Cần Thơ:

Đề nghị điều tra vụ xe biển xanh gây tai nạn, phóng viên bị hành hung

(Dân trí)- Ngay sau khi bài viết “Xe biển xanh gây tai nạn, phóng viên bị hành hung” được báo Dân trí đăng tải đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, trong đó có nhiều ý kiến đề nghị Dân trí tiếp tục điều tra về vụ việc này.

Hiện trường vụ ô tô biển xanh gây tai nạn gây bức xúc dư luận tại Cần Thơ
Hiện trường vụ ô tô biển xanh gây tai nạn khiến dư luận bức xúc tại Cần Thơ
 
Đây là một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội vì vậy để có cái nhìn khách quan, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc này
 
Với tư cách là một người dân ông có đánh giá gì về những hành động đối với nhóm người đã hành hung nhà báo của báo Nông thôn ngày nay khi nhà báo này thực hiện việc tác nghiệp của mình.

Sau khi theo dõi thông tin đăng tải trên báo Dân trí ngày 26/11/2012, tôi cũng như các bạn đọc cảm thấy vô cùng bất bình trước hành động coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác của nhóm đối tượng gây ra sự việc.

Theo dõi thông tin báo chí trong thời gian gần đây tôi nhận thấy rằng việc các nhà báo, luật sư khi tác nghiệp bị hành hung đang có chiều hướng gia tăng. Trong sự việc xảy ra đối với nhà báo của báo Nông thôn ngày nay thì đáng buồn hơn là những người gây ra sự việc là những người bảo vệ pháp luật. Hơn ai hết họ phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để những hoạt động theo đúng quy định của pháp luật được diễn ra, tuy nhiên trong sự việc xảy ra ngày 24/11/2012, những người này lại có những hành vi vi phạm pháp luật.
 
Luật sư Trương Anh Tú: Việc bưng bít biển số của chiếc xe cũng có nhiều điều đáng phải bàn
Luật sư Trương Anh Tú: "Việc bưng bít biển số của chiếc xe cũng có nhiều điều đáng phải bàn"
 

Ông có nhận định ra sao về tình tiết chiếc ô tô biển xanh gây tai nạn khi đang thực hiện công vụ?

Tôi cảm thấy hoài nghi về vấn đề khi cho rằng chiếc xe biển xanh gây tai nạn khi đang thực hiện công vụ bởi có những dấu hiệu bất thường sau:

Xe công đi làm công vụ vào đêm một ngày nghỉ cuối tuần và tại một tụ điểm ăn chơi, giải trí sầm uất thì nhiều khả năng không phải là xe đi làm nhiệm vụ.

Sau khi sự việc xảy ra, nếu là một xe thực hiện công vụ thì tại sao nhóm đối tượng hành hung nhà báo lại có một cách hành xử mang tính côn đồ đến vậy?

Việc bưng bít biển số của chiếc xe cũng có nhiều điều đáng phải bàn.

Hành vi của nhóm đối tượng đối với phóng viên báo Nông thôn ngày nay đã vi phạm những quy định nào của pháp luật?

Với những hành vi được bài báo đăng tải như: Giật máy ảnh, lục máy điện thoại của nhà báo, đánh hội đồng v.v... thì những đối tượng này vi phạm các quy định của Luật Báo chí khi đã ngăn cản nhà báo tác nghiệp. Hành vi gây thương tích cho nhà báo của các đối tượng côn đồ hung hãn trên còn có dấu hiệu của tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của  người khác” quy định tại Điều 104 BLHS.
 
Cần phải lưu ý rằng nếu cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của nhà báo sau khi giám được đưa đi giám định mà không đạt tỷ lệ 11% thì với những tình tiết nhưng được báo chí thông tin như: Có tính chất côn đồ, có tổ chức, cản trở người thi hành công vụ thì vẫn có thể xử lý về tội này. Trong trường hợp không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của  người khác” thì phải xử các đối tượng trên về hành vi cố ý gây rối trật tự công cộng mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trước diễn biến về tình trạng các nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp đang có chiều hướng ngày càng gia tăng thì ông có kiến nghị gì?

Nhà báo, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình lực lượng này góp phần vào việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội ngày càng dân chủ văn minh theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mặc dù pháp luật đã có những quy định nghiêm cấm cản trở hành nghề của nhà báo tuy nhiên pháp luật lại chưa có cơ chế bảo vệ hữu hiệu cho họ. Những hành vi gây cản trở hoạt động của nhà báo bị phát hiện cũng chưa được xử lý nghiêm khắc, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cầm phải có một cơ chế bảo vệ hữu hiệu cho hoạt động tác nghiệp của các phóng viên báo chí.

Đối với vụ việc xảy ra đối với với phóng viên báo Nông thôn ngày nay thì theo tôi Công an TP. Cần thơ cần vào cuộc điều tra, nếu đủ cơ sở xác minh dấu hiệu phạm tội thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm sáng tỏ vụ việc; ngoài ra cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt đối với những cán bộ vi phạm liên quan đến vụ việc này để tránh sự hiểu lầm từ phía người dân.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)