Để nâng cao chất lượng giáo viên

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020 đã nhấn mạnh việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp chiến lược có tính đột phá.

Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Bởi có đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng, chúng ta mới đào tạo ra được “sản phẩm” chất lượng đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và xúc tiến hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Tuy nhiên làm thế nào để nâng chất lượng đội ngũ giáo viên mới là điều đáng đặc biệt quan tâm.

Mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT chủ trương đẩy mạnh đào tạo sau đại học nhằm  nâng  chất lượng. Tôi đồng ý với chủ trương đó nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ, chưa thể tạo nên sự chuyển biến về chất thực sự, bởi lẽ khi Bộ có chủ trương như vậy, nhiều người đi học Cao học cho có bằng để đối phó và tìm cơ hội tiến thân chứ không phải học để nâng trình độ chuyên môn có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Theo tôi để nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, thì nên đưa ra giải pháp làm cho giáo viên thực sự có ý thức trau dồi, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn vì sự “sống còn” của nghề nghiệp. Hàng năm, vào dịp hè, thay vì tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên (rất tốn kém và không hiệu quả), Bộ nên tổ chức cho giáo viên qua các kỳ kiểm tra (một hình thức thi thích hợp nào đó) để đánh giá đúng kiến thức người thầy và nghiệp vụ sư phạm, nếu giáo viên nào đạt dưới 5/10 điểm coi như không đạt và loại ra khỏi ngành.
 
Những kỳ thi này phải được các cơ quan quản lý gíáo dục cấp trên tổ chức nghiêm cẩn và công minh, tránh cách làm chiếu lệ và thiếu công bằng; loại trừ mọi hình thức ngoắc ngoặc. Nếu không thể tổ chức được hằng năm thì hai, ba năm làm một lần kiểm tra như vậy và mức điểm đạt được của mỗi giáo viên cũng là một trong những cơ sở quan trọng nhất để xét nâng lương và đề bạt, cất nhắc.

Lâu nay có một thông lệ không hay trong ngành giáo dục là khi giáo viên được nhận vào biên chế thì dù có dạy dở, chuyên môn yếu vẫn làm việc và hưởng lương như những giáo viên dạy giỏi khác, và cứ đến kỳ hạn lại được lên lương như mọi người, cho nên không có tính canh tranh, không có động lực và áp lực để phấn đấu…

Vì thế, nếu tổ chức thi để xép loại giáo viên và có đào thải những giáo viên không đạt sẽ tạo nên áp lực và động lực cho giáo viên thực sự có ý thức trau dồi, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Khi đó chất lượng giáo viên chắc chắn sẽ được nâng lên.

Tất nhiên, đi đôi với việc tạo ra áp lực cao như thế đối với giáo viên thì phải thực hiện chính sách đãi ngộ tương xứng, bậc lương ngành sư phạm phải cao hơn các ngành khác, xứng đáng với công sức và tâm huyết của giáo viên bỏ ra.

Thu Thuỷ (Đà Nẵng)

LTS Dân trí - Bài viết ngắn gọn trên đây đề cập đến giải pháp mang tính đột phá trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục (2009-2920) là việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đấy cũng là vấn đề mắc míu lâu nay nhưng chưa có biện pháp giải quyết từ gốc, chỉ là những giải pháp tình thế, không triệt để.

Đề xuất của tác giả viết bài trên đây mở ra một hướng mới trong cách làm để đánh giá đúng trình độ chuyên môn của người thầy cũng như tạo ra động lực phấn đấu tự giác của mọi giáo viên. Đó là đề xuất đáng được các cơ quan soạn thảo và phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục cũng như các cấp quản lý giáo dục nghiên cứu và vận dụng những điều thấy hợp lý và có tính khả thi.