Bắc Giang:

Doanh nghiệp khai khoáng: Trốn kê sản lượng, thất thu ngân sách

Qua kiểm tra, giám sát, mới đây cấp có thẩm quyền phát hiện một số doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác đất san lấp mặt bằng, khai thác cát, sỏi quy mô lớn song lại chưa chấp hành nghiêm việc kê khai sản lượng để nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (BVMT) gây thất thu ngân sách.

Doanh nghiệp khai khoáng: Trốn kê sản lượng, thất thu ngân sách - 1

Kê gian khai thiếu

Để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn, năm 2015, UBND tỉnh cấp giấy phép cho Công ty TNHH Đại Hoàng Dương, trụ sở ở huyện Lạng Giang khai thác cát, sỏi tại thôn Hương Ninh, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Quyết định nêu rõ, DN được phép sử dụng tàu hút cát, sỏi trong phạm vi, mốc giới, độ sâu đến hết tháng 3-2020, mỗi năm 35 nghìn m3. Đồng thời phải thực hiện nghiêm việc kê khai sản lượng để nộp thuế tài nguyên, phí BVMT theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua, qua đo đạc bằng máy, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh phát hiện Công ty TNHH Đại Hoàng Dương thiếu trung thực trong báo cáo sản lượng. Cụ thể, từ năm 2015 đến tháng 6 năm nay, DN đã hút hơn 79 nghìn m3 cát, sỏi nhưng thực tế mới nộp thuế hơn 40 nghìn m3. Như vậy gần ba tháng qua, khoảng 39 nghìn m3 vật liệu xây dựng còn lại hút từ bãi bồi ven sông đem bán chưa được nộp thuế, phí đúng như yêu cầu trong giấy phép. Điều này đồng nghĩa với việc lượng lớn khoáng sản bị thất thoát, ngân sách thất thu.

Ông Ngô Trí Dũng, Trưởng Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường - TN&MT) cho biết, cứ mỗi m3 cát, sỏi, DN phải nộp chừng 10 nghìn đồng thuế tài nguyên, đó là chưa kể 2 nghìn đồng phí bảo vệ môi trường. Ước tính sơ bộ, Công ty này chưa nộp gần 470 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước.

Công ty TNHH Quang Lâm (TP Bắc Giang) khai thác đất san lấp mặt bằng tại khu vực núi Tràm Hồng, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng vi phạm lỗi tương tự. Từ năm 2014 đến tháng 8 năm nay, Công ty mới nộp thuế, phí đối với 103 nghìn m3 đất trong khi đã vận chuyển hơn 132 nghìn m3 ra khỏi mỏ phục vụ san lấp mặt bằng. Được biết, khoảng 29 nghìn m3 đất còn lại đã khai thác cách đây chừng 3 tháng, phải nộp vào ngân sách hàng trăm triệu đồng thuế, phí theo quy định nhưng DN vẫn chưa thực hiện dù đã quá hạn. Cũng tháng 9, Công ty TNHH Bá Thiết, xã Nội Hoàng khai thác cao hơn sản lượng kê khai nộp thuế. Tình trạng này còn xảy ra trên địa bàn huyện Lục Nam.

Qua các đợt giám sát, đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh cho biết, thực tế đo đạc bằng máy tại 4 DN khai thác khoáng sản quy mô lớn ở các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa và Lục Nam thời gian gần đây, HĐND tỉnh phát hiện cả 4 DN đều kê khai thuế thấp hơn sản lượng thực tế từ 50-70%. Đó là chưa kể, nhiều mỏ đất tuy đã được cấp phép nhưng khai thác vượt mốc giới, độ sâu cho phép.

Kiên quyết chấn chỉnh

Các DN kê khai thiếu sản lượng so với thực tế, chưa được xử lý kịp thời theo quy định làm “chảy máu” tài nguyên, không thu được ngân sách cho Nhà nước. Nguyên nhân là do các DN được cấp phép “phớt lờ” quy định, tìm cách trốn tránh nghĩa vụ tài chính. Biện minh cho việc kê khai thiếu sản lượng, ông Hoàng Văn Hội, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quang Lâm cho rằng, hiện DN chưa quyết toán với đơn vị san lấp mặt bằng nên không xác định được khối lượng cũng như bố trí được kinh phí nộp thuế. Nói là vậy song DN hoàn toàn có thể kiểm soát được sản lượng thông qua ghi chép sổ sách hằng ngày.

Theo quy định, các tổ chức, cá nhân tự giác kê khai sản lượng để nộp thuế nên nhiều DN “lách luật” trốn nghĩa vụ tài chính. Ngành thuế chỉ căn cứ vào tờ khai của DN để thu các loại thuế, phí. Tuy đơn vị có kiểm tra, đôn đốc nhưng theo quy định lại không quá 2 lần/năm đối với mỗi DN do đó khó phát hiện kịp thời sản lượng, diện tích vượt, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông khó có thể xác định bằng máy móc. Ngoài nguyên nhân trên, công tác phối hợp kiểm tra xử lý các tổ chức vi phạm của ngành chức năng, các huyện, TP chưa thường xuyên.

Để từng bước chấn chỉnh việc trốn kê khai sản lượng, tăng thu ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng ngành thuế, Sở TN&MT cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ để tăng cường kiểm soát sổ sách kết hợp với đo hiện trường khai thác nhằm đối chiếu trữ lượng làm cơ sở tính toán thuế tài nguyên, phí BVMT. Ông Đỗ Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, tới đây ngành thuế sẽ chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, TP tập trung kiểm tra các DN có sản lượng khai thác lớn trên địa bàn, xử lý và truy thu các loại thuế, phí đối với sản lượng vượt so với thực tế. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hóa đơn và xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân chậm nộp thuế theo quy định. Đi đôi với giải pháp trên, Sở TN&MT tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép theo sản lượng đã được phân bổ hằng năm để có căn cứ xác định khối lượng các tổ chức, cá nhân trốn thuế. Ngoài ra Sở cần yêu cầu các DN lắp đặt tại mỏ trạm cân, camera để kiểm soát sản lượng theo quy định tại Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh yêu cầu ngành chức năng, các huyện, TP tập trung giải pháp kiểm soát sản lượng khoáng sản để thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí theo quy định, hạn chế thất thoát tài nguyên cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Báo Bắc Giang