Thanh Hóa - Bài 4
Đi tìm danh dự cho người lính đã hi sinh: Gia đình chưa nhận được giấy báo tử?
(Dân trí) - Dù thân nhân đã hi sinh hơn 50 năm trước, nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được giấy báo tử. Sau khi báo điện tử Dân trí có loạt bài phản ánh, mới đây, các cấp, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã “khởi động” lại hồ sơ liên quan đến việc đề nghị công nhận liệt sĩ cho người lính đã hi sinh.
Trong đơn xin sao y hồ sơ liệt sĩ mới đây, anh Đinh Quang Hoạt, xã Định Tường, huyện Yên Định, trình bày: Lâu nay gia đình không có thông tin gì về chú anh là ông Đinh Quang Biên.
Đến đầu tháng 6/2015, gia đình nhận được thông báo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Thông tin của gia đình nhận được, phần mộ của liệt sĩ Đinh Quang Biên đang được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông trường Việt Trung, lô 01, hàng 09, mộ 06.
Sau đó, gia đình anh Hoạt được chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình cung cấp đầy đủ hồ sơ về liệt sĩ Đinh Quang Biên.
Trên thực tế, theo anh Hoạt thì 51 năm nay, gia đình chưa hề nhận được giấy báo tử của chú anh là liệt sĩ Đinh Quang Biên. Trong khi đó, sau khi nắm được thông tin về phần mộ, gia đình cũng đã làm các thủ tục để công nhận liệt sĩ cho ông Đinh Quang Biên.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài tìm đến nhiều cơ quan, ban ngành, câu trả lời mà gia đình anh nhận được là người chú của anh đã ngã xuống hơn 50 năm trước là quân nhân từ trần, đã được trợ cấp một lần. Điều đó khiến gia đình anh Hoạt thấy chưa được thỏa đáng và mong muốn tìm lại danh dự cho chú mình.
Hơn nữa, gia đình anh Hoạt chưa nhận tiền trợ cấp một lần và trong gia đình anh không ai có tên như người nhận chế độ một lần được ghi trong quyết định chi trả đang lưu giữ tại Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa.
Theo một nữ cán bộ Phòng tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính, Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, trước năm 1995 là Ngành lao động thương binh chi trả. Qua nghiên cứu hồ sơ thì trường hợp ông Đinh Quang Biên mất từ năm 1966, giải quyết từ năm 1969, mà hiện tại trong kho chỉ lưu mình quyết định trợ cấp một lần.
Khi được hỏi về việc gia đình liệt sĩ không ai có tên như quyết định nhận trợ cấp một lần, nữ cán bộ này cho biết, vấn đề này gia đình giải trình với Sở LĐ-TB&XH, phía Bảo hiểm xã hội chỉ có chức năng cung cấp hồ sơ, không có chức năng giải quyết.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Mười - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, cho biết, đơn vị chỉ quản lý và chi trả. Hồ sơ thiết lập là do cơ quan chủ quản của người mất, khi đã được chấp nhận thì chuyển về phòng Người có công để quản lý chi trả.
Cũng theo ông Mười thì hiện nay bảo hiểm đang quản lý thì bảo hiểm phải có trách nhiệm xác minh, trả lời việc sai tên người nhận trợ cấp một lần. Ông Mười lý giải, bảo hiểm mới tách ra từ 1995 đến nay, phải có tính kế thừa, chứ không thể đổ cho người khác được.
Ở một diễn biến khác, sau khi báo điện tử Dân trí có loạt bài: “Đi tìm danh dự cho người lính đã hi sinh”, ngày 1/8/2017, Hội đồng xác nhận người có công xã Định Tường, huyện Yên Định "khởi động" lại cuộc họp đề nghị xác nhận người có công. Hội đồng kết luận, trường hợp ông Đinh Quang Biên đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Cùng với đó, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi xã Định Tường cũng có công văn gửi Hội đồng xác nhận người có công xã Định Tường và các cấp về việc đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với trường hợp ông Đinh Quang Biên.
Ngày 21/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, cán bộ Ban chính sách, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, cho biết, hiện gia đình thân nhân của ông Đinh Quang Biên đã chuyển hồ sơ đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để hoàn chỉnh, báo cáo Quân khu.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên đến bạn đọc.
Duy Tuyên