3 phút cùng luật sư:

Đi "massage mệt", gội đầu, cắt tóc "mát mẻ" có bị quy là mua bán dâm?

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Massage, gội đầu, cắt tóc... có kèm thêm các dịch vụ mang hình thức kích dục có thể bị xử lý hình sự.

Massage là một phương pháp giúp giảm các triệu chứng đau mỏi cơ và là một cách để thư giãn, phục hồi cơ thể. Thế nhưng, trong thực tế có không ít các dịch vụ không lành mạnh đi kèm và hình thành 1 khái niệm mới là "massage mệt", dùng để ám chỉ những nơi massage kích dục. Hình thức này có bị xem là mua bán dâm? 

Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư của chương trình 3 phút cùng luật sư để cùng tìm hiểu.

Những dịch vụ "vui vẻ" đi kèm với massage, gội đầu, cắt tóc

"Massage mệt" hay massage có kèm thêm các dịch vụ kích dục có vi phạm pháp luật hay không thưa luật sư? Nếu có thì hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Việc các cơ sở massage có sử dụng các dịch vụ kích dục hay sử dụng các hoạt động tình dục để làm phương thức kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, khi các cơ sở massage kinh doanh theo hình thức này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng (Điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).

Ngoài ra, trong trường hợp cơ sở massage đó không chỉ cung cấp dịch vụ kích dục mà còn để cho hành vi mua, bán dâm xảy ra tại cơ sở của mình còn sẽ bị xử lý Hình sự về tội chứa mại dâm theo quy định tại Điều 327 BLHS.

Trong trường hợp, phạm tội có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tù từ 05 đến 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đi massage mệt, gội đầu, cắt tóc mát mẻ có bị quy là mua bán dâm? - 1

Những dịch vụ "thân mật với khách" kèm thêm khiến massage bị biến tướng.

Ngoài dịch vụ massage, trên thị trường còn có một số hình thức khác như gội đầu, cắt tóc, cafe... có nhân viên ăn mặc rất "mát mẻ" và có hành động "thân mật quá mức" với khách. Những loại hình kinh doanh này có vi phạm pháp luật không thưa luật sư? 

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Những hình thức kinh doanh này của các cơ sở kinh doanh cắt tóc, gội đầu, cafe...cũng được xem là sử dụng các hoạt động tình dục khác để làm phương thức kinh doanh.

Theo đó, như tôi đã trả lời trình bày, các cơ sở kinh doanh có sử dụng các dịch vụ kích dục hay sử dụng các hoạt động tình dục để làm phương thức kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng (Điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).

Đi massage mệt, gội đầu, cắt tóc mát mẻ có bị quy là mua bán dâm? - 2

Luật sư Nguyễn Đức Hoàng trao đổi cùng PV Dân Trí.

Làm thế nào để phân biệt giữa các dịch vụ thông thường và các dịch vụ bán dâm trá hình thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Trước đây, theo Điều 38 Nghị định 109/2016/NĐ-CP về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) cần phải đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị và nhân sự.

Trong đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp phải là bác sĩ, y sĩ hay kỹ thuật viên các ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền.

Tuy nhiên, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ y tế đã bãi bỏ các quy định này. Do đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ xoa bóp (massage) chỉ cần đăng ký kinh doanh và đáp ứng các điều kiện ngành kinh doanh thông thường.

Ngoài ra, theo Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các cơ sở này cần xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Như vậy, về mặt pháp lý, các cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) hoạt động đúng theo quy định của pháp luật khi đăng ký kinh doanh, đáp ứng đầy đủ điều kiện ngành kinh doanh thông thường và có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.