Kiên Giang:

Đề nghị làm rõ dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ côn đồ đánh hội đồng người dân

(Dân trí)- Cho rằng vụ án còn bỏ lọt tội phạm, bị hại trong vụ án “cố ý gây thương tích” ở huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là ông Phạm Văn Sỹ tiếp tục có đơn đề nghị VKSNDTC, TANDTC xem xét lại bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án này.

Ông Phạm Văn Sỹ (SN 1977, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là người bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích” do Nguyễn Trọng Đạt, Trần Tuấn Kiệt, Đoàn Minh Đông, Phạm Văn Công và Phạm Văn Lưu thực hiện vào tháng 6/2011.

Trong đơn gửi TAND tối cao, Viện KSND tối cao cùng Báo Dân trí, ông Sỹ cho biết, sau 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Quốc và TAND tỉnh Kiên Giang, ông thấy rằng vụ án này còn nhiều khuất tất chưa được làm rõ, trong đó có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm cũng như mức án dành cho các bị cáo là quá nhẹ so với hành vi gây ra.

Ông Phạm Văn Sỹ.
Ông Phạm Văn Sỹ.

Theo vụ án, ông Sỹ bị các đối tượng gồm Đạt, Kiệt, Đông, Công, Lưu chặn đánh trên đường đi làm. Các đối tượng này đã dùng nhiều vật như đá, cây…đánh gây thương tích cho ông sỹ 12%. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, CQĐT cho rằng chỉ có Đạt và Kiệt là hai đối tượng chính đánh ông Sỹ.

TAND huyện Phú Quốc sau đó đã đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử sơ thẩm với hai bị cáo là Nguyễn Trọng Đạt và Trần Tuấn Kiệt. Tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên phạt Đạt, Kiệt mỗi người 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bị hại là ông Phạm Văn Sỹ có đơn kháng án với nội dung đề nghị truy tố thêm các đối tượng Đoàn Minh Đông, Phạm Văn Lưu cùng vai trò đồng phạm và tăng hình phạt đối với Đạt và Kiệt.

Sau đó, TAND tỉnh Kiên Giang cũng đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía luật sư của ông Phạm Văn Sỹ cho rằng, các bị cáo gây thương tích cho người bị hại là có tổ chức và có tính chất côn đồ. Luật sư đã đề nghị xử các bị cáo theo khoản 2 Điều 104 BLHS. HĐXX phiên phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Đạt 6 tháng tù; còn Kiệt giữ nguyên án treo cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Ông Sỹ cho rằng, ông bị các đối tượng trên chặn đánh và buộc ông phải tự vệ nhưng lại bị Công an huyện Phú Quốc xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng là chưa thuyết phục.

Các bị cáo dùng những hung khí nguy hiểm đánh và gây thương tích cho ông Sỹ đến 12% nhưng chỉ bị đề nghị truy tố ở khoản 1 Điều 104 BLHS là không hợp lý, lẽ ra phải truy tố các bị cáo ở khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng.

Ngoài ra, các bị cáo đã có sự bàn bạc, thống nhất với nhau về hành vi phạm tội nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Quốc cố tình bỏ qua tình tiết này để chứng minh hành vi phạm tội của Kiệt và Đạt là hoàn toàn độc lập và không có tổ chức. “Tôi khẳng định việc Kiệt chạy từ trong khách sạn ra để cùng đồng bọn hành hung tôi không phải là sự tình cờ theo nhận định của bản án”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Vụ án này có đến 5 người thực hiện là có tổ chức nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố và truy tố xét xử đối với hai bị cáo là Nguyễn Trọng Đạt và Trần Tuấn Kiệt là chưa hợp lý, còn bỏ lọt người lọt tội.

Theo ông Sỹ, bị cáo Nguyễn Trọng Đạt từng có quyết định đưa vào tập trung cải tạo giáo dục nhưng nhưng cơ quan cảnh sát điền tra công an huyện Phú Quốc cố tình bỏ qua yếu tố này về nhân thân bị cáo dẫn đến bản kết luận điều tra cũng như cáo trạng và các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều ghi bị cáo Đạt có nhân thân tốt, chưa có tiền án và bị cáo Đạt bị phạt 6 tháng tù là quá nhẹ so với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Ông Sĩ cho biết, trước những tình tiết còn chưa được làm sáng tỏ trên, ông có gửi đơn kiến nghị lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, đơn vị này phản hồi yêu cầu ông gửi đơn lên Viện KSND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

Do đó, ông Sỹ có đơn đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao xem xét lại 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Quốc và TAND tỉnh Kiên Giang để làm rõ những điều còn khuất tất trong vụ án này.

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân (Trưởng VP Luật sư Thanh Tân- Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết, qua 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, bị hại thấy không đồng tình thì có quyền đề nghị đến Viện KSND và TAND tối cao xem xét lại các bản án.

Trong vu án này, theo Luật sư Thanh Tân, việc ông Sỹ bị các đối tượng Đạt, Kiệt, Đông, Lưu, Công đánh gây thương tích nhưng sau đó chỉ kết luận, xét xử Đạt và Kiệt là chưa thuyết phục.

                                                                                                Huỳnh Hải