Đố kỵ

(Dân trí) - Ở đời, không ít ông bà, tài chẳng bằng ai, chữ nghĩa nông cạn, sống thì nhạt nhẽo, nhưng lại háo danh, háo quyền, ganh tài và thủ đoạn đến thành bệnh.

Mấy vị này thường chỉ chăm chăm nhòm ghế, sẵn sàng thi đấu cho quả... ông của mình có bãi đáp; hoặc hấp háy nhòm túi, tìm cách cấu véo tư lợi, chơi bẩn người khác. Giời lại hay cho những môn hầu đệ tử của thói trên cái lưỡi, cái miệng khéo uốn. Vị vậy, mẹo phổ biến của các vị này là dùng lưỡi (nịnh nọt) + tiền (lợi) để lấy lòng cấp trên, ve vãn lôi kéo phe cánh bên dưới, suốt ngày thì thụt như buôn bạc giả với vài kẻ tiểu nhân, tìm kẽ hở của đối thủ để khoét rễ, chờ cơ hội "làm nộm" nhau, chơi "ván bài lật ngửa".

Vì ganh ghét, người ta có thể dùng bẫy tình, bẫy tiền, quay phim lén, đặt máy ghi âm, tung tin... thậm chí cả ném xà phòng vào tủ đồng nghiệp để vu ăn cắp, cho tới ném hàng quốc cấm vào nhà đối thủ để vu oan giá hoạ. Điều đáng sợ là, sự ganh gét, đố kỵ kìm hãm, huỷ hoại biết bao nhiêu hoài bão, quyết tâm, danh vọng, phẩm giá, của cải, động lực phát triển mà ta khó có thể đo đếm bằng cân lượng, nhưng chắc chắn nó là sự mất mát rất to lớn.

Ở một xã hội văn minh, thấy hàng xóm có bát ăn bát để, thấy đồng nghiệp có năng lực thì phải mừng cho nhau, thậm chí động viên, giúp đỡ nhau làm nhiều điều tốt hơn nữa. Bởi lòng tốt, tài năng, trí tuệ... không chỉ thuộc về một cá nhân mà đó chính là tài sản của cả cộng đồng, là giá trị cần vun đắp. Một người có tài, có năng lực quản lý trong một lĩnh vực nào đó thì có lợi cho cả tập thể, cả xã hội, thay vì một kẻ bất tài, mị dân, cơ hội tiếm quyền để phá bĩnh. Khổ thay, bệnh đố kỵ, ganh ghét ở ta nó lan nhiễm thâm căn cố đế ở nhiều cung bậc khác nhau trong xã hội. Nhiều nơi, hí trường kèn cựa, tranh giành quyền lực một cách "trường kỳ kháng chiến", chả còn làm ăn được gì. Thử tính, cuộc đời chỉ "ở trọ trần gian" vài chục năm, nhưng lúc trai trẻ, có sức, có chí, có khả năng cống hiến cao nhất thì lại phải dè chừng, giữ miếng nhau, nghĩ mẹo "chưởng" nhau; đến lúc ngấy quá rồi, muốn làm việc thiện tâm, nhiệt tâm thì ôi thôi, sức tàn lực kiệt, hoặc đến lúc phải "chia tay hoàng hôn". Thế là đi tong một kiếp người nhợt nhạt, phù du.

Ganh ghét, đố kỵ có nhiều dạng, nhưng có hai dạng khá phổ biến: Đố kỵ tài năng (danh), đố kỵ chức quyền (lợi). Người ta than trời vì cái bả danh lợi là vì vậy. Ghế thì ít mà... "mông sấn" thì nhiều là do một phần ta sống quá dài trong bao cấp; đường đến ghế, đến một thang giá trị rất đơn tuyến, cứ nhất thiết phải biên chế nhà nước, thước do nhà nước, nên mới sinh ra nhiều người chọi một. Những nước văn minh, người ta có nhiều con đường lựa chọn đến đỉnh, đến giá trị nào đấy. Đường đi phía trước đã có người, họ có thể tự chọn con đường của riêng mình, tạo nên đỉnh, nên giá trị khác của mình. Một tập đoàn tư nhân, một cơ sở khoa học tư nhân... có khi có ích hơn, đóng góp tốt hơn một ông núp bóng Nhà nước, chuyên "đánh quả" Nhà nước.

Ở ta, sự độc quyền nhà nước, một kênh mặc định nhà nước là lý do để người ta đổ xô chạy vào biên chế nhà nước quyết liệt một thời. Mặt khác, có chức, có quyền là gắn liền với bổng lộc; lợi ích thì khác biệt, trách nhiệm thì mù mờ, chung chung, nên càng sinh ra ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Ai cũng muốn mang... mông ra "thi đấu" trên mặt ghế nhà nước. Nếu đặt được mông vào cái ghế nào đấy là lợi lộc cho cả gia đình, dòng họ... Ghen tình, ghen tiền là cái ghen ghê gớm xưa nay.

Ganh ghét, đố kỵ chính là nguyên nhân túm cẳng, ngáng chân sự phát triển. Bốc thuốc hoá giải căn bệnh này phải bắt đầu từ việc xây dựng, cải tiến cơ chế, chính sách xã hội; đặc biệt là quan điểm và định hướng giáo dục cho con em ta ngay từ thuở thiếu thời, về lối sống trung thực, quý trọng tài năng, sống có trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với chính mình, với gia đình, cao lên la với cộng đồng và đất nước.

Trần Long