Điểm mặt những bất thường tại “xưởng” điện mặt trời mái nhà tại Đắk Nông
(Dân trí) - (Dân trí)- Trồng cây dưới mái tôn, thả vài con gà, thậm chí là bỏ không… là cách làm nông nghiệp bất thường tại Đắk Nông. Nhờ cách làm này, nhiều chủ đầu tư đủ điều kiện để làm điện mặt trời mái nhà.
Trồng “cỏ”… công nghệ cao !
Lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Krông Nô cho rằng, đối chiếu với các quy định hiện hành, công trình ĐMTMN phải được xây dựng trên đất đã chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau khi xây dựng, phía dưới mái nhà sẽ tiếp tục làm nông nghiệp như chăn nuôi hoặc làm nông nghiệp công nghệ cao.
Giải thích thêm, lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Cư Jút cho biết, chỉ có đất nông nghiệp khác mới được xây dựng công trình có mái. Điều này mới phù hợp với quy định của ĐMTMN, tức là sản xuất phía dưới mái nhà là chính, sản xuất điện là phụ.
Tuy nhiên, nhiều công trình đang hiện hữu tại “xưởng” sản xuất điện lớn nhất Đắk Nông lại không đáp ứng được yêu cầu trên.
Tại 2 công trình thuộc sở hữu của Công ty TNHH CNX Tây Nguyên và Công ty TNHH CNX Bắc Nguyên. Hai công ty cùng nộp hồ sơ đăng ký thỏa thuận đấu nối ngày 11/7/2019 cho công trình cùng tại thôn Nhà Đèn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút.
Theo danh sách công khai tại Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Gia Lai, hai công ty này cùng trụ sở tại thôn Ia Sa, xã H’Bông, huyện Chư Sê. 11 ngày sau ngày nộp hồ sơ đăng ký thỏa thuận đấu nối, Công ty TNHH CNX Tây Nguyên mới cấp giấy phép kinh doanh (22/7/2019) và Công ty TNHH CNX Bắc Nguyên là ngày 24/7/2019.
Dù hoạt động gần 1 năm, lãnh đạo UBND xã Ea Pô chỉ biết 2 công trình cùng thuộc sở hữu của một người đàn ông tên T. “Khi đi vào vận hành, chúng tôi đi kiểm tra thì không thấy trồng gì nên đã yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, thực hiện đúng quy định nhưng đến nay họ chưa cung cấp gì”, lãnh đạo UBND xã Ea Pô nói.
Trong khi đó, người được thuê trông coi 2 công trình này cũng khẳng định, họ được người đàn ông tên T. thuê. Chủ của công trình là người địa phương khác, quản lý thông qua hệ thống camera. Phía dưới mái, được tự do trồng bắp (ngô).
Không chỉ có 2 công trình này, mà theo lãnh đạo UBND xã Ea Pô, nhiều công trình ĐMTMN khác “vẫn chưa làm gì dưới mái nhà”, chỉ tập trung vào sản xuất điện. “Riêng Solar Tây Nguyên thì nuôi vài con gà, còn lại là bỏ không”.
Cùng quan điểm trên còn có lãnh đạo UBND xã Nam Dong (huyện Cư Jút)- nơi đang có cụm công trình ĐMTMN “đồ sộ” nhất tỉnh Đắk Nông với cụm 8 công trình tại thôn 16.
Theo vị lãnh đạo xã, trên giấy tờ công trình thể hiện thuộc sở hữu của 8 chủ đầu tư khác nhau, thế nhưng thông tin mà xã nắm được, các công trình là của 2 người. “Một người ở Đắk Nông sở hữu 3 công trình, một người ở Hà Nội sở hữu 5 công trình. Dù đăng ký làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng phía dưới toàn là cỏ”, ông này thông tin.
Một trường hợp khác là tại dự án ĐMTMN xã Đắk Wil, huyện Cư Jút thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần sinh thái và Công nghệ CNX và Công ty Cổ phần sinh thái và Công nghệ HNN (cùng trụ sở tại thôn 5, xã Đắk Wil).
