“Dậy sóng” siết chặt giờ chơi game online

Dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến đang được cư dân mạng đặc biệt quan tâm, với hàng ngàn “comment” trên khắp các diễn đàn và báo điện tử. Điều này cũng dễ hiểu vì hiện nay, khá nhiều cư dân mạng online để giải trí với Game Online.

Chiếm phần lớn ý kiến của cư dân mạng là lên tiếng kêu gọi các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét lại quy chế siết giờ chơi Game Online (GO) vì sự bất hợp lý. Nhiều ý kiến đã phân tích khả năng vô hiệu hóa của quy định với những người chơi GO nước ngoài.

Anh Trần Minh Duy, 37 tuổi, phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Cấm các tiệm GO phục vụ quá 22h là hoàn toàn hợp lý nhưng bắt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO chỉ từ 8h đến 22h là không hợp lý.

Đa phần các người chơi GO sau 22h là ở lứa tuổi trưởng thành và họ chỉ có thời gian rảnh rỗi là sau 22h. Chơi OL nhiều hay ít là do ý thức của mọi người. Ảnh hưởng của game cũng là do cách giáo dục của gia đình. Nếu nói OL làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, giờ giấc của người đi làm, vậy những người cần nhu cầu giải trí sau 22h thì sao?

Anh Nguyễn Tuấn, 44 tuổi, quận Thanh Xuân cho biết: Mới nghe nói đến cấm chơi GO sau 22h là đã thấy không ổn rồi. Tôi đi làm cả ngày, tối về làm việc nhà xong xuôi cũng đến 22 giờ. Thử tưởng tượng khi bật máy tính lên thư giãn 1 chút thì nhận được cái thông báo: Server đóng cửa sau 22h.

Việc có những người chơi để ảnh hưởng đến học tập hay công việc thì tôi nghĩ đó là vấn đề của cá nhân họ và gia đình chứ không thể đổ lỗi cho GO được. Game cũng chỉ là một hình thức giải trí mà thôi.

Chị Việt Hà, 23 tuổi, phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: Bản thân tôi cũng là 1 game thủ. Cũng giống như Thứ Trưởng Đỗ Quý Doãn nói, tôi cho rằng bản chất GO không có lỗi, chơi để thư giãn sau giờ làm việc.

Nếu chơi hợp lý về thời gian bảo đảm sức khỏe phục vụ công việc và học tập thì ai bảo GO có hại cả. Nó chỉ có hại khi bị người chơi lạm dụng. Mặt khác, thị trường GO không phải chỉ có Việt Nam cung cấp. Nếu nhà nước cấm trong nước thì lại tạo cơ hội hỗ trợ cho game nước ngoài bội thu…

….

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều, không ủng hộ GO, như bạn Nguyễn Thanh Hùng, 19 tuổi, phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng nói: Tôi đồng ý với việc cần phải quản lý GO.

Chắc hẳn chúng ta cũng đã được nghe về nhiều vụ việc đau lòng như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để lấy tiền chơi game của một số thanh thiếu niên. Có thể đó chỉ là thiểu số nhưng tôi có thể cam đoan rằng số học sinh, sinh viên bỏ học để mải mê "cày" game là không hề ít!

Tuy vậy tôi không đồng ý với cách quản lý game online hiện nay, cả về nội dung game cũng như cách quản lý thời gian chơi. Ai chơi game online thì đều biết game nào cũng có thể lách luật được. Nếu cứ kiểu ban hành cho có, ban hành để chứng tỏ rằng “có quan tâm quản lý đến vấn đề game online” thì có lẽ cũng không có tác dụng gì.

Anh Xuân Hải, 24 tuổi, ngõ 74 Trường Chinh, quận Đống Đa cũng cho rằng: Tôi hoàn toàn đồng ý với dự luật này. Ngoài ra phải có biện pháp quản lý mạnh tay hơn với lứa tuổi vị thành niên. Cần cấm trẻ vị thành niên vào tiệm Net.

Cứ cho người đi tuần tra, bắt gặp tiệm Net nào cho trẻ vị thành niên vào chơi là đóng cửa thu giấy phép luôn. Bên cạnh đó, nên có biện pháp hạn chế giờ theo nhu cầu. Nếu các doanh nghiệp không muốn GO bị cấm hẳn, hãy áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ có hạn chế giờ theo yêu cầu của khách hàng.

Bạn Hoàng Kiên, 30 tuổi, Cầu Giấy Hà Nội, lại cho rằng: Tôi đồng ý với quan điểm GO cần được xếp vào ngành không khuyến khích phát triển và cần quản lý chặt như thuốc lá, rượu. Bản chất của GO không có lỗi cũng giống như bản chất của bia rượu nhưng nguồn thu từ GO liệu có bù lại được những mất mát những thiệt hại do nghiện GO gây ra. Theo tôi nhà nước cần quản lí chặt hơn nữa đặc biệt là các game bạo lực vì chúng là một phần của tình trạng báo động về bạo lực học đường hiện nay.

Để tránh tình trạng quy chế ban hành theo kiểu mục tiêu một đằng mà hiệu quả một nẻo, đại đa số cư dân mạng cho rằng: “Dự thảo cần có những nhìn nhận từ nhiều phía, lắng nghe từ chính cộng đồng thì sẽ khách quan hơn và tạo sự đồng tâm hơn”.