Để thực hiện “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

Cùng với các yếu tố quan trọng khác như đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, bởi đấy là tài liệu học tập hỗ trợ cho học sinh nắm vững kiến thức.

 

Hiện nay, học sinh ở các bậc học phổ thông vẫn sử dụng bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản giáo dục độc quyền phát hành. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và một số bất cập trong chất lượng sách giáo khoa, năm 2008, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tiến hành đánh giá chương trình và sách giáo khoa trên qui mô lớn với sự tham gia của 20 000 trên tổng số gần 35 000 trường học các cấp phổ thông trên toàn quốc. Sau động thái mang tính tích cực, cầu thị trên, vừa qua trong dự thảo sửa đổi luật giáo dục công bố ngày 1/4/2009, Bộ GD&ĐT đã đưa ra lấy ý kiến về quy định ‘Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Theo đó, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa của nhiều Nhà xuất bản được lựa chọn sử dụng. Có 2 phương án về đối tượng được quyền lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các đơn vị trường học là Giám đốc Sở GD&ĐT và Hiệu trưởng nhà trường. Đây có thể xem là chủ trương mang tính đột phá của Bộ GD&ĐT trong nỗ lực hạn chế, chấm dứt những bất cập tồn tại bấy lâu nay trong chương trình và sách giáo khoa.

 

Từ trước đến nay, học sinh ở tất cả các vùng, miền đếu sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, không phân biệt vùng núi, vùng sâu vùng xa với vùng đống bằng, thành phố. Đây là một điều bất hợp lí bởi cùng một khối lượng kiến thức nhưng trình độ, khả năng tiếp nhận của học sinh ở các vùng, miền khác nhau là không giống nhau. Thực tế là, học sinh ở các vùng có nhiều điều kiện thuận lợi như đồng bằng, thành phố thường có khả năng tiếp thu các tri thức từ sách giáo khoa nhanh hơn học sinh vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sự chênh lệch này đã dẫn đến một thực trạng đáng buồn là: có một khoảng cách khá xa trong chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền hiện nay. Điều đáng nói là, không chỉ sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, học sinh miền núi còn phải thực hiện chung một thời lượng chương trình như học sinh vùng đồng bằng, thành phố trong khi khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế hơn. Điều bất cập nêu trên chính là một trong số các nguyên nhân khiến cho học sinh miền núi có học lực yếu, kém chiếm tỉ lệ lớn. Hệ quả kéo theo là học sinh có tâm lý chán học, muốn bỏ học gia tăng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Mặc dù đã qua nhiều lần sửa chữa, chỉnh lý nhưng bộ sách giáo khoa được dùng ở các cấp học hiện nay vẫn không hoàn toàn “sạch” lỗi. Bên cạnh những sai sót trong khâu in ấn, chính tả, tranh minh họa… còn có những lỗi về diễn đạt, dùng từ, sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học trừu tượng, thiếu sự phù hợp về khoa học tâm lý sư phạm và lứa tuổi. Nghiêm trọng hơn là những lỗi về mặt kiến thức, các kiến thức không đồng bộ, nhất quán giữa các cuốn sách giáo khoa ở các cấp học khác nhau trên cùng một môn học. Có thể kể ra đây một số “lỗi nhỏ” đang tồn tại trong các cuốn sách giáo khoa ở các cấp học. Trang 51 của sách Lịch sử và Địa lí 4, tác giả soạn sách viết: “Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông”. Trong khi đó, theo sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1, trang 45 thì Hồng Đức Quốc âm thi tập là của tập thể tác giả (vua Lê Thánh Tông và các triều thần). Lịch sử là môn học đòi hỏi cao về tính chuẩn xác, khách quan của các mốc thời gian, các sự kiện lịch sử nhưng đáng buồn là tình trạng mỗi sách, mỗi cấp học viết mỗi nẻo vẫn diễn ra.

 

Sách Lịch sử 7, trang 134 viết: “Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế và năm 1806”. Trong khi đó, sách Lịch sử 10, trang 125 viết: “ Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua”. Như vậy là, cùng một sự kiện mà các sách không chỉ khác nhau về mốc lịch sử mà cách hiểu về sắc thái nghĩa của các từ “Vua” và “Hoàng đế” cũng khác nhau. Khi thực hiện chương trình phân ban, có 2 bộ sách được sử dụng trong các trường THPT thuộc các chương trinh “nâng cao” và chương trình “chuẩn”. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT khi thực hiện 2 bộ sách này là: “Chương trình nâng cao phải dựa vào chương trình chuẩn”. Nghĩa là, giữa chúng phải có sự “thống nhất về quan điểm xây dựng chương trình, về văn bản và về quan điểm nội dung giảng dạy”.

 

Mặc dầu vậy, chủ biên 2 cuốn sách Ngữ văn 10 bộ “chuẩn” và Ngữ văn 10 bộ “nâng cao” đã có sự “sáng tạo” khi ngẫu hứng “xé rào”. Trong văn bản đoạn kết truyện Tấm Cám, bộ sách “chuẩn” dẫn theo tài liệu của Nguyễn Đổng Chi cho rằng: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết…”. Ngược lại, cũng ở đoạn kết truyện này, sách “nâng cao” dẫn theo tài liệu của Ngô Xuân Diên lại cho rằng: “Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một hố thật sâu và ngồi xuống dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo”. Ở đây, do sự không đồng nhất giữa 2 văn bản trên, sẽ có 2 cách đánh giá khác nhau về tính cách của cô Tấm. Cô Tấm ở sách “chuẩn” do chủ động trong việc trả thù nên có vẻ “ác” hơn. Còn cô Tấm trong sách “nâng cao” lại có vẻ “lành” hơn khi chỉ “vẽ đường” cho Cám chủ động tìm đến cái chết.

 

Tham gia biên soạn sách giao khoa là một đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ, các Nhà nghiên cứu khoa học  có trình độ cao. Không ai nghi ngờ về tài năng của những người soạn sách, vậy tại sao những bất cập trong chất lượng sách giáo khoa vẫn diễn ra? Phải chăng là do cơ chế dộc quyền đã làm cho những người biên soạn sách không chịu khó tìm tòi nghiên cứu, cập nhật kiến thức hay là do còn thiếu sự liên thông, thống nhất giữa các nhóm biên soạn để rồi “đường ai nấy viết” Trong một lần chất vấn trước quốc hội, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập một nguyên nhân khác: “Do 80% người biên soạn sách, ở thời điểm biên soạn không dạy phổ thông nên có thể có những nội dung không phù hợp”.

 

Việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” được kỳ vọng là sẽ phá vỡ thế độc quyền áp đặt, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm biên soạn của nhiều Nhà xuất bản khác nhau để có thể có được những bộ sách giáo khoa với chất lượng tốt nhất. Vấn đề còn lại là bộ sách giáo khoa nào sẽ được lựa chọn và liệu Giám đốc Sở và các Hiệu trưởng đã đủ ‘tầm’ để lựa chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất với đơn vị, địa phương mình? Nên chăng, tương ứng với mỗi phương án, đối tượng được lựa chọn sử dụng các bộ sách giáo khoa, cần kèm theo các điều kiện giám sát, ràng buộc. Trước khi để các địa phương lựa chọn, Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan chủ quản của ngành giáo dục nên có những qui định chặt chẽ về tiêu chuẩn sách giáo khoa, về điều kiện lựa chọn, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa. Đội ngũ giáo viên từ các tổ chuyên môn trong nhà trường và ngay cả phụ huynh, học sinh cũng có thể có những ý kiến tham góp để việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa của Giám đốc Sở hoặc Hiệu trưởng được chính xác.

 

Về lâu dài, cần có tầm nhìn trong việc qui hoạch cán bộ quản lý giáo dục ở từng địa phương.Tạo áp lực từ đòi hỏi của thực tiến nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý giáo dục để khi Giám đốc Sở hay Hiệu trưởng gánh trọng trách lựa chọn sử dụng các bộ sách giáo khoa sẽ phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định về kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh lẫn đạo đức nghề nghiệp. Làm được điều này cũng sẽ góp phần tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội.

 

 

 

Bùi Minh Tuấn

Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí - Nhằm phá thế độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến về dự thảo quy định: “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Đó là một chủ trương mạnh bạo, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng cũng như hạ giá bán sách giáo khoa. Tuy nhiên cần có bước đi thận trọng, có lộ trình thực hiện với quy trình chặt chẽ ở nhiều khâu, từ việc tổ chức biên soạn bảo đảm chất lượng cho đến việc xuất bản và quy định về việc dành quyền chủ động cho các địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn bộ sách nào là thích hợp.

 

Bài viết trên đây đóng góp một số ý kiến xung quanh về chủ đề này. Chúng tôi xin trân trọng chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.