Bạn đọc viết:

Đi thẳng, rẽ phải sẽ giảm ùn tắc giao thông

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa đề xuất hàng loạt biện pháp thu phí với hy vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông, điều này người dân cho rằng không thực tế, đa số không đồng tình.

Với bài viết này, chúng tôi muốn nêu lên các hệ thống giải pháp để giải quyết những bất cập, yếu kém trên cơ sở hạ tầng mà ngành GTVT đang quản lý. Đó là hệ thống giải pháp trước mắt và hệ thống giải pháp lâu dài, 2 hệ thống giải pháp chính mà bất kỳ đề án nào cũng luôn đề cập đến.

Hệ thống giải pháp lâu dài

Nhà nước cần tập trung quy hoạch mở mang đường sá đủ để nhân dân lưu thông dễ dàng với tầm nhìn trên 50 năm. Đẩy mạnh sản xuất, phân phối ô tô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và có giải pháp kích cầu cho người tiêu dùng. Thu đúng, thu đủ các loại thuế để xây dựng đất nước, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Hạn chế tối đa, tiến tới bỏ thu lệ phí vì tổ chức thu phí gây tốn kém nguồn nhân lực, quản lý khó, dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát.

Từng bước hạn chế xe 2 bánh lưu thông trong các thành phố, thị trấn, chuyển dần xe 2 bánh về các vùng xa trung tâm để tiến tới cấm hoàn toàn và loại bỏ xe 2 bánh phân khối nhỏ tham gia lưu thông. Di dời các trường đại học, bệnh viện, ủy ban nhân dân, các sở ban ngành thành phố, các trung tâm thương mại lớn… ra khu vực xa trung tâm và các giải pháp lâu dài khác mà Chính phủ đã thông qua.

Hệ thống giải pháp trước mắt

Lắp đặt các biển báo giao thông, bảng hướng dẫn và chỉ dẫn đầy đủ, rõ ràng, dễ nhìn. Phân làn, phân tuyến một cách hợp lý để tối ưu hóa cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, tạo điều kiện cho người tham gia giao thông chấp hành đúng luật giao thông, ưu tiên bố trí một nửa tuyến đường dành cho xe 2 bánh, một nửa tuyến đường còn lại dành cho xe ô tô trong phạm vi nội đô, nội thị. Trong điều kiện cho phép nên bố trí tối đa các đường nội thị thành đường giao thông một chiều.

Thực hiện thói quen lưu thông: đi thẳng hoặc rẽ phải để tránh ùn tắc giao thông (Nếu cho phép rẽ trái thì các dòng xe, các loại xe cắt mặt nhau gây ùn tắc giao thông – như hình ảnh bên dưới).
Phân luồng như vậy không kẹt xe mới là chuyện lạ - Ảnh từ internet
Phân luồng như vậy không kẹt xe mới là chuyện lạ - Ảnh từ internet

Chỉ cho phép rẽ trái ở cuối tuyến đường hoặc ở giao điểm mặt đường rộng có làn đường dành cho rẽ trái và có đèn giao thông cho phép rẽ trái, các trường hợp khác chỉ cho phép chạy thẳng hoặc rẽ phải, cấm rẽ trái, đặc biệt cấm tuyệt đối các loại xe 2 bánh rẽ trái.

Nếu muốn thực hiện hành vi rẽ trái thì:

Đối với xe ô tô: Để thực hiện hành vi rẽ trái, xe ô tô phải đi đến ngã tư kế, sau đó rẽ phải 3 lần để vòng lại hoặc phải đi đến cuối tuyến hoặc đến ngã tư có đèn giao thông cho phép rẽ trái (như hình vẽ minh họa bên dưới).
Đối với xe 2 bánh:

Đối với xe 2 bánh:

- Trường hợp 1: đi thẳng đến cuối tuyến để rẽ trái (giống như xe ô tô)

- Trường hợp 2: để thực hiện hành vi rẽ trái, xe 2 bánh đi đến ngã tư rồi rẽ phải, đứng chờ ở phần đường dành cho xe 2 bánh, đợi đến khi có tín hiệu đèn xanh rồi đi thẳng .
Đối với người đi bộ:

Đối với người đi bộ: băng qua đường bằng làn đường dành cho người đi bộ và tín hiệu đèn giao thông như hiện nay. Những nút giao thông có lưu lượng người đi bộ băng qua đường đông và có điều kiện thì xây cầu vượt bằng vật liệu nhẹ, lắp ghép dành cho người đi bộ. Những nút giao thông có lưu lượng người đi bộ băng qua đường ít, không thường xuyên thì lắp thêm nút ấn đèn ưu tiên dành cho người đi bộ, khi ấy thì cho phép các loại xe ô tô, xe 2 bánh rẽ phải dù đèn xanh hay đèn đỏ với mục đích là giải phóng nhanh lượng xe cần rẽ phải tại nút giao thông đó.

Cần lập trình lại đèn tín hiệu giao thông một cách đồng bộ trên cơ sở tính toán tốc độ trung bình của phương tiện tham gia giao thông và khoảng cách giữa 2 đèn tín hiệu giao thông để mở đèn tín hiệu giao thông phù hợp, từ đó người tham gia giao thông từ đầu tuyến có thể chạy đến cuối tuyến mà không cần phải dừng lại bởi đèn đỏ, do vậy làm cho giao thông được thông suốt hơn trên toàn tuyến mà lại tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.

Nhanh chóng hoàn thiện các phương án phát triển phương tiện giao thông công cộng và bổ sung các giải pháp phát triển giao thông trước mắt khác nhằm khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng để từng bước giảm bớt phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Các thành phố lớn cần sớm quy hoạch xây hầm để xe, nhà nhiều tầng để xe, bố trí một cách hợp lý để tạo điều kiện cho nhân dân có chỗ gửi xe, đồng thời chấm dứt việc để xe dưới lòng đường, vỉa hè và các bãi giữ xe lộ thiên gây mất mỹ quan đô thị.

Siết chặt công tác giám định xe, cần cương quyết loại bỏ những xe không an toàn tham gia giao thông, nghiên cứu rút ngắn niên hạn sử dụng một số loại xe thường hay xảy ra tai nạn. Cần sớm quy định niên hạn sử dụng cho xe 2 bánh và cương quyết loại bỏ hoặc tịch thu, tiêu hủy những xe 2 bánh hết niên hạn sử dụng hoặc quá cũ không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Nhà nước và các hãng sản xuất cần có dự án hỗ trợ, thu mua lại các loại xe cũ của người dân để buộc họ phải loại bỏ hoặc đổi mới các phương tiện tham gia giao thông quá cũ, không an toàn, dễ gây ra tai nạn, gây ô nhiễm môi trường.

Trong 5 đến 10 năm tới cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu, phân phối xe ô tô, xe 2 bánh trong thị trường Việt Nam để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng ý thức giao thông của người tham gia giao thông (Hạn chế bằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thật cao). Đối với ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô, xe 2 bánh trong nước thì trước mắt ưu tiên cho việc sản xuất để xuất khẩu

Cần sớm ban hành quy định về việc cấp phép xây dựng đối với những nơi tập trung đông người như: trường học, bệnh viện, chung cư, siêu thị, trung tâm thương mại,… phải có văn bản đồng ý đảm bảo giao thông khu vực nội thị của Sở hoặc Bộ GTVT thì mới được cấp phép xây dựng.

Đối với quốc lộ 1: mở rộng thêm mỗi bên đường từ 2 đến 3 mét với kết cấu tải trọng nhẹ và chỉ để dành riêng cho xe 2 bánh lưu thông. Có thể sử dụng phương án làm bằng bê tông (xi măng, cát, đá có sẵn trên thị trường Việt Nam không cần phải nhập) do vậy chi phí đầu tư sẽ giảm đi rất nhiều. Phần mặt đường hiện hữu trên quốc lộ 1 sẽ dành cho xe ô tô, do vậy cho phép nâng tốc độ lên 60à80 km/h. Hiện tại hầu hết các đoạn quốc lộ 1 qua các trung tâm tỉnh, thành, thị trấn, thị xã… đều đã được làm đường tránh, cần biến những đoạn đường tránh này thành các đường cao tốc “mi ni” để rút ngắn thời gian lưu thông trên quốc lộ 1 bằng cách: không cho phép xây dựng khu dân cư, dịch vụ trên các đoạn đường này và cấm tuyệt đối xe 2 bánh lưu thông vào những đoạn đường này (xe 2 bánh lưu thông những đoạn quốc lộ 1 cũ). Dự án này cần làm đồng bộ, quyết liệt và hoàn thành trong vòng 3 năm.

Ths. Phan Đình Mãi
(Đại học Bách khoa TPHCM)