Ba phút cùng luật sư:
Chơi bầu cua tôm cá ăn tiền trong dịp tết có bị xem là đánh bạc không?
(Dân trí) - Ở các vùng quê, trong dịp tết mọi người thường tụ tập chơi bầu cua, đánh bài, lô tô… ăn tiền cho vui. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh, thì cá cược bằng bất cứ hình thức nào và số tiền lớn hay nhỏ thì đều là hành vi đánh bạc và vi phạm pháp luật.
PV: Thưa luật sư, một bạn đọc gửi về chương trình “Ba phút cùng luật sư” câu hỏi như sau: “vào dịp tết cổ truyền thì người ta hay tham gia chơi bầu cua tôm cá hoặc đánh bài nhưng có ăn thua bằng tiền. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Kính chào bạn đọc Dân Trí đang theo dõi chương trình 3 phút cùng Luật Sư!
Hành vi mà bạn vừa nêu là vi phạm pháp luật. Bởi, “đánh bạc trái phép” theo quy định tại Điều 1 Nghị Quyết 01/2010/NQ-HĐTP là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Như vậy, người nào mà tham gia chơi bầu cua tôm cá hoặc đánh bài nhưng có ăn thua bằng tiền thì tùy số tiền mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Vậy thì luật sư có thể cho biết số tiền tham gia đánh bạc bao nhiêu sẽ bị xử lý hình sự?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Đánh bạc trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong các điều kiện sau: (1) Được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; hoặc (2) dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về “Tội đánh bạc” (Điều 248 Bộ luật Hình sự) hoặc “Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” (Điều 249 Bộ luật Hình sự) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Về khung hình phạt thì theo Điều 248 Bộ Luật Hình Sự:
- Trường hợp đánh bạc trái phép có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng và không có tình tiết tăng nặng thì sẽ bị cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
- Trường hợp đánh bạc trái phép có tính chất chuyên nghiệp; hoặc tiền và hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
PV: Vậy trường hợp đánh bạc dưới 2.000.000 đồng thì có bị vi phạm gì không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Trong trường hợp hành vi đánh bạc trái phép dưới 2.000.000 đồng thì như đã phân tích ở trên, người tham gia đánh bạc sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 26.2 và Điều 26.6 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
Ngoài việc bị phạt tiền, các bạn còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ xung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư đã tư vấn cho bạn đọc báo Dân trí!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến thực hiện