Bạn đọc viết:
Di tích văn hoá lịch sử độc đáo Bia Ma Nhai đang bị mai một
(Dân trí) - Trải qua bao mưa nắng cùng sự tàn phá của con người trên đỉnh vòm đá làm thay đổi dòng nước chảy, các dòng chữ bị meo mốc che lấp, cảnh vật trong hang động bị biến dạng... Di tích Bia Ma Nhai đang có nguy cơ bị xoá sổ.
Bia Ma Nhai với những hàng chữ khắc trên đá đang bị meo mốc che lấp
Bia Ma Nhai - một di tích lịch sử văn hoá độc đáo, với văn bia được khắc vào vòm đá núi trước cửa hang đá, nằm ở phía tây nam của huyện, cách thị trấn Con Cuông (Nghệ An) khoảng 300m.
Lịch sử ghi lại rằng: vào năm 1335 ở phía tây nam Nghệ An luôn bị bọn nghịch đảng ở bên ngoài đến quấy phá, cướp đất, giết người cướp của. Vua Trần Hiến Tông cùng với Tể tướng văn võ song toàn là Nguyễn Trung Ngạn đích thân vào đốc chiến. Nhà vua đặt đại bản doanh tại núi Cự Đồn, Mật Châu (nay là thôn Thành Nam thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông).
Quan quân Nhà Trần dùng chiến thuật vừa tập kích vừa chiêu dụ hàng, bọn nghịch tặc đã dần dần rút lui, duy chỉ có một tên Nghịch Bổng không chịu đầu hàng mà quấy phá ngày thêm hung hãn. Vì công việc triều chính cấp bách, vua Trần Hiến Tông phải trở về Thăng Long, được thể bọn nghịch đảng lại tập trung phá phách mạnh hơn. Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn thân chinh vào vùng Mật Châu, Cự Đồn cùng Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn dẹp loạn.
Một Vua, một Tướng vốn đã cùng nhau vào sinh ra tử, tâm đầu ý hợp, nay lại cùng chinh chiến dẹp loạn. Chỉ một trận đánh đã làm cho nhóm nghịch đảng “thất điên, bát đảo” vội hồi quân, quỳ lạy xin đầu hàng và xin được tha tội chết. Dẹp xong giặc, ngồi trên thuyền thấy phong cảnh nên thơ, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, rồi truyền cho Nguyễn Trung Ngạn ghi lại chiến công hiển hách này lên vòm đá núi gọi là “Ma Nhai kỳ Công Văn”. Lúc bấy giờ là vào tháng 12 nhuận niên hiệu Khai Hữu năm thứ bảy ất Hợi 1335.
Như vậy Bia Ma Nhai là bài văn ghi lại chiến công rạng rỡ của quan, quân Nhà Trần trong việc giữ gìn bờ cõi, thu lại non sông bị mất, thể hiện được thanh thế của nước Đại Việt trong sự nghiệp củng cố và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Sau hơn 675 năm trải qua bao nắng mưa thời gian và cả sự tán phá của con người trên đỉnh vòm đá, làm cho dòng nước chảy thay đổi, ảnh hưởng đến các dòng chữ ghi trên đá. Một số chữ bị meo mốc che lấp, cảnh vật ở hang động này cũng bị thay đổi, biến dạng, nhưng không được trông coi, bảo vệ và không được khắc phục sửa chữa nên di tích đang có nguy cơ bị xoá sổ.
Và dù đã được xếp hạng là di tích văn hoá lịch sử, nhưng do là một huyện nghèo thu không đủ chi, nên địa phương không biết tính sao trước sự xuống cấp của di tích lịch sử văn hoá này. Rất mong được Nhà nước quan tâm tu bổ và sửa chữa, để áng thiên anh hùng ca này sáng mãi cùng dân tộc, góp phần phục vụ cho du lịch sinh thái và quan trọng là cho con cháu đời đời ghi nhớ công lao của tổ tiên ta đã anh dũng chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, đem lại cuộc sống hoà bình, hạnh phúc cho người dân...
Bài, ảnh: Phùng Văn Mùi