản chưa thuyết phục!"
(Dân trí) - Liên quan đến Công ty Hải Lưu bị “tố” ngang nhiên chiếm đường công cộng và hủy hoại tài sản của người dân, CQĐT Công an huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho rằng, giá trị thiệt hại tài sản trong vụ này chưa đến mức xử lý hình sự nên đã không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, theo luật sư, việc định giá tài sản của CQĐT là chưa thuyết phục.
Như Dân trí đã có nhiều bài phản ánh, trong khi vụ việc Công ty Hải Lưu bị “tố” xây dựng lấn chiếm đường công cộng từ đầu đường Trần Hưng Đạo xuống biển (tổ 8, khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) chưa được ngành chức năng xử lý dứt điểm thì Công ty này tiếp tục bị “tố” hủy hoại tài sản của người dân.
4 lần ngang nhiên hủy hoại tài sản
Theo đó, vào ngày 4/7/2015, ông Phạm Văn Sỹ (ngụ khu phố 7, thị trấn Dương Đông) thuê đội thợ điện của ông Phạm Văn Kỳ chôn 5 cột điện để kéo đường điện trên đường dân sinh (con đường công cộng nói trên) để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh. Trong lúc người của ông Sỹ đang chôn các cột điện thì một nhóm người của Công ty Bảo vệ Quang Minh do ông Trương Quang Niệm đến ngăn cản, đe dọa rồi nhổ bỏ hết các cột điện của phía ông Sỹ. Nhóm người này nói là được bà Ngô Thị Phượng (chủ dự án Hải Lưu) thuê ngăn cản không cho ông Sỹ kéo điện. Vụ việc đã được Công an thị trấn Dương Đông lập biên bản.
Ông Sỹ cho biết, hợp đồng thuê đội thợ điện của ông Kỳ lần đầu chỉ đào hố, chôn cột điện, không đổ xi măng với số tiền lầ 5.000.000 đồng. Ông đã thanh toán đầy đủ và chỉ thực hiện hợp đồng miệng chứ không lập thành văn bản.
Ngày 6/9/2015, ông Sỹ tiếp tục thuê đội thợ điện của ông Kỳ chôn cột điện và bắt điện trên tuyến đường dân sinh. Khoảng hơn 9h sáng, đội thợ điện vừa chôn cột điện và bắt điện xong thì xuất hiện một nhóm bảo vệ khoảng 9, 10 người từ phía Công ty Hải Lưu đi ra tự ý cắt điện từ ngoài đồng hồ chính rồi nhổ bỏ các cột điện. Sau đó, phía ông Sỹ gọi cho Công an thị trấn Dương Đông đến lập biên bản khoảng lúc hơn 10h sáng cùng ngày.
Theo ông Sỹ, hợp đồng thỏa thuận thuê đội thợ điện của ông Kỳ bằng miệng lần thứ hai đào hố, chôn cột điện và đổ xi măng với số tiền là 8.000.000 đồng.
Ngày 29/9/2015, ông Sỹ lại thuê đội thợ điện của ông Kỳ chôn cột điện chiếu sáng trên đường dân sinh. Đến khoảng 9h sáng ngày 4/10/2015, đội thợ điện của ông Kỳ đã chôn xong 5 cột điện (dưới chân cột đều đổ bằng bê tông, xi măng) và bàn giao xong cho phía ông sỹ. Ông Sỹ đã trả hết tiền theo hợp đồng cho ông Kỳ với số tiền là 7,5 triệu đồng (mỗi cột điện 1,5 triệu đồng). Khoảng 9h40 phút thì một nhóm người được cho là của Công ty Hải Lưu đến hủy hoại số cột điện đã chôn.
