Đầu voi đuôi chuột

Ai có tội, người đó phải chịu và tội đến đâu, chịu đến đó. Cái chân lý tưởng chừng như giản đơn ấy nhưng để tiếp cận nó không hề dễ...

Vụ án khám xét, bắt giữ các đối tượng ăn chơi truỵ lạc, tàn trữ trái phép chất ma tuý tại vũ trường New Century (số 10 Tràng Thi, Hà Nội) được Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C17) Bộ Công an khám phá cuối tháng Tư năm ngoái (2007) từng gây xôn xao dư luận trong cả nước. Nay đã có Kết luận điều tra (và cả Kết luận điều tra bổ sung lần 1) về vụ án này, với đề nghị cơ quan công tố đưa bảy đối tượng có các hành vi mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý ra hầu toà.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

“Gieo gió gặt bão”, đó là lẽ thường. Chỉ có điều nhìn lại vụ án này, từ khi cơ quan điều tra huy động lực lượng bắt giữ, khám xét, cho ra Kết luận điều tra, đến việc đề nghị VKSND Tối cao truy tố các đối tượng phạm tội, cứ thấy… thế nào ấy!

Như tin đã đưa, đêm 27, rạng sáng ngày 28/4/2007, các cán bộ chiến sỹ C17 và khoảng 500 cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đi trên hàng chục chiếc xe tải đặc dụng đã đồng loạt triển khai, khống chế toàn bộ khu vực vũ trường New Century

Ngay sau khi đổ quân xuống phố Tràng Thi, hàng trăm chiến sỹ công an với các công cụ hỗ trợ đầy mình đã nhanh chóng ập vào trong vũ trường, kiểm soát toàn bộ các “dân chơi” đang có mặt và hàng ngàn “dân chơi” được đưa về một sân vận động lớn để phân loại, làm thủ tục xử lý.

Nhìn vào quy mô cuộc tập kích và cả số đối tượng liên quan bị tạm giữ đêm đó cho thấy quy mô quá lớn của một trận phá án. Và quả thực, tác động của vụ án này là lớn thật, bởi ngay sau đó đã có 29 cán bộ lãnh đạo chính quyền, công an, cơ quan quản lý văn hoá, quản lý thị trường ở TP Hà Nội có trách nhiệm liên quan đã phải nhận hình thức kỷ luật. Nói về vụ án này, một vị lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã phải bộc bạch với báo chí rằng “đây là một nỗi xấu hổ và là nỗi đau chưa từng có xảy ra ở Thủ đô”.

Thế nhưng, hình như chuyện lại có khác khi cho đến nay cơ quan công an chỉ mới làm được “tương đối rõ” hành vi phạm tội của 7 đối tượng để đề nghị truy tố (ngoài 15 người khác “bị” đề nghị xử lý hành chính). Và ngay đối tượng quan trọng nhất là Nguyễn Đại Dương, chủ vũ trường này cũng chưa được Viện Kiểm sát đồng tình, bởi cơ quan điều tra chưa làm rõ được Dương có biết vũ trường sử dụng ma tuý và đã “làm ngơ” hay không? 

Kết luận điều tra cũng hoàn toàn không đề cập đến “sinh hoạt tình dục thác loạn”, “các bao cao su đã qua sử dụng vương vãi trên mặt sàn nhảy” như một số thông tin ban đầu. Khi vụ án được khám phá, từ thông tin của báo chí mà dư luận quan tâm cho rằng đây là một vụ án “cực lớn”. Nay đã hoàn tất quá trình điều tra, nếu cứ nhìn vào “quy mô” bản kết luận điều tra, thì có lẽ nhiều người lại cho là “không hẳn vậy”.

Lại hình dung nét mặt vui mừng của ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT mới đây. Khi cơ quan pháp luật mới ra tay hành sự, “thông tin đen tối” như lời một quan chức của VKSND Tối cao - cứ dần dần khiến dư luận cho rằng đích thị ông ta phạm trọng tội, bị đứng trước vành móng ngựa là cái chắc. Nhưng rồi không thể khác, “chuyện chỉ có thế”, buộc cơ quan công tố lớn nhất nước phải “cho” đình chỉ điều tra (mà việc ấy nghe chừng ông Tiến còn chưa xuôi).

Nay lại đến vụ “vũ trường New”. Cũng rất quy mô, rất ầm ĩ, không dám đoán trước, chỉ phân vân: kết cục liệu có “xuôi chèo mát mái” hay lại “đầu voi đuôi chuột” đây?

Theo Trung Tín 
Báo Tin tức Cuối tuần

LTS Dân trí - Việc VKS NDTC quyết định đình chỉ điều tra vụ ông Nguyễn Việt Tiến - Nguyên Thứ rưởng Bộ GTVT và việc cơ quan công tố đề nghị cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ trong vụ vũ trường New Century đã thể hiện rất rõ tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật trong công cuộc thực thi pháp luật. Ai có tội, người đó phải chịu và tội đến đâu, chịu đến đó. Cái chân lý tưởng chừng như giản đơn ấy nhưng để tiếp cận nó không hề dễ.