Đề nghị làm rõ dấu hiệu oan sai vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Bắc Giang
(Dân trí) - Cho rằng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam có dấu hiệu oan sai trong vụ án xảy ra tại VPBank Bắc Giang, ông Thân Văn Hưng đã gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan đề nghị xem xét lại kết luận điều tra.
Trong đơn kêu oan gửi báo Dân trí, ông Thân Văn Hưng, trú tại phòng 104, nhà B2 khu tập thể Phân Đạm, phường Trần Nguyên Hãn, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đang là bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang, khởi tố, bắt tạm giam ngày 19/12/2011. Hiện tại ông Thân Văn Hưng đang được tại ngoại.

Trở lại diễn biến vụ án, ngày 06/8/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang có Bản kết luận điều tra số 90/PC6 nêu rõ: Công ty Cổ phần Hưng Sơn (gọi tắt là Công ty Hưng Sơn) thành lập ngày 7/7/2009 có trụ sở tại cụm công nghiệp Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Quá trình sản xuất, kinh doanh đến thời điểm 24/11/2010, Công ty Hưng Sơn mất khả năng về tài chính, nợ vay ngoài xã hội và các tổ chức tín dụng lên tới: 14.531.732.235 đồng. Các khoản nợ đều đến hạn hoặc sắp hết hạn phải thanh toán nhưng công ty Hưng Sơn không còn nguồn vốn, tài sản để thanh toán.
Để có vốn kinh doanh duy trì sự tồn tại của công ty Hưng Sơn và có nguồn tiền để thanh toán nợ vay cho các cá nhân ngoài xã hội, nợ vay cũ tại các tổ chức tín dụng, Thân Văn Hưng (sinh năm 1976, giám đốc công ty Hưng Sơn) đã có hành vi trong thiết lập hồ sơ đề nghị bảo lãnh của Công ty Hưng Sơn với mục đích để được Ngân hàng phát triển Bắc Giang bảo lãnh vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang, sau đó chiếm đoạt 4.109.767.938 đồng của khoản vay này để trả nợ cũ và các hoạt động khác của Công ty Hưng Sơn, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng cũng như phương án sản xuất kinh doanh. Đến nay, Công ty Hưng Sơn không còn tài sản và về khả năng về tài chính để trả nợ cho Ngân hàng VPBank Bắc Giang.

Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng Thân Văn Hưng là giám đốc Công ty Hưng Sơn, là người đại diện theo pháp luật của công ty, Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Công ty Hưng Sơn. Hơn nữa, Hưng đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị lãnh đạo gửi đến Ngân hàng phát triển Bắc Giang để được bảo lãnh vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang và sử dụng tiền vay này để chi trả các khoản nợ vay cũ (nợ vay các ngân hàng, nợ vay các các nhân ngoài xã hội) và chi phí khác cho hoạt động của công ty. Hành vi của Thân Văn Hưng đã cấu thành tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 139 - BLHS), chiếm đoạt của Ngân hàng phát triển Bắc Giang số tiền 4.109.767.938 đồng.
Tuy nhiên, ông Thân Văn Hưng cho rằng Cơ quan CSĐT đã cố tình làm sai, lạm dụng quyền lực bắt người oan sai có biểu hiện “hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế”. Ông Hưng cho rằng, kết luận điều tra nhận định Công ty CP Hưng Sơn đã lập báo cáo tài chính không đúng để đủ điều kiện bảo lãnh vay vốn, thực tế không phải như vậy vì trong thực tế, không ít doanh nghiệp đã không phản ánh hết tình hình doanh nghiệp vào báo cáo tài chính nên công ty Hưng Sơn không sai. Công ty Hưng Sơn có hoạt động kinh doanh thực tế, dùng vốn vay đúng vào mục đích. Vay vốn để kinh doanh hàng tiêu dùng với các món vay 2,5 tỷ, 5,5 tỷ và 6,5 tỷ đồng. Có chuyển tiền, nhận hàng, bán hàng có đầy đủ sổ sách, chứng từ theo dõi. Công ty Hưng Sơn có hạch toán, sổ sách đầy đủ rõ ràng chứ không bỏ túi, chiếm đoạt cá nhân.
Nhận định về vụ án, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng: Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế vì các lý do sau:

