Đề nghị làm rõ quyết định kháng nghị bất thường của Tòa án TPHCM

(Dân trí) - Nguyên đơn và bị đơn đều không kháng cáo bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của Tòa án quận 3, TPHCM trong vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà tại cao ốc Master Building, nhưng đến tháng 8/2012, Tòa án TPHCM bất ngờ ra Quyết định kháng nghị đẩy người dân vào cảnh cùng đường.

Đơn kêu cứu khẩn cấp Công ty Kim Long gửi đến báo Dân trí
Đơn kêu cứu khẩn cấp Công ty Kim Long gửi đến báo Dân trí
 
Trong đơn khiếu nại, tố cáo khẩn cấp gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng, bà Lê Thị Trúc Mai, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Kim Long (gọi tắt là Công ty Kim Long) phản ánh: Ông Trần Văn Sự - Phó Chánh án TAND TPHCM đã ban hành Quyết định kháng nghị số 01/2012/QĐKN-KDTM-GĐT ngày 16/8/2012 và Quyết định Giám đốc thẩm số 35 ngày 28/8/2012 có dấu hiệu trái quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi của Công ty Kim Long thời gian qua.

Theo tài liệu PV Dân trí thu thập được cho thấy: Tháng 5/2005, Công ty Kim Long ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Dược phẩm TW25 để xây dựng - khai thác tòa nhà Master Building tọa lạc tại số 41- 43 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Công ty Kim Long hoàn tất các công việc xây dựng lại tòa nhà để kinh doanh theo hợp đồng ký với Công ty CP Dược phẩm TW25, Công ty Kim Long được toàn quyền khai thác, cho thuê tòa nhà (trừ lại 350m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty CP Dược phẩm TW25).

Ngày 5/12/2007, Công ty Kim Long và Công ty Hợp Nhất đã ký hợp đồng số 05/HĐ - Uniland và ngày 21/3/2009 ký Phụ lục hợp đồng số 03. Theo đó, Công ty Kim Long cho Công ty Hợp Nhất thuê lại toàn bộ tòa nhà Master Building tại 41- 43 Trần Cao Vân (trừ lại 350m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty CP Dược phẩm TW25) trong thời hạn 28 năm. Ngày 3/4/2009, Công ty Kim Long bàn giao nhà cho Công ty Hợp Nhất và tiền thuê nhà được tính từ ngày 1/4/2009.
 
Bản án sơ thẩm của TAND quận 3 - TPHCM
Bản án sơ thẩm của TAND quận 3 - TPHCM

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Hợp Nhất đã có những vi phạm các cam kết trong hợp đồng, cụ thể: Công ty Hợp Nhất không thanh toán tiền thuê nhà đúng hạn; thanh toán không đầy đủ tiền thuê nhà 2 quý liên tiếp là quý 3 và quý 4/2009. Tính đến thời điểm Công ty Kim Long khởi kiện, Công ty Hợp Nhất còn thiếu tiền thuê nhà quý 3/2009 là 76.000 USD, thiếu tiền thuê nhà quý 4/2009 là 147.000 USD; Không nộp tiền vào quỹ “sửa chữa lớn” và tiền thu nhập từ quảng cáo; sử dụng không đúng mục đích nhà cho thuê, tự ý sửa chữa lớn diện tích nhà để làm nhà hàng; không đóng tiền bảo hiểm phòng cháy chữa cháy.

Những vi phạm và sai phạm của Công ty Hợp Nhất trong việc thực hiện hợp đồng thuê nhà đã được Công ty Kim Long nhắc nhở rất nhiều lần bằng văn bản, nhưng Công ty Hợp Nhất không sửa chữa, khắc phục và chấm dứt việc vi phạm. Do đó, Công ty Kim Long đã khởi kiện yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng thuê nhà giữa Công ty Kim Long và Công ty Hợp Nhất; buộc Hợp Nhất phải mất tiền đặt cọc, phải trả tiền thuê nhà còn thiếu và phải giao lại tòa nhà này cho Công ty Kim Long, buộc Công ty Hợp Nhất phải công khai lợi nhuận từ quảng cáo và chi trả Công ty Kim Long 50% thu nhập từ quảng cáo; buộc Công ty Hợp Nhất phải cung cấp chứng từ thu từ phí dịch vụ để xác định số tiền Công ty Hợp Nhất phải nộp vào quỹ “Sửa chữa lớn” và nộp 5% vào tài khoản.

Ngày 20/1/2012, Tòa án quận 3 TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ “tranh chấp hợp đồng thuê nhà” giữa Công ty Kim Long (nguyên đơn) và Công ty Hợp Nhất (bị đơn). Sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ và những tài liệu liên quan, HĐXX tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên nguyên đơn là Công ty Kim Long. Buộc Công ty Hợp nhất và các đơn vị đang thuê tại tòa nhà Master Building giao trả lại toàn bộ diện tích, cùng toàn bộ tài sản gắn kèm cho Công ty Kim Long; Buộc Công ty Hợp Nhất phải toàn bộ tiền thuê nhà còn thiếu theo hợp đồng đã ký kết cho đến khi Công ty Kim Long nhận toàn bộ diện tích đã bàn giao cho Công ty Hợp Nhất.
 
Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án TPHCM
Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án TPHCM

Không đồng tình với nội dung bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của Tòa án quận 3, Công ty Hợp Nhất đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án nêu trên. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại TAND TPHCM, Công ty Hợp Nhất có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. Vì vậy, HĐXX Tòa án TPHCM đã ban hành Quyết định số 702/2012/QĐPT - KDTM ngày 22/6/2012 về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại. Bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của TAND quận 3 có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành Quyết định số 702/2012/QĐPT - KDTM ngày 22/6/2012.

Theo đại diện của Công ty Kim Long cho hay: Sau khi Tòa án TPHCM ban hành Quyết định số 702/2012/QĐPT - KDTM ngày 22/6/2012 về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại không có đương sự nào của vụ án, không có cơ quan, cá nhân, tổ chức nào có đơn đề nghị Giám đốc thẩm sơ thẩm bản án số 01/2012/KDTM-ST của TAND quận 3, cũng như Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án TPHCM. Nhưng đúng 54 ngày sau, ông Trần Văn Sự - Phó Chánh án Tòa án TPHCM bất ngờ ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 01/2012/QĐKN - KDTM-GĐT ngày 16/8/2012 đối với Bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của TAND quận 3 mà không đưa ra được căn cứ cụ thể.
 
Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm có nhiều điểm bất thường của Tòa án TPHCM
Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm có nhiều điểm bất thường của Tòa án TPHCM

Ngày 16/8/2012 ông Trần Văn Sự ký Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 01/2012/QĐKN - KDTM-GĐT đối với Bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của TAND quận 3. Đúng 12 ngày sau đó, Ủy ban Thẩm phán Tòa án TP HCM đã họp và ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 35/2012/QĐDS - GĐT ngày 28/8/2012 tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của TAND quận 3, giao hồ sơ cho TAND quận 3 xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Đón nhận Quyết định Giám đốc thẩm số 35/2012/QĐDS - GĐT được ban hành “siêu tốc”, Công ty Kim Long đều tỏ ra bất bình.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Tất Hữu, Trưởng Văn phòng luật sư Thủ đô cho biết: Theo quy định tại khoản 2, Điều 290 Bộ Luật tố tụng Dân sự: “Trong trường hợp Chánh án Tòa án tối cao hoặc Chánh án Tòa án cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Viện Kiểm sát nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án”.

Dựa trên quy định này, bên nguyên đơn đặt câu hỏi, với tổng số thời gian 7 ngày (đã trừ 1 ngày xét xử Giám đốc thẩm và 4 ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật là ngày 18,19,25 và 26/8/2012) để Viện Kiểm sát TPHCM nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị ý kiến để phát biểu tại phiên tòa Giám đốc thẩm; đồng thời, Ủy ban Thẩm phán Tòa án TPHCM cũng nghiên cứu hồ sơ, xét xử giám đốc thẩm đối với một vụ án kinh doanh thương mại phức tạp, với gần 30 đương sự (nay đã là 276 đượng sự) liệu có đủ thời gian cho Viện Kiểm sát TPHCM và Tòa án TPHCM xem xét kỹ lưỡng, khách quan để đưa ra được một quyết định công tâm?.
 
Chỉ mất có 12 ngày Tòa án TPHCM đã ra được Quyết định Giám đốc thẩm
Chỉ mất có 12 ngày Tòa án TPHCM đã ra được Quyết định Giám đốc thẩm
 
Chỉ mất có 12 ngày Tòa án TPHCM đã ra được Quyết định Giám đốc thẩm
Trong lúc tranh chấp đang diễn ra Công ty Hợp Nhất vẫn treo biển quảng cáo cho thuê cao ốc Master Building

Vì Quyết định Giám đốc thẩm số 35/2012/QĐDS - GĐT có nhiều điểm bất thường của Tòa án TPHCM, quyền lợi hợp pháp của Công ty Kim Long vẫn tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng từ năm này qua năm khác. Không những chưa lấy được nhà, Công ty Kim Long còn không được Công ty Hợp Nhất chi trả tiền thuê nhà theo đúng hợp đồng đã ký kết năm 2007, với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Trong cơn bĩ bực, Công ty Kim Long khẩn thiết đề nghị Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào cuộc làm rõ những dấu hiệu bất thường thể hiện ở Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 01/2012/QĐKN - KDTM-GĐT và Quyết định Giám đốc thẩm số 35/2012/QĐDS - GĐT ngày 28/8/2012 của Tòa án TPHCM; xem xét hủy bỏ các Quyết định nêu trên để Bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của TAND quận 3 được thực thi theo đúng trình tự pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc