Đề nghị truy tố bị can bị truy nã: Hi hữu trong lịch sử tố tụng hình sự

Thế Hưng

(Dân trí) - "Đề nghị truy tố đối với bị can đang bỏ trốn, đang bị truy nã, cụ thể là bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC là chuyện rất hi hữu, hiếm gặp nhưng vẫn có cơ sở pháp lý".

Khẳng định trên được TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội nêu ra đối với trường hợp của bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị cáo buộc đưa hối lộ cho cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hàng chục tỷ đồng.

Truy tố bị can đang bị truy nã

Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án hình sự nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy nã và có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án để chờ kết quả truy nã bị can. Điều 229 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: "Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra".

Ngoài ra một số các trường hợp khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả thì cơ quan điều tra cũng có thể tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả xác minh.

Đề nghị truy tố bị can bị truy nã: Hi hữu trong lịch sử tố tụng hình sự - 1

Bà Nhàn đang bỏ trốn nhưng vẫn bị C03 đề nghị truy tố hai tội danh. (Ảnh: AIC Group).

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Tuy nhiên, vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai với một số bị can, trong đó có bị can thuộc công ty AIC là một vụ án rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố đối với bị can đang bị truy nã.

Nội dung đáng chú ý của kết luận là C03 đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, bà Nhàn đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố và bị truy nã đến nay. Đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử tố tụng, dù bà Nhàn đang bỏ trốn nhưng C03 cho rằng đủ căn cứ để kết luận hành vi phạm tội của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC.

Xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn là có cơ sở

Theo luật sư Cường, về mặt lý thuyết thì tòa án có thể xét xử đối với bị cáo trong trường hợp bị cáo đang bị truy nã. Tuy nhiên để xét xử bị cáo đang bị truy nã thì trước đó Viện kiểm sát phải có cáo trạng để truy tố, đề nghị xét xử đối với bị can đó, có thể sau khi truy tố thì bị can bỏ trốn nên bị truy nã và vẫn xét xử. Còn trường hợp nếu viện kiểm sát không truy tố đối với bị can thì không có căn cứ để tòa án xét xử đối với bị can đó.

Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015 đang áp dụng hiện nay thì viện kiểm sát cũng không thể truy tố đối với bị can đang bị truy nã.

Cụ thể theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự thì viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự trong trường hợp sau đây: "Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này...".

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì khi vụ án bị can bỏ trốn, không biết ở đâu thì cơ quan tố tụng phải truy nã và tạm đình chỉ. Việc truy tố bị can chỉ có thể diễn ra khi bị can bị bắt truy nã hoặc đầu thú trước khi viện kiểm sát ban hành cáo trạng.

Theo quy định tại Điều 240 bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn viện kiểm sát nhân dân truy tố đối với tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày và có thể gia hạn một lần với thời hạn không quá 30 ngày nữa. Như vậy là thời hạn truy tố tối đa (kể cả thời gian gia hạn) trong vụ án này là không quá 60 ngày. Hết thời hạn 60 ngày thì viện kiểm sát phải ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc ban hành cáo trạng để đề nghị truy tố đối với các bị can (nếu có cáo trạng đề nghị truy tố thì mới có căn cứ để tòa án xét xử).

Như vậy, về mặt lý thuyết thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án và bản Kết luận điều tra mà cơ quan tố tụng bắt được bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hoặc bị can này đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật thì viện kiểm sát vẫn có căn cứ để ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can này và các đồng phạm, trong tình huống này thì việc đề nghị truy tố của cơ quan điều tra vẫn có cơ sở để thực hiện.