Cả 2 công ty này nộp hồ sơ đăng ký và đã được thỏa thuận đấu nối vào tháng 7/2019 và tháng 11/2019. Tuy nhiên, theo dữ liệu công khai Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, cả hai công ty mới được thành lập ngày 17/2/2020.
Anh Nguyễn Văn Sĩ (thôn 8, xã Đắk Wil) bức xúc, gia đình anh có trang trại chăn nuôi diện tích mái khoảng 4000 m2. Tháng 10/2019, tận dụng sẵn mái trang trại, anh đã làm tờ trình để thỏa thuận đấu nối ĐMTMN. Tuy nhiên, anh không được chấp nhận. “Chúng tôi đáp ứng đủ các điều kiện nhưng bị từ chối, có phải vì những công ty trên ?”, anh này ngán ngẩm.
Điện lực Đắk Nông nói gì ?
Liên quan đến việc chủ đầu tư là các doanh nghiệp, được thành lập sau khi thỏa thuận đấu nối, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Nông- Nguyễn Văn Trình cho biết, các công trình tại xã Đắk Wil vốn thuộc sở hữu của các chủ đầu tư khác. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, họ không được hưởng ưu đãi về thuế nên họ thành lập một doanh nghiệp khác, với một tư cách pháp nhân khác, qua đó được hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp và vay vốn ngân hàng.
Trước những phản ánh của báo Dân trí về dấu hiệu thỏa thuận đấu nối các dự án ĐMTMN không đúng quy định, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Điện lực Đắk Nông đã có văn bản phản hồi số 4847 ngày 23/7. Điện lực Đắk Nông khẳng định, việc thỏa thuận đấu nối được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn số 6738 ngày 24/7/2019 của Điện lực miền Trung.
Song trước khi có hướng dẫn này, vì khả năng giải tỏa công suất còn rất lớn, đồng thời để khuyến khích người dân đầu tư xây dựng hệ thống ĐMTMN, cũng như bổ sung điện năng cho hệ thống điện quốc gia nên “Điện lực Đắk Nông thực hiện thỏa thuận đấu nối cho các chủ đầu tư chưa có mái nhà, hoặc công trình xây dựng”.
“Đối với các chủ đầu tư, Điện lực Đắk Nông đều đối xử bình đẳng với nhau, không có sự phân biệt để “giữ chỗ” cho một số chủ đầu tư”, Điện lực Đắk Nông khẳng định.
Trong số các công trình mà Dân trí đã “điểm mặt”, Điện lực Đắk Nông khẳng định chưa thỏa thuận đấu nối với công trình của Công ty TNHH tập đoàn Nguyên Vũ (xã Ea Pô); trong khi đó cụm 3 công trình tại xã Tâm Thắng, từ khi thỏa thuận đấu nối đến nay, công trình đã hoàn thành thi công 70%.
Riêng trường hợp mà Dân trí phản ánh là “bị từ chối dù đủ tiêu chuẩn”, Điện lực Đắk Nông cho rằng, tại thời điểm khảo sát, dự án chưa có mái hay công trình xây dựng. Điện lực sẽ khảo sát lại và thỏa thuận đấu nối lại nếu đảm bảo khả năng giải tỏa công suất.
Tỉnh Đắk Nông khẳng định “thỏa thuận sai”
Ngày 30/7, Dân trí đã thông tin, ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông ký văn bản 3697/UBND-KTN về việc tăng cường quản lý đầu tư điện mặt trời mái nhà. Nội dung văn bản khẳng định, Điện lực Đắk Nông đã thỏa thuận đấu nối không đúng quy định nhiều công trình mặt trời mái nhà.
Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở Công thương, Điện lực Đắk Nông, UBND huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, quản lý các dự án điện mặt trời mái nhà theo đúng Quyết định 13 ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