Thanh Hóa:
Doanh nghiệp bị “mắc kẹt” vì lỗi ngân hàng đề nghị tăng mức bồi thường
(Dân trí) - Sau khi TAND TP. Thanh Hóa ban hành bản án sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST tuyên Chi nhánh Ngân hàng phát triển VN tại Thanh Hóa bồi thường cho Công ty Tây Đô 26,3 tỷ đồng, cả nguyên đơn và bị đơn đều phát đơn kháng cáo vì cho rằng bản án trên chưa thỏa đáng.
Trong lúc Công ty Tây Đô đang triển khai dự án đúng tiến độ, ngày 9/2/2010, ông Phương Ngọc Hà - Giám đốc VDB Thanh Hóa bất ngờ yêu cầu dừng giải ngân cho Công ty Tây Đô, đẩy công trình xây dựng của doanh nghiệp này đã hoàn thành khối lượng trên 70% phải dừng thi công, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Trước đó, từ năm 2009, Công ty Tây Đô luôn chấp hành nghiêm chỉnh việc nộp lãi suất hằng tháng, với tổng số tiền lãi hàng chục tỷ đồng.
Ngày 5/102012, VDB đã nộp đơn khởi kiện Công ty Tây Đô ra TAND TP.Thanh Hóa với lý do: "Công ty Tây Đô đã vi phạm nghiêm trọng về thời hạn thực hiện dự án đầu tư, vi phạm cam kết trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng, đe dọa gây thiệt hại nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam, không bảo đảm bảo khối lượng để giải ngân”.
Sau khi VDB khởi kiện, Công ty Tây Đô cũng làm đơn phản tố, đề nghị TAND TP. Thanh Hóa bác đơn kiện của VDB, đồng thời yêu cầu ngân hàng phải đền bù 35,5 tỷ đồng cho những thiệt hại do việc ngừng giải ngân cho doanh nghiệp.
Ngày 22/4/2013, tại phiên xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử - TAND TP.Thanh Hóa tuyên buộc Công ty Tây đô trả cho VDB cả tiền gốc lẫn tiền lãi là hơn 109 tỷ đồng; không chấp nhận đề nghị của VDB đối với việc kê biên tài sản của Công ty Tây Đô; buộc VDB phải chịu phí giải ngân là hơn 33,2 tỷ đồng; Buộc ngân hàng bồi thường cho Công ty Tây đô trên 26,3 tỷ đồng.
Đối với khoản hơn 77 tỷ đồng đã được Ngân hàng giải ngân cho Công ty Tây Đô theo các Hợp đồng số 12 và 130, cho đến nay chưa bên nào tuyên bố chấm dứt hợp đồng, do đó các hợp đồng này vẫn còn hiệu lực. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng các bên vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Nếu VDB vẫn muốn chấm dứt hợp đồng, phía ngân hàng phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Tây Đô, bởi toàn bộ tài sản Công ty đã thế chấp tại ngân hàng nên không thể mang thế chấp ở ngân hàng khác.
Về phần bồi thường thiệt hại, Công ty Tây Đô cho rằng việc TAND TP. Thanh Hóa buộc VDB đền bù cho Công ty Tây Đô 26,3 tỷ đồng chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của bên bị đơn. Để bù đắp những thiệt hại đang phải gánh chịu, Công ty Tây Đô đề nghị Tòa phúc phẩm - TAND tỉnh Thanh Hóa (xét xử phúc thẩm ngày 22/10/2013) xem xét lại các chứng cứ, buộc VDB đền bù khoản tiền lương 3,5 tỷ đồng mà Công ty đã trả cho công nhân; đền bù khoản tiền khấu hao tài sản; phạt Ngân hàng phát triển Việt Nam về hành vi vi phạm hợp đồng; yêu cầu VDB giải ngân tiếp số tiền còn lại theo Hợp đồng tín dụng số 130.
Cho rằng Tòa án sơ thẩm xâm hại quyền lợi, VDB cũng nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Phía VDB đề nghị Tòa phúc thẩm - TAND tỉnh Thanh Hóa buộc Công ty Tây Đô trả tòa bộ gốc và lãi cho ngân hàng tạm tính đến tháng 4/2013 là hơn 109 tỷ đồng, kê biên toàn bộ tài sản thế chấp của Công ty Tây Đô tại VDB.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc