Đắk Nông:
Đau xót hàng loạt công trình nước sạch tiền tỷ nằm “trơ trơ”… chờ thanh lý!
(Dân trí) - 5 công trình nước sạch xã Ea Pô “đắp chiếu”, hàng ngàn hộ dân phải sử dụng nguồn nước tự nhiên. Song không chỉ xã này mà nhiều địa phương khác cũng phải ngậm ngùi nhìn công trình tiền tỷ nằm trơ trơ.
Trồng bắp trong công trình chục tỷ
Năm 2004, xã Ea Pô (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được Chính phủ Đan Mạch tài trợ được xây dựng công trình cấp nước tập trung tại thôn Trung Sơn. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm vận hành, công trình này đã ngưng hoạt động do hư hỏng một số tuyến ống. Sau nhiều năm ngừng hoạt động, công trình đã trở nên hoang hóa, không thể phục hồi.
Tại thôn Thanh Sơn và thôn Nam Tiến (xã Ea Pô), cũng có 2 công trình cấp nước tập trung được xây dựng vào năm 2007 nhưng đã ngưng hoạt động do máy bơm nước và một số tuyến ống bị hư hỏng. Sau một thời gian được chính quyền địa phương cố gắng vận hành, công trình vẫn không phát huy được hiệu quả và nhanh chóng hư hỏng, rơi vào tình cảnh bỏ hoang.
Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước "đắp chiếu" và người dân thiếu nguồn nước hợp vệ sinh, xã Ea Pô lại tiếp tục được đầu tư xây dựng một công trình cấp nước tập trung… lớn hơn. Công trình này có tổng kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng từ vốn ngân sách, với quy mô cấp nước sạch cho trên 700 hộ dân trong xã.
Công trình do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp - PTNT) làm chủ đầu tư, đi vào vận hành từ năm 2019. Thế nhưng, chưa được nửa năm, công trình đã gặp trục trặc và không thể vận hành nhiều tháng nay.
Chị Đàm Thị Cành (trú thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô) cho biết, từ ngày công trình nước sạch này đi vào hoạt động, gia đình chị chưa được sử dụng một giọt nước nào dù đã lắp đặt đồng hồ.
“Nói nằm ngay cạnh nhà máy nước nhưng không có nước để dùng thì có lẽ nhiều người không tin. Thế nhưng đây là sự thật, bà con mong mỏi nước sạch bao nhiêu năm nay rồi những vẫn phải dùng nước giếng”, chị Cành cho hay.
Tương tự chị Cành, một hộ dân khác sinh sống ngay cạnh nhà máy nước hiện tại cũng phải đi xin nước giếng từ nhà người khác về dùng. Theo người này, vì khu vực này khô cằn nên rất ít giếng đào, giếng khoan có nước, công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng tại đây đã đáp ứng nguyện vọng của nhiều người.
“Thế nhưng chả hiểu sao chỉ dùng được vài ngày là hết nước. Từ đó đến nay gia đình phải mua ống rồi sang nhà người khác xin nước giếng về dùng”, người này cho hay.
Hiện tại công trình có vốn đầu từ cả chục tỷ đồng này đã bị bỏ không, bên trong cỏ mọc um tùm, một số đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Tận dụng đất trống, các hạng mục không còn hoạt động nên một người dân đã mang bắp vào đây để trồng. Sau khi thu hoạch xong, công trình này lại tiếp tục bỏ hoang, ngổn ngang trang thiết bị, cỏ mọc quá đầu người.
Hơn 100 công trình nước sạch chờ thanh lý
Theo lãnh đạo UBND xã Ea Pô, ngoài công trình nước sạch thôn Trung Sơn thì các công trình cấp nước sinh hoạt khác trên địa bàn xã đều đã được thống kê và chờ… thanh lý. Nguyên nhân là do các công trình này không còn khả năng sửa chữa, đi vào hoạt động và bà con cũng không có nhu cầu sử dụng nước sạch từ các công trình này nữa.
Tuy nhiên, không riêng gì xã này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 100 công trình cấp nước sinh hoạt khác cũng thuộc diện thanh lý vì không thể sửa chữa cho dù giá trị lớn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã thống kê và trình UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị cho ý kiến về việc này.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh này có tổng số 250 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 245 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Chỉ có 5 công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội hóa.
Đến nay, trong tổng số 245 công trình có vốn nhà nước thì chỉ có 81 công trình hoạt động, 164 công trình ngưng hoạt động.
Các công trình lâu ngày không được sử dụng, duy tu, sửa chữa nên chân đài nước bị gỉ sét, móng bị sụt lún gây nguy hiểm, dễ sụp đổ đặc biệt là trong mùa mưa bão. Qua kiểm tra, rà soát, đánh giá của UBND xã, phường (trước đây được giao quản lý), trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 110 công trình hư hỏng, ngưng hoạt động, không có nhu cầu sử dụng, được đề nghị thanh lý.
Theo một lãn đạo Sở Nông nghiệp – PTNT
Không xử lý hình sự, nhiều đơn vị chây ỳ khắc phục ?
Trả lời báo Dân trí hồi tháng 5/2019, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, các đơn vị đang tập trung khắc phục những tồn tại, khuyết điểm mà Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ ra.
Do chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch bị bỏ hoang trên địa bàn nên Thanh tra tỉnh không chuyển hồ sơ đến Cơ quan Công an.
Tuy nhiên cũng theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, đến nay các đơn vị chậm khắc phục tình trạng công trình nước sạch bị bỏ hoang.
tỉnh Đắk Nông, hiện nay các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phần lớn là thiếu thông tin cơ sở pháp lý (hầu như không có hồ sơ công trình). Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông sẽ kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông cấp kinh phí để xác định giá trị thực tế và thời gian sử dụng còn lại để phục vụ công tác bàn giao cho những đơn vị quản lý, vận hành được chọn hoặc thanh lý công trình.
“Hiện nay 110 công trình không còn nhu cầu sử dụng, không có nhu cầu sửa chữa nữa. Trước đây 2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định thanh lý những công trình này nhưng không ai làm. Hiện nay đơn vị đang tiếp tục xin ý kiến của tỉnh cho phương án để thanh lý”, vị lãnh đạo này nói.
Trước đó Dân trí đã phản ánh, theo Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004- 2018, toàn tỉnh Đắk Nông được đầu tư xây dựng 258 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó có 245 công trình xác định được tổng mức đầu tư là hơn 374 tỷ đồng, 13 công trình không xác định được tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, cũng theo kết luận này, quá nửa trong số đó không hoạt động.
Để xảy ra tình trạng trên là do chủ đầu tư và đơn vị được giao quản lý vận hành buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng các công trình bị hư hỏng, không hoạt động, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đặng Dương