Ngày 15/10/2015, ông Sỹ tiếp tục thuê đội thợ điện của ông Lê Hồng Quân chôn cột điện chiếu sáng trên tuyến đường dân sinh. Khoảng hơn 9h ngày 20/10/2015, khi đội thợ điện của ông Quân bàn giao cho ông Sỹ 7 cột điện đã hoàn thành (dưới chân các cột điện đều có đỗ bêtông) thì bị một nhóm người từ trong Công ty Hải Lưu đi ra phá bỏ và hủy hoại các cột điện vừa chôn xong. Sau đó, các bên được Công an thị trấn Dương Đông mời về trụ sở làm việc. Tại đây, một đối tượng có tên là Trần Văn Lĩnh đã khai do bà Ngô Thị Phượng (chủ dự án Hải Lưu) trực tiếp chỉ đạo.
Theo ông Sỹ, việc chôn cột điện giữa ông và bên ông Lê Hồng Quân có hợp đồng đàng hoàng (tổng giá trị toàn hợp đồng 7 trụ điện là 10,5 triệu đồng).
Không khởi tố vụ án hình sự là chưa thuyết phục
Sau 4 lần bị phía Công ty Hải Lưu cho người phá hoại các cột điện, gây thiệt hại tài sản cho mình, ông Phạm Văn sỹ đã có đơn đề nghị Công an thị trấn Dương Đông, Công an huyện Phú Quốc xem xét khởi tố hành vi “Hủy hoại tài sản” của phía Công ty Hải Lưu.
Một luật sư ở tỉnh Kiên Giang nhận định, theo luật, việc làm thiệt hại tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, trong vụ việc của ông Phạm Văn Sỹ, việc đề nghị khởi tố hành vi “Hủy hoại tài sản” cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét đến để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại.
Liên quan vụ việc của ông Sỹ, Viện KSND tối cao đã có văn bản chuyển phản ánh của người dân đến Viện KSND tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết. Viện KSND tỉnh Kiên Giang (Phòng 12) có văn bản chuyển đơn phản ánh của người dân đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc giải quyết theo thẩm quyền. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đã chuyển phản ánh của người dân đến Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Quốc xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, ngày 27/6/2016, ông Phạm Văn Sỹ nhận được Thông báo số 269/TB-CQĐT của Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc do ông Nguyễn Thanh Nhanh- Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc- ký thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự.
Ngày 1/7/2016, Viện KSND huyện Phú Quốc có báo cáo số 248/BC-KS do Viện trưởng Nguyễn Hồng Hà- ký gửi Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Quốc, khẳng định, thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc là đúng quy định của pháp luật.
Ngày 7/7/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc có thông báo kết quả giải quyết tố giác tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố số 55/TB-CQĐT do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc Trần Văn Dũng ký. Theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc, hành vi của bà Ngô Thị Phượng, ông Trương Công Niệm và những người liên quan không cấu thành tội phạm nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ “Hủy hoại tài sản”.
Theo Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc, qua trưng cầu định giá tài sản của ông Phạm Văn Sỹ bị hủy hoại trong 4 lần là 1,526 triệu đồng. Như vậy, giá trị tài sản bị thiệt hại qua định giá chưa đến mức xử lý hình sự.
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc của ông Phạm Văn Sỹ, một luật sư ở tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, trong trường hợp này, kết quả định giá thiệt hại về tài sản của ông Phạm Văn Sỹ chỉ hơn 1,5 triệu đồng nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc không khởi tố vụ án và không khởi tố bị can theo quy định tại Điều 143 BLHS là hoàn toàn đúng pháp luật.
“Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, định giá tài sản thiệt hại, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc không tính toán đến tiền công lao động của công nhân để định giá tổng thiệt hại về tài sản là chưa thuyết phục”, vị luật sư nêu rõ sau khi vụ việc của ông Phạm Văn Sỹ không được khởi tố.
Ông Phạm Văn Sỹ bức xúc, trong vụ việc này, Công an huyện Phú Quốc chưa xem xét thỏa đáng yêu cầu chính đáng của ông. Đồng thời, cơ quan chức năng chưa đánh giá chính xác thiệt hại do hành vi trái pháp luật của bà Ngô Thị Phượng gây ra cho ông và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi này.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại các kết luận nêu trên của các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho chúng tôi, đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật”, ông Sỹ kiến nghị trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
H.H