Cơ quan CSĐT cho rằng bị can Hưng đã có hành vi gian dối trong việc thiết lập hồ sơ đề nghị bảo lãnh gửi đến Ngân hàng phát triển Bắc Giang để được bảo lãnh cho khoản vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank Bắc Giang là không có căn cứ thuyết phục bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 5, quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại thì hồ sơ đề nghị bảo lãnh của Công ty Hưng Sơn có đủ điều kiện bảo lãnh để vay vốn ngân hàng VPBank Bắc Giang và trên thực tế Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (NHPT) Bắc Giang đã thẩm định và phát hành chứng thư bảo lãnh cho khoản vay 6,5 tỷ đồng đối với Công ty Hưng Sơn. Trong quy trình phát hành chứng thư bảo lãnh, Chi nhánh NHPT Bắc Giang và Ngân hàng phát triển Việt Nam (cơ quan chủ quản) đều khẳng định bằng văn bản việc thẩm định và chấp thuận bảo lãnh thực hiện theo đúng quy trình do NHPT ban hành, phương án kinh doanh khả thi và có hiệu quả.
Kể từ khi Công ty Hưng Sơn lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn số tiền 4.109.767.938 đồng của VPBank Bắc Giang, ông Hưng không có ý thức chiếm đoạt để tư lợi cá nhân như: không bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm mà còn tích cực thúc giục các cổ đông trong Công ty cùng họp bàn tìm biện pháp tháo gỡ để trả khoản vay còn lại.
Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, bản chất của vụ án này là giữa VPBank Bắc Giang với Công ty Hưng Sơn ký hợp đồng tín dụng số LD1034200086 ngày 8/12/2010. Để đảm bảo khoản vay 6,5 tỷ đồng, Chi nhánh NHPT Bắc Ninh, Bắc Giang đã phát hành chứng thư bảo lãnh số 10/2010/NHPT.227-CTBL ngày 09/12/2010 cam kết có nghĩa vụ trả thay cho Công ty Hưng Sơn; trong trường hợp nếu Công ty Hưng Sơn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng VP bank Bắc Giang thì ngân hàng có quyền khởi kiện Công ty Hưng Sơn hoặc Ngân hàng phát triển Bắc Giang ra Toà án kinh tế có thẩm quyền giải quyết để thu hồi nợ. Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã vội vàng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Thân Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu của việc “Hình sự hóa quan hệ kinh tế”.
Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm, VPLS Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có quan điểm cho rằng: Bản kết luận điều tra số 90/PC46 ngày 06/8/2013 của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang quy kết Bị can Thân Văn Hưng phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS là không đúng với lý luận về cấu thành tội phạm và bản chất vụ việc. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty CP Hưng Sơn đã thanh toán cho Ngân hàng được 2.390.232.062 đồng nợ gốc và 218.599.444 đồng tiền lãi. Cơ quan CSĐT đã “vội vàng” khởi tố Giám đốc Thân Văn Hưng là người đại diện cho pháp nhân đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 4.109.767.938 đồng là không đúng với lý luận cơ bản của Điều 139 BLHS, bởi lý do sau: Dấu hiệu cơ bản là người phạm tội phải có mục đích chiếm đoạt tài sản ngay từ ban đầu khi phát sinh giao dịch. Nếu cho rằng Thân Văn Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải quy kết số tiền chiếm đoạt ngay từ ban đầu khi lập hồ sơ vay vốn ngân hàng là 6.500.000.000 đồng chứ không phải 4.109.767.938 đồng như kết luận điều tra.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, ông Thân Văn Hưng khẩn thiết đề nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, Công an tỉnh Bắc Giang, Viện KSND tỉnh Bắc Giang xem xét lại bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại VPBank Bắc Giang theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Làm rõ dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đảm bảo xử lý khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc