Xung quanh dư luận bức xúc ở Thái Bình:
Điều cần thiết bây giờ là ổn định để phát triển
(Dân trí) - Trong những ngày qua, dư luận Thái Bình xôn xao xung quanh việc gian lận thi cử cũng như kết nạp Đảng không đúng thủ tục của các con ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Duy Việt. Chủ tịch MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã thẳng thắn trao đổi với Dân trí về những suy nghĩ đối với miền đất ông coi là “gắn bó máu thịt” này.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt rất gắn bó với Thái Bình. Vào thời điểm ở đây mất ổn định nghiêm trọng (1996 - 1997), ông khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban dân vận Trung ương được cử làm tổ trưởng Tổ công tác của Bộ chính trị tại Thái Bình (gọi tắt là tổ Thái Bình).
Thưa, ông đánh giá như thế nào về một số hiện tượng thiếu minh bạch có liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt của Thái Bình mà báo chí đã nêu?
Tôi đã đọc kỹ những bài Dân trí đã nêu và rất hiểu những bức xúc của dư luận. Việc con cái một số lãnh đạo làm sai dễ ảnh hưởng đến uy tín của bố mẹ vì “con dại, cái mang” và phải chịu trách nhiệm với dân.
Nhưng ở đây phải xem xét có tình, có lý. Cha mẹ khuyên bảo, dạy dỗ con cái nhưng không phải lúc nào cũng theo sát chúng được. Giờ con cái vi phạm thì cha mẹ cũng phải chịu nhưng cũng phải có tình, có lý.
Đối với việc kết nạp Đảng của con đồng chí Việt đúng là không đúng với thủ tục thông thường. Trách nhiệm ở đây trước hết phải là nơi nào kết nạp, nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Uỷ ban kiểm tra Đảng cần sớm làm rõ chuyện này. Ai sai, sai đến đâu phải làm cho rõ. Về chuyện học sinh giỏi của cháu thứ hai của đồng chí Việt cũng thế. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã huỷ bài thi, tức là có vấn đề rồi. Nhưng phải làm rõ sai ở khâu nào? Thi cử hay những khâu khác. Việc này phải làm sáng tỏ trách nhiệm do ai.
Về tâm lý, tôi nghĩ phải xem xét từ nhiều phía. Có thể là do các cháu chủ động, cũng có thể là do mấy anh cấp dưới muốn làm đẹp lòng thủ trưởng mà làm. Chứ tôi nghĩ chắc chẳng dễ lãnh đạo nào lại “bày binh bố trận” để làm việc này, việc khác cho con cái mình cả.
Còn việc của ông Mạc Kim Tôn thì không phải bàn nữa, đặt cả lên bàn rồi. Sắp tới, khi có kết luận thì Mặt trận Thái Bình cần sớm có chính kiến.
Ông đánh giá gì về ý kiến của một số đảng viên công khai bày tỏ ý kiến của mình trên các cơ quan đại chúng?
Quyền chất vấn là quyền của mỗi người, anh em bức xúc cũng có lý do đúng. Trong một địa phương nếu có chuyện “dột từ nóc” thế thì người ta dễ bức xúc cũng phải thôi.
Thế nhưng vấn đề là phải bình tĩnh, sáng suốt xem xét cho chính xác, cho công bằng. Nhất là không nên để anh em mất tinh thần, nhụt ý chí. Đã có hiện tượng một số nơi lãnh đạo khi báo chí nêu chưa rõ mức độ đúng sai, nhưng lãnh đạo đã mất tinh thần nên công việc đang làm “gật” cũng không mà “lắc” cũng không. Đó là điều nguy hiểm, bất lợi cho địa phương.
Nhiều năm làm công tác dân vận của Đảng, theo ông thì cần có biện pháp gì để sớm ổn định dư luận?
Trước hết là phải tập trung làm rõ các vụ việc báo chí đã nêu càng nhanh càng tốt. Sau đó, ai sai đến đâu, xử lý đến đó, dù bất cứ cương vị nào, cấp nào. Nhân dân cần dân chủ, mọi việc phải rõ ràng, công khai, minh bạch. Khuất tất, vòng vo là không được với dân.
Tuy nhiên, nhanh chóng nhưng phải bình tĩnh, đúng người, đúng việc, tức là phải công bằng với con người. Điều cần nhất bây giờ là phải ổn định để phát triển. Tôi không nghĩ như cách đánh giá là tình hình Thái Bình bây giờ lại cấp bách như năm 1996 - 1997, nhưng không có nghĩa là việc đã xảy ra mà không coi trọng, chậm giải quyết thì bất lợi.
Tôi tin rằng, những bức xúc gần đây sớm được làm rõ, xử lý xong thì Thái Bình sẽ ổn định lại bình thường.
Về mặt báo chí, sau sự việc đã kết luận thì cần có những bài viết thật sâu sắc về vấn đề này và đừng nghĩ báo chí nói sau thì ít tác dụng.
Là người gắn bó với Thái Bình đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông nhìn nhận và suy nghĩ như thế nào đối với mảnh đất này?
Trong báo cáo tổng kết của Tổ công tác trước đây, chúng tôi khẳng định Thái Bình là tỉnh có truyền thống cách mạng rất vẻ vang. Thái Bình có rất nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong đổi mới, Thái Bình có những đóng góp to lớn như việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng điện - đường - trường - trạm. Nhưng những năm gần đây, lãnh đạo Thái Bình đã mắc những khuyết điểm rất nghiêm trọng, chắc hậu quả còn kéo dài.
Về cá nhân, điều khiến tôi xúc động là tình cảm của tôi với Thái Bình ngày càng thêm sâu sắc. Đã mấy năm nay, năm nào tôi cũng về thăm 1-2 lần và ở đâu cũng nhận được sự tiếp đón chân tình, niềm nở của nhân dân Thái Bình.
Có đồng chí ở Thái Bình đã tặng tôi tập sách “Đồng chí Phạm Thế Duyệt với Thái Bình và Thái Bình đối với đồng chí Phạm Thế Duyệt” ghi lại nhiều tin, bài viết cũng như hình ảnh những ngày tôi và Tổ công tác ở đây.
Tôi biết ơn quê hương Hải Dương đã sinh ra tôi, Quảng Ninh đã rèn luyện tôi, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã giúp tôi trưởng thành thì Thái Bình đã cho tôi một kinh nghiệm quý báu về công tác dân vận và dân chủ nông thôn Việt Nam.
| |
Ông Phạm Ngọc Đáp |
Chúng tôi mong muốn Thái Bình có một môi trường giáo dục lành mạnh. Vì vậy, những vấn đề tiêu cực trong giáo dục vừa qua theo tôi phải tìm tận gốc và xử lý kịp thời. Việc ngờ vực về thi cử, theo tôi, kỳ thi này do Bộ GD&ĐT chủ trì, tổ chức điều hành, coi thi... và ngay cả phát hiện sai phạm cũng là do Bộ.
Vậy tại sao Bộ không truy cho cùng vấn đề, ai làm việc tiêu cực này, ai liên quan...? Tôi đề nghị cần phải tiếp tục làm rõ vấn đề, phải “thúc” Bộ GD&ĐT làm cho rõ.
Việc của đề con cái các đồng chí lãnh đạo, tôi nghĩ không nên suy diễn mà nên tìm đúng nguyên nhân. Khi có nghi ngờ, chúng ta có quyền đặt vấn đề nhưng không nên suy diễn. Tôi không bênh vực ai, nếu có sai phạm dứt khoát phải xử lý nhưng làm việc phải có khoa học, có cơ sở.
Ông Đặng Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình: Chúng tôi đang chờ kết luận của Bộ
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã yêu cầu trường THPT Chuyên phải có báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở GD&ĐT. Trên cơ sở là thành viên Hội đồng thi Quốc gia, chúng tôi cũng đã có báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh và Cục khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT.
Vừa qua, chúng tôi tiếp tục có công văn trình Cục khảo thí đề nghị có kết luận việc không công nhận kết quả thi của 7 thí sinh và xin Cục cho ý kiến về việc Sở giáo dục tỉnh hay trường THPT Chuyên có động thái gì trong việc xin xỏ, “chạy” điểm hay không?
Tôi xin khẳng định là chúng tôi chưa bao giờ tiết lộ danh tính của các thí sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi với Hội đồng thi, với Bộ... Vì vậy, không có áp lực về việc có con của lãnh đạo tỉnh tham gia.
Để lý giải vấn đề này, hiện chúng tôi chưa biết mức độ giống nhau thế nào giữa các bài thi không thể lý giải được sự giống nhau này. Tuy nhiên, tôi khẳng định không thể có sự đưa bài từ bên ngoài vào.
Về dư luận cho rằng, có sự tài trợ của một số doanh nghiệp với kỳ thi học sinh giỏi, chúng tôi chưa bao giờ có chủ trương này và cũng không cho phép các nhà trường làm việc này.
Sau khi có thông tin, chúng tôi có yêu cầu trường THPT Chuyên Thái Bình báo cáo bằng văn bản. Tuy nhiên, qua chất vấn miệng thì thấy đúng là có việc ủng hộ từ phía các doanh nghiệp.
Về số tiền ủng hộ là bao nhiêu, chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu sâu.
Bùi Hoàng Tám - Nguyên Đức (thực hiện)